Dịch thuật: Quy tắc huynh nhân đệ đễ

QUY TẮC HUYNH NHÂN ĐỆ ĐỄ

          Đối với huynh trưởng mà nói, quan trọng nhất là làm sao để các em thuận tùng; đối với em mà nói, quan trọng nhất là làm sao tuân theo ý chí của huynh trưởng. Muốn các em thuận tùng, làm anh phải nhân ái khoan hậu. Các em thờ anh, cho dù huynh trưởng đối đãi với mình như thế nào, cũng phải tận tâm tận lực.
          Đời Tấn có hai anh em Vương Tường 王祥, Vương Lãm 王览, mẹ là Chu thị 朱氏 yêu Vương Lãm, ghét Vương Tường. Trước mặt mẹ, Vương Tường động một tí là mắc lỗi, nhẹ thì bị mắng, nặng thì bị đánh roi. Mỗi lần mẹ đánh Vương Tường, Vương Lãm ôm lấy anh không thả, ngầm rơi nước mắt. Sau khi Vương Lãm trưởng thành, thường khuyên mẹ không nên đối đãi với anh như thế. Để làm khó Vương Tường, Chu thị luôn sai Vương Tường làm những việc khó làm được, nếu làm không được sẽ lấy cớ đó mà trách phạt. Gặp phải tình huống này, Vương Lãm luôn làm cùng anh, khiến mẹ không tiện trách phạt. Chu thị đối với vợ Vương Tường cũng ngược đãi, thường ra tay. Vương Lãm thường bảo vợ mình đi xin cho chị dâu. Sau khi cha mất, Vương Tường trị tang tận hiếu, rất nổi danh. Chu thị vô cùng ghét, muốn giết chết Vương Tường. Một lần nọ, bà ta bỏ thuốc độc vào rượu bảo Vương Tường uống. Vương Lãm phát hiện thần sắc của mẹ khác lạ, thầm nghĩ trong rượu có độc nên liền đoạt lấy li rượu định uống. Vương Tường cũng tỉnh ngộ, nắm chắc li rượu không thả. Hai anh em cứ giành nhau, không ai chịu buông tay. Chu thị thấy việc không hay đành lấy li rượu đem đi. Sau đó, khi Vương thị đưa cho Vương Tường thức ăn, Vương Lãm đều nếm trước. Chu thị sợ Vương Lãm gặp hoạ nên cũng không còn ý nghĩ giết Vương Tường. Hành vi của Vương Tường và Vương Lãm đã đạt đến yêu cầu đạo đức “huynh nhân đệ đễ” 兄仁弟悌.
          Để truy cầu cảnh giới đạo đức huynh nhân đệ đễ, có người đã khiến hành vi của mình đạt đến trình độ “du lễ” 逾礼 (vượt qua lễ). Nho sinh nổi tiếng Phạm Thuần Nhân 范纯仁 thời Bắc Tống đã không tiếc khi bỏ quan cao lộc hậu để chăm sóc người anh bị bệnh. Khi Phạm Thuần Nhân nhậm chức Tri huyện Tương Thành 襄城, người anh là Phạm Thuần Hựu 范纯祐 bị bệnh tim nghiêm trọng. Phạm Thuần Nhân thờ kính người anh như cha, việc thuốc thang, ăn uống, thức ngủ, mặc áo quần đều tự mình đích thân lo liệu. Khi Giả Xương Triều 贾昌朝 trấn giữ Bắc Đô 北都 từ lâu nghe đại danh của ông đã mời ông tham dự mạc phủ. Nhưng vì người anh đang bệnh nên ông chối từ. Tống Tường 宋庠 lại tiến cử ông giữ chức “thí quán” 试馆, ông vẫn không chịu, chỉ một lòng một dạ ở nhà chăm sóc anh. Tể tướng Phú Bật 富弼 trách ông rằng:
          Chức quan sang trọng há dễ có được? Hà tất phải vì anh mà hi sinh như thế?
          Ông vẫn kiên quyết không đi, cho đến khi Phạm Thuận Hựu qua đời.
          Thậm chí có người vì để bảo vệ con của anh em mình mà hi sinh cốt nhục của mình. Lưu Bình 刘平 người Bành Thành 彭城 thời Đông Hán, vào khoảng thời Canh Thuỷ 更始 thiên hạ đại loạn, người em của ông là Lưu Trọng 刘仲 bị quân khởi nghĩa nông dân giết chết, để lại một đứa con gái còn nhỏ. Một năm sau, nghe tin quân khởi nghĩa sắp đi ngang qua Bành Thành, Lưu Bình dắt mẹ, chuẩn bị chạy. Để bảo vệ đứa con của người em, trước khi đi, Lưu Bình đã bỏ lại đứa con của mình. Trên đường, người mẹ quyến luyến không nỡ, tính quay về để dẫn đi, Lưu Bình nói rằng, tặc binh sắp tới nơi, sức mình không thể mang theo hai đứa, chỉ cứu được một đứa mà thôi. Lưu Trọng đã chết, không thể để người em tuyệt hậu, vì thế không theo lời khuyên của mẹ, ông đã bỏ con mình lại. Trong thời đại phong kiến trọng nam khinh nữ, con trai là tất cả của gia đình, con trai một lại càng yêu quý. Vì đứa con của người em, Lưu Bình thà để mình tuyệt hậu, bỏ đứa con của mình. Hành vi này quả thật đã đạt đến trình độ “du lễ”.
          Có người vì sự an nguy của anh em, không tiếc coi thường tính mạng của mình. Thời Vương Mãng 王莽 Tây Hán, nạn đói khắp nơi, một số nơi đã xuất hiện thảm cảnh “người ăn thịt lẫn nhau”. Lúc bấy giờ tại nước Bái có một người tên Triệu Hiếu 赵孝, em trai là Triệu Lễ 赵礼 bị một nhóm người đói bắt được định nấu thịt anh ta. Triệu Hiếu nghe được, tự trói lấy mình đến gặp, nói rằng:
          Em tôi chịu đói đã lâu, người gầy như que củi, ăn không có thịt. Tôi mập hơn em ấy, xin các ông thả nó ra, hãy nấu tôi đây.
          Đám người đói này cảm động lòng yêu thương em của Triệu Hiếu nên thả cả hai người.
          Năm Thiên Thuận 天顺 thứ 4 đời Minh, một nhóm thảo khấu chiếm thành Quỳnh Châu 琼州, tàn sát khắp nơi. Có hai anh em là Vinh Tú 荣琇, Vinh Tuyên 荣瑄 dẫn mẹ đi tị nạn, giữa đường gặp thảo khấu. Vinh Tú nói với Vinh Tuyên rằng:
          Anh liều chết để bảo vệ mẹ, em mau chạy đi, đừng để nhà họ Vinh ta tuyệt hậu.
          Vinh Tuyên không dám làm trái lời anh, đành bỏ chạy. Vinh Tú và mẹ bị bắt nhốt trong doanh trại. Khi quan quân tiêu diệt thảo khấu, nhân lúc loạn lạc, Vinh Tú chạy thoát, bị quan quân tưởng là thảo khấu bắt lại, chủ tướng hạ lệnh đem chém đầu. Vinh Tuyên nghe được tin vội chạy đến, dập đầu đến nổi chảy máu, cầu xin rằng:
          Anh tôi vì bảo  vệ mẹ nên mới bị thảo khấu bắt được. Mẹ nay tuổi đã cao, hoàn toàn nhờ vào anh phụng dưỡng. Tôi hãy còn nhỏ, không đủ sức nuôi mẹ già, xin cho tôi được chết thay anh tôi, để anh tôi nuôi lấy mẹ.
          Chủ tướng quả nhiên giết chết Vinh Tuyên.
          Tình yêu mến và sự tôn trọng giữa anh em với nhau vốn là một hành vi tốt đẹp, nhưng loại hành vi mà gia lễ đề xướng này lại được kiến lập trên cơ sở không bình đẳng. Nó lấy việc thuận tùng của người em làm tiền đề, mục đích ở chỗ ủng hộ địa vị tôn quý của huynh trưởng trong trật tự đẳng cấp “huynh đệ” của gia đình xã hội phong kiến.

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 26/5/2015

Nguyên tác Trung văn
HUYNH NHÂN ĐỆ ĐỄ ĐÍCH QUY TẮC
兄仁弟悌的规则
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
LỄ NGHI
中国民俗文化
礼仪
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
Previous Post Next Post