Dịch thuật: Truyền thuyết Vọng phu thạch

TRUYỀN THUYẾT VỌNG PHU THẠCH

          Hẻm núi Đích Giang 的江 ở dưới Cửu Ngưu lĩnh 九牛岭 có tên là hẻm Hoàng Ngưu 黄牛, men theo hẻm núi chúng ta có thể nhìn thấy kì quan “quần long hí thuỷ” 群龙戏水 (bầy rồng giỡn nước), “thanh oa quá giang” 青蛙过江 (ếch qua sông), tiếp đó, là đến bãi Đấu mễ 斗米. Tại bãi Đấu mễ, chúng ta có thể nhìn ngắm được Vọng phu thạch 望夫石 (đá vọng phu).
          Ngày trước có một đôi vợ chồng sinh sống bằng nghề chèo thuyền, đương lúc mùa Đông rét buốt, hai vợ chồng chèo ngược giòng, vô cùng vất vả. Chiều tối, cả hai dừng thuyền bên sông, gặp một bà lão dắt đứa cháu đến xin gạo. Hai vợ chồng trông thấy động lòng thương, nhà chỉ còn 1 đấu gạo cả hai liền đem cho bà lão.
          Không còn lương thực, hai vợ chồng chỉ biết trông mong thuyền từ thượng du hạ du đến tiếp tế, nhưng lúc bấy giờ không có thuyền nào đến cả. Vì thế người chồng hàng ngày leo lên núi ngóng thuyền.
          Một ngày nọ, người vợ thấy chồng đã lâu mà chưa xuống liền lên núi tìm, kết quả phát hiện người chồng bị tuyết đông cứng và đã đói chết. Người vợ đau buồn cũng chết bên cạnh chồng.
          Để kỉ niệm hai vợ chồng có tấm lòng nhân hậu, mọi người gọi nơi họ dừng thuyền là “Đấu mễ than” 斗米滩 (bãi một đấu gạo). Về sau cả hai đều hoá thành đá, người ta gọi người chồng là “Tiên nhân thạch” 仙人石, gọi người vợ là “Vọng phu thạch” 望夫石.

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 19/01/2015

Nguyên tác Trung văn
VỌNG PHU THẠCH ĐÍCH TRUYỀN THUYẾT
望夫石的传说
Trong quyển
THANH THIẾU NIÊN TỐI HỈ HOAN ĐÍCH
THẦN THOẠI CỐ SỰ
青少年最喜欢的
神话故事
Tác giả: Ngô Cảnh Minh 吴景明
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2002
Previous Post Next Post