Dịch thuật: Lí Khôi

LÍ KHÔI

          Lí Khôi 李悝 (năm 455 – năm 395 trước công nguyên, có thuyết cho là năm 450 – 390 trước công nguyên)
          Còn có tên là Khắc , Tể tướng của Nguỵ Văn Hầu 魏文侯, Vũ Hầu 武侯 thời Chiến Quốc, một trong những hiền tướng. Trứ tác có bộ Pháp kinh 法经, đây là bộ pháp điển thành văn đầu tiên thời phong kiến của Trung Quốc cổ đại. Mất vị bệnh.

          Lí Khôi 李悝, người nước Nguỵ. Từ nhỏ là môn đệ của Nho môn Tử Hạ 子夏, kiêm học cả Nho Pháp hai nhà. Từng trấn giữ vùng Thượng địa 上地 của nước Nguỵ (nay là khu vực phía bắc tỉnh Thiểm Tây, phía tây Hoàng hà). Thời gian nhậm chức đã dạy dân luyện bắn, tập võ nghệ để đề phòng nước Tần bên cạnh.
          Năm 406 trước công nguyên, Lí Khôi được Nguỵ Văn Hầu phong làm Tướng.
          Lúc bấy giờ là sơ kì thời Chiến Quốc, các nước kiêm tính kịch liệt, nước nào cũng muôn tăng cường quốc lực để tự bảo vệ, tiến thêm một bước là tranh bá thiên hạ. Sau khi Lí Khôi nhậm chức Tướng, để nước Nguỵ nhanh chóng hùng mạnh, Lí Khôi mạnh dạn thực hành biến pháp, cải cách kinh tế, quân sự, cùng chế độ dùng người.
          Về kinh tế, Lí Khôi đề xuất tư tưởng trọng nông “tận địa lợi chi giáo” 尽地利之教, tức chủ trương tận dụng tối đa đất hoang để khai khẩn. Ông đem đất hoang của một phận quan lại phân chia cho nông dân khai khẩn canh tác, còn truyền thụ việc canh tác ngũ cốc, thâm canh, diệt cỏ, kĩ thuật sản xuất và thu hoạch nông nghiệp, nâng cao sản lượng, đồng thời hướng đến nông dân trưng thu 1/10 thuế sản lượng để tăng thu nhập tài chính cho đất nước.
          Lí Khôi cũng tiến hành chính sách mua thóc, nhà nước sẽ mua lương thực của nông dân trong những năm được mùa để tích trữ; những năm mất mùa sẽ bán giá rẻ cho nông dân nhằm ổn định giá lương thực, duy trì trật tự thống trị trong nước.
          Về chế độ dùng người, Lí Khôi mạnh dạn phế bỏ chế độ thế khanh thế lộc, dựa theo tài năng và công lao của từng người mà trao quan chức thích hợp. Kiên trì thực hành chính sách có công phải thưởng, có tội phải phạt, từ đó hấp thu được nhiều nhân tài như Ngô Khởi 吴起, Nhạc Dương 乐羊, Tây Môn Báo 西门豹 đều đến với nước Nguỵ, khiến nước Nguỵ trong nhất thời nhân tài hội tụ về.
          Để tăng cường lực lượng quân sự, tại quốc nội Lí khôi thực hành chế độ trưng binh lấy huyện làm đơn vị, trăm huyện trong cả nước có thể trưng 30 vạn binh. Ông cũng kiến lập chế độ “võ tốt” 武卒, tức dùng khảo thí để tuyển dụng binh sĩ, tổ thành quân thường bị, quy định người ứng thí phải giương cùng mạnh 12 thạch, thân mang cung tên, vũ khí và lương thực dùng trong 3 ngày đi bộ mấy trăm dặm, mới được tuyển dụng. Một khi có chiến sự, lấy quân thường bị thống lĩnh binh sĩ trưng phát để tác chiến, khiến sức chiến đấu của quân đội được nâng cao.
          Để thực hành pháp trị trong cả nước, Lí Khôi lại soạn bộ Pháp kinh 法经, ban hành trong cả nước, củng cố được trật tự thống trị trong nước. Pháp kinh trở thành bộ pháp điển thành văn phong kiến đầu tiên tương đối hoàn chỉnh trong lịch sử Trung Quốc.
          Biến pháp của Lí Khôi khiến nước Nguỵ nhanh chóng cường thịnh, có một độ xưng hùng với chư hầu. Một loạt cải cách của Lí Khôi, mở đầu cho biến pháp của các nước thời Chiến Quốc, các chư hầu học theo đó, dấy lên phong trào biến pháp, thúc đẩy sự chuyển hoá xã hội phong kiến các nước, sản sinh tác dụng lịch sử to lớn. Hơn nữa, chính sách trọng nông của ông, tư tưởng dùng người hiền, cũng trở thành quốc sách cơ bản trị loạn chấn hưng của các vương triều phong kiến sau này, có ảnh hưởng rất sâu rộng. Lí Khôi cũng nhân đó trở thành một danh tướng với thành tích trác tuyệt ở thời Chiến Quốc.
          Năm 396 trước công nguyên, Nguỵ Văn Hầu bệnh mất, Vũ Hầu kế vị, Lí Khôi kế tục đảm nhiệm chức Tể tướng, giúp Vũ Hậu trị nước.
          Năm 395 trước công nguyên (có thuyết cho là năm 390 trước công nguyên), Lí Khôi bị bệnh và qua đời.

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 06/12/2015

Nguyên tác Trung văn
LÍ KHÔI
李悝
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999
Previous Post Next Post