THƯƠNG ƯỞNG
Thương
Ưởng 商鞅 (năm 390 – năm 338 trước công nguyên), họ Công Tôn 公孙, tên Ưởng 鞅, thời Tần Hiếu Công 秦孝公 được phong ở ấp Thương 商
nên có tên là Thương Ưởng, hiệu là Thương Quân 商君.
Thương Ưởng là công tử dòng thứ của nước Vệ,
cho nên cũng gọi là Vệ Ưởng 卫鞅. Thương Ưởng lúc đầu
thờ Nguỵ tướng Công Thúc Ế 公叔瘗 làm Trung thứ tử.
Công Thúc Ế biết Thương Ưởng có tài mà chưa được trọng dụng nên đã tiến cử lên
Nguỵ Huệ Vương 魏惠王. Thương Ưởng chưa được Huệ Vương thu nạp, khi Công
Thúc Ế qua đời, nghe Hiếu Công hạ lệnh tìm người hiền trong nước, Thương Ưởng
liền vào đất Tần.
Sau khi
đến nước Tần, Thương Ưởng tuyên truyền “cường quốc chi thuật” 强国之术 (thuật làm cho nước mạnh), quyết tâm giúp Tần Hiếu
Công tiến hành cải cách xã hội, nhân đó đã được Tần Hiếu Công tin dùng, giao
ông chức Tả thứ trưởng. Năm 359 và năm 350 trước công nguyên, dưới sự chủ trì của
Thương Ưởng, nước Tần hai lần công bố tân pháp. Nội dung chủ yếu có:
1- Phế bỏ chế độ thế khanh thế lộc của giới quý tộc chủ
nô, thủ tiêu đặc quyền
tôn thất, dựa theo quân công lớn nhỏ quy định lại đẳng
cấp quan tước và đãi ngộ. Binh sĩ cấp dưới trong chiến tranh dũng cảm giết địch
cũng có thể được quan tước, lâm trận bỏ chạy hoặc đầu hàng kẻ địch phải chịu xử
phạt nghiêm khắc. Phàm là tiến hành đấu tranh vì việc riêng, dựa theo tình tiết
mà xử phạt nặng nhẹ.
2- Phế bỏ chế độ tỉnh điền của chế độ nô lệ, về pháp
luật, thừa nhận quyền tư hữu và mua bán đất đai. Khuyến khích nam cày nữ dệt,
phàm những người lao động tốt, sản xuất lương thực và vải dệt được nhiều sẽ được
miễn dao dịch và thuế khoá.
3- Thực hành chính sách trọng nông ức thương. Đối với
những ai bỏ nông để kinh thương hoặc nhân vì lười nhác mà bần cùng, ngay những
người trong gia đình cũng bị xử tội làm nô tì cho nhà quan.
4- Tăng cường trung ương tập quyền, phổ biến và thực
hiện rộng rãi chế độ quận huyện. Chia cả nước làm 31 huyện, quan lại do trung
ương trực tiếp bổ nhiệm và bãi miễn, đồng thời tiến hành biên chế hộ khẩu, thực
hành luật chịu trách nhiệm liên đới, quy định 5 nhà là một ngũ 伍, 10 nhà là một thập 什,
thập và ngũ hỗ tương giám sát, cáo phát “gian nhân”. Nếu có kẻ xấu mà không cáo
phát, thì thập ngũ cũng liên đới chịu trách nhiệm.
5- Chế độ cân đo do trung ương chế định và ban phát thống
nhất. Ví dụ lấy “Thương Ưởng phương thăng” 商鞅方升 (thăng vuông Thương Ưởng) làm dụng cụ đong tiêu chuẩn lúc bấy giờ, có
lợi cho việc thu thuế và giao dịch kinh tế.
Tân
pháp của Thương Ưởng trực tiếp đánh vào thế lực cũ của chế độ nô lệ, củng cố
chính quyền của giai cấp địa chủ mới, đương nhiên nó sẽ gặp phải thù hằn và sự
phản kháng mạnh mẽ của thế lực bảo thủ. Nhân đó, biến pháp từ lúc bắt đầu cho đến
lúc cuối cùng luôn tiến hành trong cuộc đấu tranh kịch liệt.
Thương
Ưởng tại nước Tần trước sau thực hành hai lần biến pháp, phế bỏ một cách tương
đối chế độ cũ, thực hành chế độ mới, khiến nước Tần nhanh chóng mạnh lên, trở
thành cường quốc đứng đầu ở thời kì Chiến Quốc. Về sau, Thương Ưởng gặp phải
phái bảo thủ vu hại, bị xử cực hình dùng xe xé xác.
Thương
Ưởng tuy chết, nhưng Tần Huệ Vương và người kế vị tiếp tục thực hành tân pháp của
ông, cho nên thế lực của nước Tần đã phát triển thêm một bước, đặt nền móng vững
chắc cho Tần Thuỷ Hoàng tiêu diệt 6 nước thống nhất Trung Quốc sau này.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 23/9/2015
Nguyên tác
THƯƠNG ƯỞNG
商鞅
Trong quyển
XUÂN THU CHIẾN QUỐC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
春秋战国文化大观
Chủ biên: Lí Thiếu Lâm 李少林
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2006
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật