Dịch thuật: Vì sao "ô sa mạo" trở thành tên gọi riêng chỉ quan vị

VÌ SAO “Ô SA MẠO” TRỞ THÀNH TÊN GỌI RIÊNG CHỈ QUAN VỊ

          Đến nay “mũ ô sa” (ô sa mạo 乌纱帽)  đã trở thành đại danh từ chỉ quan vị. Thế thì mũ ô sa tại sao lại trở thành tên gọi riêng chỉ quan vị? và được bắt đầu từ lúc nào?
          Mũ ô sa vốn là một loại mũ thường trong dân gian, nó chính thức là quan phục bắt đầu từ triều Tuỳ, hưng thịnh vào triều Đường, đến triều Tống lại thêm “song xí” 双翅 (2 cánh chuồn). Từ triều Minh về sau, mũ ô sa mới chính thức thành đại danh từ chỉ việc làm quan.
          Thành Đế 成帝 thời Đông Tấn, quan viên làm việc trong cung đình đều đội một loại mũ được làm bằng sa đen, đó chính là mũ ô sa sớm nhất. Đời Minh Đế 明帝 nhà Tống thời Nam triều, Vương Hưu Nhân 王休仁 đã cải tiến loại mũ này. Mũ ô sa sau khi cải tiến rất thịnh hành lúc bấy giờ, quan viên bách tính đều thích đội. Màu sắc và kiểu dáng mũ ô sa lúc đó không cố định, tuỳ vào cá nhân người thích.
          Đến thời Tuỳ Đường, mũ ô sa vẫn là loại mũ thường phục. Theo Trung Hoa cổ kim chú 中华古今注: năm thứ 9 đời Vũ Đức 武德 nhà Đường (năm 626), Đường Thái Tông Lí Thế Dân 李世民 hạ chiếu rằng:
Tự cổ dĩ lai, thiên tử phục ô sa mạo, bách quan sĩ thứ giai đồng phục chi.
自古以来, 天子服乌纱帽, 百官士庶皆同服之.
(Từ xưa tới nay, thiên tử đội mũ ô sa, bách quan và sĩ thứ cũng đều đội nó)
          Nhưng, để thích ứng với chế độ đẳng cấp của xã hội phong kiến, triều Tuỳ dùng ngọc trang sức lên mũ để thể hiện quan chức lớn nhỏ.
          Đầu triều Tống, để ngăn ngừa các đại thần khi nghị sự trong triều ghé đầu nói thầm, Triệu Khuông Dận 赵匡胤 đã nghĩ ra một cách, cải biến kiểu mũ ô sa. Loại mũ ô sa này kì thực gọi là “phốc đầu” 幞头, dạng hình vuông, bên trên có một đường gãy phân làm 2 phần, bên trái và phải sau phốc đầu mỗi bên trổ ra một chân, dùng sợi thép hoặc cật tre làm sườn, về sau chân mũ đó dần kéo dài ra. Kiểu phốc đầu này có dáng trang nghiêm, nhưng thực tế khi các quan viên tụ tập trong triều rất là bất tiện. Còn như các công sai địa vị tương đối thấp thì đều đội loại phốc đầu “giao cước” 交脚 hoặc “cục cước” 局脚, nhạc quan thì đội phốc đầu “ngưu nhĩ”, phốc đầu “ngân diệp cung cước” 银叶弓脚.
          Thời Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương 朱元璋, số mệnh của mũ ô sa có sự đột phá mang tính mấu chốt. Do bởi quan viên đặc biệt yêu thích đội mũ ô sa, triều đình chính thức đưa mũ ô sa vào trang phục phải có của vương công bách quan khi lên triều hoặc khi xử lí công vụ, đồng thời quy định:
          Phàm văn võ bách quan thướng triều hoà biện công thời, nhất luật yếu đới ô sa mạo, xuyên viên lãnh sam, thúc yêu đới.
          凡文武百官上朝和办公时, 一律要戴乌纱帽, 穿圆领衫, 束腰带.
          (Phàm văn võ bách quan khi lên triều hoặc xử lí công vụ, nhất loạt phải đội mũ ô sa, mặc áo cổ tròn, thắt đai ngọc)
          Từ đó, mũ ô sa trở thành tiêu chí đặc biệt của quan viên.

Tri thức liên quan
Bạch sa mạo 白纱帽
          Từ năm 580 trở về trước, bất luận là quan hay là dân thường đều có thể đội mũ ô sa. Nhưng, chân chính hiển quý không phải là mũ ô sa, mà là mũ bạch sa, do bởi mũ bạch sa chỉ có hoàng đế mới có thể đội.
          Cuối triều Tống, cung đình chính biến, phản tướng Tiêu Đạo Thành 萧道成 đã đội mũ bạch sa, sau này Tiêu Đạo Thành trở thành Tề Cao Đế. Lúc bấy giờ mũ bạch sa còn được gọi là “cao đính mạo” 高顶帽, cho dù là hoàng thái tử cũng chỉ có thể đội trong phòng riêng của mình. Tuy là vị quân chủ tương lai, nhưng trước mặt hoàng đế, hoàng thái tử cũng chỉ có thể đội mũ ô sa.

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 17/4/2016

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post