HƯƠNG ẨM TỬU VÀ LỘC MINH YẾN
Hương ẩm
tửu 乡饮酒 và Lộc minh yến 鹿鸣宴
là hoạt động yến hội mang tính lễ nghi lưu hành phạm vi rộng nhất, thời gian
liên tục dài nhất trong lịch sử Trung Quốc. Loại yến hội này do quan viên địa
phương tổ chức, có ý nghĩa chính trị tuyên dương lễ giáo và đoàn kết thân sĩ địa
phương. Do bởi người tham gia yến hội khác nhau, nên yến hội có loại chú trọng
về kính lão tôn hiền, có loại chú trọng về xã giao, có loại chú trọng việc lôi
kéo thân sĩ địa phương.
Loại hoạt
động yến hội này khởi đầu từ đời Chu kéo dài đến
cuối đời Thanh. Về loại hình cụ thể có thể có mấy loại sau đây:
Thứ 1
Theo Chu lễ - Địa quan – Hương đại phu 周礼 - 地官 - 乡大夫 và Nghi lễ - Hương ẩm tửu lễ 仪礼 - 乡饮酒礼, hương đại phu của các nước chư hầu đời Chu quan viên
địa phương chủ quản các việc như chính giáo, cấm lệnh. Họ có trách nhiệm tiến
hành khảo sát đức hạnh, tài năng của các hương sĩ trong địa phương mình, mỗi 3
năm một lần, tiến cử những người có đức, tài cao nhất cho quốc quân nhậm dụng. Sau khi xác định những người được
tuyển, trước khi lên đường, các hương đại phu đặt yến lấy tân lễ đãi nhau, đồng
thời mời người niên cao đức thiệu trong làng bồi yến (đa số là các quan viên
cao tuổi đã nghỉ hưu), đó gọi là “Hương ẩm tửu” 乡饮酒.
Thứ 2
Thời cổ
chuộng võ, lấy “xạ” 射 để chọn sĩ. Quan viên của châu mỗi năm vào hai mùa
Xuân và Thu, cử hành hai lần tập xạ tại “tự” 序
(trường học). Khi tập xạ, hoạt động yến hội do châu quan tổ chức cũng gọi là
“Hương ẩm tửu”.
Thứ 3
Tổ chức
hành chính cơ sở đời Chu gọi là “đảng” 党
(500 hộ), vị trưởng quan hành chính của đảng gọi là “Đảng chính” 党正. Vào cuối mỗi năm, hoạt động yến hội khi Đảng chính cử
hành tế lạp cũng gọi là “Hương ẩm tửu”.
Thứ 4
Chế độ
tuyển chọn kẻ sĩ đời Đường có sự cải biến to lớn, với những người lên kinh ứng
thí, có người xuất thân từ học quán, cũng có người do quan viên địa phương tiến
cử. Những người xuất thân từ học quán gọi là “hương cống” 乡贡. Hương cống khi lên kinh, quan viên địa phương cũng cần
phải tổ chức yến hội để tiễn. Loại yến hội này cũng gọi là “Hương ẩm tửu”.
Thứ 5
Thời cổ,
quan viên địa phương mỗi năm yến hội cần phải mời người có danh vọng của địa
phương mình biểu thị sự tôn kính, cũng nhân cơ hội đó tuyên truyền lễ giáo, nhằm
xoay chuyển phong khí yến ẩm vô độ trong xã hội. Khi Đường Thái Tông chấp
chính, ban phát qua chiếu văn cho các quan của châu huyện, nói rằng:
Mấy năm lại đây được mùa, xóm làng cũng bình
yên vô sự, nhưng có những kẻ huỷ hoại cơ nghiệp, không nghĩ đến gia sản, cùng với
bạn bè chơi bời vô độ, say sưa rượu chè. Hại thân tổn đức đều do đó mà ra. Mỗi
khi xem qua của pháp ti tâu lên, người mắc tội quả thực không phải là ít. Bình
tâm suy xét, đau buồn mà cảm thán. Nếu chẳng làm cho mạch nguồn trong sạch, sửa
thẳng ngay cái gốc thì lấy gì để trừ tệ tục. Nay trước tiên chép quyển “Hương ẩm
tửu lễ” ban xuống thiên hạ, hàng năm trưởng quan các châu huyện đích thân hướng
dẫn trưởng ấu theo lễ mà thực hành, ngõ hầu thời biết liêm sĩ, người biết lễ tiết.
Đây
cũng là ý nghĩa tuyên dương lễ giáo.
Thứ 6
Đời
Thanh, quan viên địa phương thiết yến khoản đãi những cử nhân trúng hương thí
cùng quan chủ khảo cũng gọi là “Hương ẩm tửu”.
Thứ 7
Đời
Thanh còn có quy định, quan viên châu huyện tuyển chọn một số thân sĩ tuổi cao
có danh tiếng, theo chế độ nhà Chu gọi người đứng đầu trong số đó là “tân” 宾, người tiếp theo là “giới” 介,
tiếp nữa là “chúng tân” 众宾. Ghi họ tên, quê quán của họ báo đốc phủ chuyển lên bộ Lễ, gọi là
“Hương ẩm giả tân” 乡饮者宾. Hàng năm vào ngày 15 tháng giêng và mồng 1 tháng 10,
quan viên châu huyện tổ chức 2 lần yến hội, cũng gọi là “Hương ẩm tửu”. Chế độ
này kéo dài cho đến trước cách mạng Tân Hợi một số địa phương vẫn tiếp tục cử
hành.
Những yến
hội kể trên, vào thời cổ đều có nghi thức cố định. Không chỉ thứ tự vào ra,
phương hướng chỗ ngồi, chủng loại món ăn, cách bày yến tiệc … đều có quy định
nghiêm túc, ngay cả ai, vào lúc nào, nói cái gì cũng đều có quy định, không gì
là không thể hiện sự tôn ti, sự khác nhau về thân phận trưởng ấu. Nhưng đến đời
sau, chủng loại món ăn trong bữa yến và trình độ phong phú tuỳ theo địa phương
mà có sự khác nhau, tuỳ theo con người mà có sự khác nhau.
“Lộc
minh yến” 鹿鸣宴 là tên gọi khác của một số yến hội “Hương ẩm tửu”, chủ
yếu chỉ yến hội “Hương ẩm tửu” do quan viên địa phương thiết yến cho hương cống,
cử nhân. Do bởi ở loại yến hội này phải tấu khúc “Lộc minh” 鹿鸣, tụng ca “Lộc minh”. “Lộc minh” vốn là một nhạc khúc
trong Tiểu nhã ở Kinh Thi, tổng cộng có 3 chương. Hai câu đầu ở mỗi chương là:
U u lộc minh
Thực dã chi bình
呦呦鹿鸣
食也之苹
(Con hươu kêu hoà dịu
Để gọi nhau ăn cỏ bình ở đồng nội)
U u lộc minh
Thực dã chi hao
呦呦鹿鸣
食也之蒿
(Con hươu kêu hoà dịu
Để gọi nhau ăn cỏ hao ở đồng nội)
U u lộc minh
Thực dã chi cầm
呦呦鹿鸣
食也之芩
(Con hươu kêu hoà dịu
Để gọi nhau ăn cỏ cầm ở đồng nội)
(Theo Tạ Quang Phát, Kinh thi, tập 2, trang 727, 729,731)
Ý nghĩa là hươu phát hiện ra món ăn ngon, không quên đồng
loại nên phát ra tiếng kêu “u u”, gọi đồng loại đến cùng ăn. Người xưa cho rằng
đó là mĩ đức. Thiên tử đãi yến quần thần, quan viên địa phương đãi yến gia tân
cũng mang ý nghĩa có thức ăn ngon vẫn không quên đồng loại, hơn nữa có lúc còn
ban thưởng cho quần thần, gia tân, đó cũng là mĩ đức. Người xưa cho rằng nhạc
ca “dùng trong buổi yến thì quân thần hoà mục”. Tôn Mục Tử 孙穆子 thời Xuân Thu được mời đến nước Tấn, khi Tấn Điệu
Công 晋悼公 thiết yến chiêu đãi Tôn Mục Tử, trong buổi yến có hát
chương thứ 3 bài “Lộc minh”. Trong Đường
thư- Tuyển cử chí 唐书 - 选举志 có nói: Quan viên châu huyện khi cử hành “Hương ẩm tửu”
đãi hương cống, phải triệu tập đồng liêu, định
chủ khách, bày trở đậu, đàn sáo, giết dê, ca thơ “Lộc minh”.
Đến triều Thanh còn quy định
vào sáng sớm ngày thứ hai hương thí, khi quan địa phương thiết yến mời quan chủ
khảo cùng cử nhân trúng tuyển, cũng phải tấu khúc “Lộc minh”, loại yến hội này
gọi là “Lộc minh yến”. Đương nhiên quy định này của triều Thanh không phải được
các châu huyện nhất loạt chấp hành, mà chỉ tại những huyện có văn hoá phong kiến
phát đạt. Đến kì thi hương cuối cùng cuối đời Thanh, có huyện vẫn còn cử hành
loại “Lộc minh yến” này.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 24/10/2014
Nguyên tác Trung văn
HƯƠNG ẨM TỬU DỮ LỘC MINH YẾN
乡饮酒与鹿鸣宴
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
ẨM THỰC
中国民俗文化
饮食
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật