Dịch thuật: Lâm giang tiên (Dương Thận)



临江仙
滚滚长江东逝水, 浪花淘尽英雄.
是非成败转头空.
青山依旧在, 几度夕阳红.
白发渔樵江渚上, 惯看秋月春风.
一壶浊酒喜相逢.
古今多少事, 都付笑谈中.
                                                                 (杨慎)

LÂM GIANG TIÊN
Cổn cổn Trường giang đông thệ thuỷ, lãng hoa đào tận anh hùng.
Thị phi thành bại chuyển đầu không.
Thanh sơn y cựu tại, kỉ độ tịch dương hồng.
Bạch phát ngư tiều giang chử thượng, quán khan thu nguyệt xuân phong.
Nhất hồ trọc tửu hỉ tương phùng.
Cổ kim đa thiểu sự, đô phó tiếu đàm trung
                                                                                        (Dương Thận)

LÂM GIANG TIÊN
Cuồn cuộn Trường giang tuôn chảy mãi, sóng hoa trôi hết anh hùng.
Đúng sai thành bại chỉ là không.
Núi xanh kia vẫn tại, mấy độ ánh dương hồng.
Tóc trắng ngư tiều trên bến nước, nhìn quen thu nguyệt xuân phong.
Một bầu rượu đục gặp nhau mừng.
Cổ kim nào những chuyện, cười nói mặc như không.

Bối cảnh ra đời của bài từ
          Năm 1511 (năm Chính Đức 正德 thứ 6 triều Minh), Dương Thận 杨慎 đỗ đầu Điện thí. Năm 1524, vì đắc tội với Thế Tông Chu Hậu Thông 朱厚熜, Dương Thận bị đày sung quân đến Vân Nam 云南. Thân mang gông, khi bị quân lính áp giải đến Giang Lăng 江陵 Hồ Bắc 湖北, gặp lúc một ngư phủ và một tiều phu đang ngồi bên sông nướng cá uống rượu, cười nói thảnh thơi. Dương Thận cảm khái, liền xin quân sĩ tìm cho giấy bút. Và ông đã viết ra bài từ theo điệu Lâm giang tiên này.

Dương Thận (1488 – 1559)
          Văn học gia đời Minh, một trong “Minh đại tam đại tài tử” (gồm: Giải Tấn 解缙, Dương Thận 杨慎, Từ Vị 徐渭). Tự Dụng Tu 用修, hiệu Thăng Am 升庵, sau bị đày đến Điền Nam 滇南, nên tự xưng là Bác Nam Sơn Nhân 博南山人, Kim Mã Bích Kê Lão Binh 金马碧鸡老兵. Ông là con của Dương Đình Hoà 杨廷和, người Tân Đô 新都 Tứ Xuyên 四川 (nay là khu Tân Đô thành phố Thành Đô), tổ tịch tại Lư Lăng 庐陵.
          Năm Gia Tĩnh 嘉靖 thứ 3, vì vụ “đại lễ nghị” 大礼议 ông bị đánh trượng, biếm trích làm thú suốt đời ở Vĩnh Xương vệ 永昌卫 tại Vân Nam 云南. Viết nhiều, trứ thuật phong phú suốt thời Minh, có thể tôn Dương Thận là người đứng đầu. Ngoài thơ ra, ông còn giỏi cả văn, từ cùng tản khúc, những tác phẩm luận cổ khảo chứng có phạm vi rất rộng. Trứ tác của ông đạt đến hơn trăm loại. Người đời sau tập hợp lại thành bộ Thăng Am tập 升庵集.
               
                                         Huỳnh Chương Hưng
                                          Quy Nhơn 10/8/2015


Previous Post Next Post