Dịch thuật: Những điều cấm kị trong ngày tết

NHỮNG ĐIỀU CẤM KỊ TRONG NGÀY TẾT

          Mồng 1 tháng Giêng bước vào một năm mới, tục gọi là “đại niên sơ nhất” 大年初一được dân gian coi trọng nhất. Dưới sự chi phối của quan niệm tư tưởng “thận thuỷ” 慎始, “cầu cát” 求吉, những cấm kị trong ngày này cũng đặc biệt nhiều. Lúc sáng sớm, các nhà đều đua nhau dậy thật sớm, tục cũ cấm kị nhận lời chúc tết tại giường. Nếu người nhận lời chúc tết hãy còn nằm trên giường chưa dậy bị xem là đại bất cát lợi, điềm báo năm tới có bệnh tật. Trời sáng kị nói lớn tiếng, kị kêu gọi họ tên người khác. Sau khi đã thức dậy thì không được ngủ lại.
          Ngày mồng 1 không được sát sinh, nếu không, sẽ phát sinh những tai hoạ về đao, binh, huyết tai… Những khí cụ dùng để phá hoại như kim, kéo, dao, gậy, rìu, cưa …cấm dùng đến, để tránh những điềm xấu như “hung”, “phá”. Vào ngày này cũng có tục cấm quét nhà, cấm đổ rác, mọi người cho rằng quét nhà là quét tiền tài ra khỏi cửa. Vỏ hạt dưa, vỏ trái cây, bụi rác nên dồn dưới gầm giường, gọi là “tụ tài” 聚财. Ngày này cũng không được nói những lời thô tục, nếu không quanh năm sẽ nói toàn những lời thô tục. Không được đánh người, chửi người, nếu không, người bị đánh bị mắng sẽ “suy”, sau này sẽ luôn bị đánh mắng,  chỉ được nói những lời tốt đẹp. Nếu ngày này bị mất tiền của, mọi người cho rằng trong năm đó luôn mất tiền của; ngày đó gặp xui, quanh năm sẽ luôn gặp xui. Tóm lại, khởi đầu là điềm của kết thúc,cho nên phải hết sức cẩn thận. Vào ngày này cũng kị ra ngoài mua đồ. Thời xưa, vào ngày mồng 1 tháng Giêng, trên đường căn bản không có người mua bán, tất cả đều ở nhà ăn tết. Tập tục tin rằng mua lương thực vào ngày này, mang ý nghĩa trong nhà không có lương thực tích trữ, há chẳng phải là gia cảnh rất bần cùng sao?
          Mồng 1 tháng Giêng kị nói những lời không được cát lợi. Phàm những từ không tốt như: phá, hoại, một, tử, quang, quỷ, sát, bệnh, thống, thu, cùng …đều kị. Người Hán, người Thái, người Thổ Gia đều lưu hành tập tục này. Nếu có người phạm phải, họ cho rằng trong năm đó sẽ không được tốt. Để đề phòng trẻ con phạm điều cấm kị, sáng sớm hôm đó, người lớn trong nhà dùng giấy chùi miệng để chùi miệng trẻ con, ý nghĩa là xem miệng trẻ con như hậu môn. Vì thế, nếu trẻ con có nói những lời không tốt, xem như nó đánh rắm, không tính. Vùng Sơn Đông trước khi mở cửa phải đốt pháo, sau đó mới có thể nói. Tục tin rằng làm như vậy sẽ không dễ bị phạm điều cấm kị. Với người Thổ Gia, vào ngày này dậy sớm, nhanh chóng ăn chút điểm tâm, sau khi đã động khẩu sẽ cảm thấy nói năng tự nhiên hơn. Nếu không cẩn thận phạm vào cấm kị, nói những lời không tốt, phải dùng những cách hoá giải như nhổ nước bọt hoặc nói “trực ngôn vô kị”  để trừ bỏ những điều bất tường.
          Những điều cấm kị trong ngày tết phải giữ cho đến ngày “phá ngũ” 破五 (mồng 5 tháng Giêng) (1) mới được xem là chấm dứt.

Chú của người dịch
1- Phá ngũ 破五: chỉ ngày mồng 5 tháng Giêng âm lịch, đây cũng là ngày tết truyền thống của người Hán ở Trung Quốc. Bắt đầu từ đêm Trừ tịch đến mồng 5 là Xuân tiết, trong thời gian này có rất nhiều những điều cấm kị. Nhưng đến mồng 5, những điều cấm kị đó đều được phá bỏ, cho nên ngày đó gọi là “phá ngũ”.

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 17/02/2015
                                              Ngày 29 tháng Chạp năm Giáp Ngọ

Nguyên tác Trung văn
XUÂN TIẾT CẤM KỊ
春节禁忌
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
中国民俗文化大观
(quyển trung)
Chủ biên: Dương Lợi Tuệ 杨利慧
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2009
Previous Post Next Post