Dịch thuật: Truyền thuyết núi La Phù

TRUYỀN THUYẾT NÚI LA PHÙ

          La Phù 罗浮 là một trong thập đại danh sơn của Trung Quốc, núi trong địa phận huyện Bác La 博罗, Huệ Châu 惠州, bên bờ Đông giang 东江 miền trung tỉnh Quảng Đông 广东, tổng diện tích là 260 km2 với 432 đỉnh núi lớn nhỏ, hơn 980 thác, 18 động, 72 thạch thất u nham. Sơn mạch dọc ngang kéo dài hơn 1500 dặm, nằm vắt qua 3 huyện là Bác La博罗, Tăng Thành 增城,  Long Môn 龙门, từ trên cao nhìn xuống, núi giống như đoá sen nghìn cánh đang nở. Đỉnh núi chính có tên là Phi Vân 飞云, cao 1296m so với mực nước biển, trên đỉnh bằng phẳng, hoa cỏ tươi tốt. luôn có mây mù bao phủ, khi mặt trời mọc lên đẹp như Thái sơn 泰山, cho nên được gọi là “Bách Việt quần sơn chi tổ” 百粤群山之祖, “Lĩnh Nam đệ nhất sơn” 岭南第一山.
          Thế núi La Phù hùng vĩ hiên ngang, cảnh sắc thanh tĩnh u nhã, khí hậu thích hợp với mọi người, mùa đông ấm mùa hạ mát, là thắng cảnh tránh nóng nổi tiếng. Núi La Phù còn được khen là “Thiên hạ đệ thất động thiên, đệ tam thập nhất tuyền nguyên phúc địa” 天下第七洞天, 第三十一泉源福地. Ở La Phù, thực vật dùng để làm thuốc có đến hơn 1200 loại, là kho báu thiên nhiên về Trung dược. Một trong 4 thành phố chuyên về thuốc là Động Thiên phủ dược 洞天府药, bên trái Xung Hư cổ quán 冲虚古馆 ở La Phù. Núi La Phù cùng với núi Tây Tiều 西樵 trong địa phận huyện Nam Hải 南海 là núi chị núi em nên La Phù còn có tên là núi “Đông Tiều” 东樵.
          Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa núi La Phù do 2 thần long biến hoá thành La sơn 罗山 và Phù sơn 浮山 kết hợp với nhau mà thành. Lại nói Đông Hải Long Vương có một cô con gái tên là Thanh Long công chúa 青龙公主. Một ngày nọ, công chúa theo sóng dạo chơi trên mặt biển, nào ngờ trong thế giới hải quốc, con của Nam Hải Long Vương là Tiểu Hoàng Long cũng đang vui đùa sóng nước xanh. Hai người đều đang độ thanh xuân, đột nhiên gặp gỡ phát sinh tình cảm. Họ đã nhanh chóng thề non hẹn biển, nguyện trăm năm gắn bó.
          Đông Hải Long Vương và Nam Hải Long Vương đều là thần long nghiêm khắc, họ cho rằng tuy thiên địa vạn vật , chỉ có âm không thì không sinh, chỉ có dương không thì không lớn. Đã là giống của thần long thì đầu tiên phải là thanh tâm quả dục, giữ gìn những điều răn cấm, hôn nhân đại sự phải do cha mẹ làm chủ, theo ý riêng kết duyên Tần Tấn là phạm thượng tác loạn. Trong cơn thịnh nộ, Đông Hải Long Vương bắt Thanh Long công chúa nhốt trên một hòn đảo bên cạnh núi Bồng Lai 蓬莱. Nam Hải Long Vương cũng dùng dây xích khoá Tiểu Hoàng Long trong một chiếc giếng cổ sâu vạn trượng ở dưới La sơn.
          Thiên công cảm động cho tình yêu của họ, đã cho nổ sấm chớp để thể hiện lòng quan tâm. Biển lớn cũng cảm động đã nổi sóng lớn biểu thị sự cảm thông. Cự linh thần quy sức mạnh vô song đang làm nhiệm vụ nâng hòn đảo cũng đồng tình, bèn nâng đảo rẽ sóng hướng đến nam hải nổi lên. Tiểu Hoàng Long trong chiếc giếng sâu vạn trượng đột nhiên cảm thấy một luồng khí thân tình vây quanh, không sao kềm chế đã vùng vẫy thoát khỏi xích xiềng xông lên khỏi giếng, cuối cùng gặp được Thanh Long công chúa.
          Tiểu Hoàng Long cùng Thanh Long công chúa là chân long thần chủng, tuy trong nhất thời không khống chế được dục vọng, phạm vào quy giới của thần long, nhưng họ nhanh chóng đã tỉnh ngộ. Họ đều cảm thấy đó chỉ là sự kết hợp âm dương đơn giản như người phàm trần, không thể hiển thần tồn tại vĩnh viễn. Họ cùng nhau bàn bạc, tuy cả hai bị dục tình sở luỵ nhưng chi bằng thân xác cả hai tổ hợp lại thành một cảnh quan tuyệt diệu trên thế gian, cung cấp cho thương sinh vạn vật một nơi nghỉ ngơi và sinh sôi nảy nở. Như vậy cũng khiến cho tình duyên của cả hai với hình thức mới được tồn tại vĩnh viễn. Vì thế núi hô biển gọi, trời long đất lở, trong cơn sấm chớp Tiểu Hoàng Long và Thanh Long công chúa hoá La sơn, Phù sơn hợp lại làm một, kết thành nhất thể. Tiểu Hoàng Long hoá làm đỉnh Phi Vân 飞云, đỉnh núi chính của La sơn, còn Thanh Long công chúa hoá làm Thượng giới tam phong 上界三峰trên đỉnh Phù sơn.
          Theo truyền thuyết, nhà Dược vật học nổi tiếng thời Đông Tấn là Cát Hồng 葛洪 đã từng đến núi La Phù chuyên tâm nghiên cứu đạo thuật, hái thuốc luyện đan, chế thuốc cứu đời. Cát Hồng muốn để truyền thuyết về Tiểu Hoàng Long và Thanh Long công chúa gắn liền với hai đỉnh La sơn và Phù sơn nên đã rèn sắt làm cầu, mọi người gọi là “thiết kiều phong” 铁桥峰. Cầu nằm vắt ngang qua 2 đỉnh, khiến 2 đỉnh được kết hợp, người đời sau bèn hợp La sơn và Phù sơn lại gọi là “La Phù sơn” 罗浮山.
          Do bởi trong núi chung đúc khí linh, Cát Hồng cùng vợ là Bảo Cô 鲍姑 lúc vãn niên cùng với con cháu ở ẩn trong núi này để tu trì. Trong núi dựng 5 Đạo quán là Bạch Hạc 白鹤, Xung Hư 冲虚, Hoàng Long 黄龙, Cửu Thiên 九天 và Tô Lao 酥醪. Thời kì toàn thịnh trên núi La Phù có hơn 9 quán, 18 tự, 22 am, trong đó Đạo quán có ảnh hưởng lớn nhất là Xung Hư, Bạch Hạc, Hoàng Long, Cửu Thiên, Tô Lao. Chùa Phật có Hoa Thủ 华首, Minh Nguyệt 明月, Long Hoa 龙华, Bảo Tích 宝积 và Diên Tường 延祥, cho nên có tên gọi là “Thần tiên động phủ” 神仙洞府. Chính vì núi La Phù là kho thuốc quý trong thiên nhiên tươi đẹp nên đã hấp dẫn thần tiên phương sĩ của các đời, được các đạo sĩ sùng bái thần tiên xem là nơi tu hành, hái thuốc, luyện đan, tu thân, dưỡng tính để cầu đắc đạo thăng tiên; cũng là nơi mà quan lại, thân sĩ, văn nhân mặc khách các đời tìm đến ngâm vịnh, dưỡng sinh, lưu lại nhiều giai tác trân quý, nhiều tinh phẩm để đời lưu truyền rất rộng.

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 14/02/2015

Nguyên tác Trung văn
LA PHÙ SƠN ĐÍCH TRUYỀN THUYẾT
罗浮山的传说
Trong quyển
THANH THIẾU NIÊN TỐI HỈ HOAN ĐÍCH
THẦN THOẠI CỐ SỰ
青少年最喜欢的
神话故事
Tác giả: Ngô Cảnh Minh 吴景明
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2002
Previous Post Next Post