CỔ KIM TỪ NGHĨA DỊ ĐỒNG
(tiếp theo)
Giả sử
từ của Hán ngữ cổ đại đều giống như những chữ雞
(kê), 牛
(ngưu), 哭
(khốc), 笑
(tiếu), nghĩa của từ xưa và nay tương
đồng, cái khó khăn của chúng ta khi đọc sách cổ sẽ ít đi rất nhiều. Nếu từ cổ
là từ đã chết, hiện đại rất ít dùng, đương nhiên khi đọc sách cổ sẽ mang đến
cho chúng ta những khó khăn nhất định; nhưng chỉ cần tra tự điển cũng sẽ giải
quyết được vấn đề. Ví dụ như chữ 儺 (na), Từ
hải 辭海 giải thích là “khu trục dịch quỷ” 驅逐疫鬼 (xua đuổi ôn dịch), chúng ta nhìn qua là hiểu ngay. Và như chữ 該 (cai) nói ở
trên (cũng còn được viết là 賅), chúng ta biết thời
cổ nó chỉ có nghĩa là完備 (hoàn bị), khác với nghĩa應當 (ưng đương
- nên phải) hiện đại, chúng ta rất dễ dàng phân biệt rõ nghĩa của từ xưa và
nay. Chỉ trong tình huống “vi thù” 微殊 (sự sai biệt rất
tinh tế) về nghĩa của từ xưa và nay, rất dễ sinh ra hiểu sai. Ví dụ chữ 勸 (khuyến),
khi đọc Tả truyện - Thành Công nhị niên左傳 - 成公二年 rất có khả năng đem câu “dĩ khuyến sự quân giả” 以勸事君者 giải thích là “ lấy đó mà khuyên can quốc quân”. Sự
thực, chữ 勸 thời thượng cổ chỉ có nghĩa là “khuyến khích” “cổ
vũ”. Chữ 勸 ở
đây nên giảng là “khuyến khích, cổ vũ”. Còn như nghĩa “giỏi khuyên can” và
“khuyên giải” thì mãi về sau mới có. Nếu chúng ta xem nhẹ sự sai biệt rất nhỏ
giữa nghĩa của từ xưa và nay thì đọc không hiểu sách cổ.
Lại như
chữ 給 (cấp). Khi
chúng ta xem Chiến quốc sách – Tề sách 戰國 - 策齊策, đọc đến câu “Mạnh Thường Quân sử nhân cấp kì thực dụng”
孟嘗君使人給其食用rất dễ dàng giải thích chữ 給
là 給與 (給予) (cấp dữ - cho) (Mạnh Thường Quân sai người
cho thức ăn để dùng). Đích xác, giảng như thế cũng có thể cho là thông. Vì sao
nói “cho là thông”? Một là do bởi ý nghĩa “cho” của chữ 給 hiện đại vốn từ ý nghĩa “cung cấp” của thời cổ mà
phát triển ra, cho nên cả hai tự nhiên có điểm chung; hai là do bởi giảng như
thế cũng thích ứng với lời văn trên dưới. Nhưng, chữ 給 ở câu này tuyệt
đối không thể giải thích là “cho”, bởi vào thời đại đó, chữ 給 vẫn chưa có nghĩa này.
Với chữ
再 (tái). Chữ 再 vào thời thượng cổ chỉ có ý nghĩa là 兩次(lưỡng thứ -
2 lần) (hoặc 第二次 đệ nhị thứ -
lần thứ 2). Trong Tả truyện – Trang Công
thập niên 左傳 - 莊公十年 có câu:
Nhất cổ tác khí, tái nhi suy, tam nhi kiệt
一古作氣, 再而衰, 三而竭
(Trống đánh lần đầu là khí đang hăng, lần thứ 2 khí đã
suy, lần thứ 3 thì kiệt)
Trong Tả truyện – Hi Công ngũ niên 左傳 - 僖公五年 có câu:
Nhất chi vị thậm, kì khả tái hồ?
一之謂甚, 其可再乎?
(Một lần là đã quá rồi, có thể có lần thứ 2 sao?)
Những
chữ 再 ở
đây chỉ có thể giải thích là “2 lần” (hoặc “lần thứ 2”). Cần chú ý phân biệt chữ
再 (tái) và chữ
復 (phục): Chữ
再 biểu thị số lượng của động tác, nó thay cho chữ 二 (nhị) (người
xưa không nói “nhị nhi suy, tam nhi kiệt, cũng không nói “nhất chi vị thậm, kì
khả nhị hồ?”) ; chữ 復 biểu thị sự lặp lại của hành vi, không biểu thị số lượng.
Ví dụ như trong Chiến quốc sách – Triệu
sách 戰國 - 策趙策 có câu:
Hữu phục ngôn linh Trường An Quân vi chí
giả, lão phụ tất thoá kì diện.
有復言令長安君為質者, 老婦必唾其面
(Người nào mà còn nói đưa
Trường An Quân đi làm con tin thì già này sẽ nhổ vào mặt)
Ở đây
mang ý nghĩa lặp lại nên dùng chữ 復 mà không thể dùng chữ
再. Chữ 再 trong Hán ngữ hiện đại
tương đương với chữ 復 thời cổ, nếu lấy ý nghĩa hiện đại của chữ 再 để lí giải chữ 再
trong sách cổ xảy ra hiểu lầm.
Tóm lại,
nghĩa của từ theo sự chuyển dời thời đại mà sản sinh sự biến hoá phát triển, thời
đại khác nhau, nghĩa của từ sẽ có sự biến đổi. Chúng ta nhất định phải chú ý đến
điểm này, không thể không khảo sát kĩ việc lấy nghĩa hiện đại để lí giải từ vựng
trong sách cổ. Học Hán ngữ cổ cần phải bỏ công sức nhiều ở tự, từ, cú, phải có
thái độ “cầu thậm giải” 求甚解, phân tích điểm dị
đồng ở nghĩa của từ xưa và nay, thêm vào đó cũng phải chú ý cao độ đối với sự
sai biệt nghĩa của từ ở thời Tiên Tần, lưỡng Hán và Đường Tống trở về sau …
(trích)
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 19/11/2014
Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 1)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật