Dịch thuật: Thường thức văn hoá cổ đại - Địa lí

THƯỜNG THỨC VĂN HOÁ CỔ ĐẠI
 ĐỊA LÍ

          Sự phân định khu vực địa phương qua các đời có sự khác nhau, cùng một danh xưng khu vực nhưng hàm nghĩa có sự khu biệt. Có một số danh xưng vào thời cổ không có. Dưới đây sẽ nêu một vài dẫn chứng.
Châu
          Tương truyền thời vua Nghiêu , ông Vũ trừ được nạn hồng thuỷ, phân thiên hạ làm 9 châu, tức Kí châu 冀州, Duyện châu 兖州, Thanh châu 青州, Từ châu 徐州, Dương châu 揚州, Kinh châu 荆州, Dự châu 豫州, Lương châu 梁州, Ung châu 雍州. Cũng tương truyền thời vua Thuấn phân thành 12 châu, tức ngoài 9 châu ra, lại từ Kí châu phân ra Tịnh châu 并州 và U châu 幽州, từ Thanh châu phân ra Doanh châu 營州. Như vậy sự lớn nhỏ của châu có sự khác nhau. Đến đời Hán, cương thổ Trung Quốc càng mở rộng, nên đã tăng thêm Giao châu 交州và Sóc phương 朔方. Về sau Sóc phương nhập vào Tịnh châu, đổi Ung châu thành Lương châu 涼州, đổi Lương châu 粱州 thành Ích châu 益州. Thời Đông Hán, có 13 châu, tức Tư Lệ 司隸 (trực thuộc châu), Dự châu, Duyện châu, Từ châu, Thanh châu, Lương châu, Tịnh châu, Kí châu, U châu, Dương châu, Ích châu, Kinh châu, Giao châu. Đầu đời Tấn phân thành 19 châu, so với 13 châu thời Đông Hán đã tăng thêm 6 châu.
          - Đem Lương châu 粱州 phân thành 3 châu: Ung , Lương , Tần .
          - Đem Ích châu 益州 phân thành 3 châu: Lương , Ích , Ninh .
          - Đem U châu 幽州 phân thành 2 châu: U , Bình .
          - Đem Giao châu 交州 phân thành 2 châu: Giao , Quảng .
          Từ thời Hán đến cuối thời Nam Bắc triều, châu về cơ bản là giám sát khu (1), có lúc cũng là hành chính khu. Nhưng từ thời Nam Bắc triều trở đi, phạm vi của châu dần nhỏ lại. Thời Đường, toàn quốc có tổng cộng hơn 300 châu, là hành chính khu. Châu mà thời Tống thời Nguyên gọi về cơ bản nhất trí với thời Đường. Thời Minh, Thanh đổi châu thành phủ, cho nên có danh xưng “Duyện châu phủ” 兗州府, “Dương châu phủ” 揚州府, chỉ giữ lại một ít châu trực thuộc do tỉnh cai quản, tán châu 散州 lệ thuộc phủ.
Quận
          Quận là khu vực hành chính. Tần phân thiên hạ thành 36 quận, trong đó nổi tiếng có  Lũng Tây 隴西, Dĩnh Xuyên 潁川, Nam Dương 南陽, Hàm Đan 邯鄲, Cự Lộc 鉅鹿, Ngư Dương 漁陽, Hữu Bắc Bình 右北平, Liêu Tây 遼西, Liêu Đông 遼東, Hà Đông 河東, Thượng Đảng 上黨, Thái Nguyên 太原, Đại quận 代郡, Nhạn Môn 鴈門, Vân Trung 雲中, Lang Nha 琅琊, Hán Trung 漢中, Ba quận 巴郡, Thục quận 蜀郡, Trường Sa 長沙, Kiềm Trung 黔中. Về sau lại tăng thêm Quế Lâm 桂林, Tượng quận 象郡, Nam Hải 南海, Mân Trung 閩中 tổng cộng là 40 quận. Từ đó về sau các đời đều có quận, nhưng khu vực nhỏ hơn. Đến đời Tuỳ bỏ quận. Đời Đường châu quận đổi cho nhau, đều là khu vực hành chính. Đời Tống bỏ quận.
Quốc
          Quốc là phong vực của chư hầu vương đời Hán, cũng là hành chính khu. Khu vực của quốc cũng ngang với quận, cho nên thường gọi chung là “quận quốc” 郡國.
Đạo
          Đạo đời Đường là giám sát khu, tương đương với châu đời Hán. Thời Trinh Quán 貞觀 phân toàn quốc thành 10 đạo:
          - Quan Nội đạo 關內道, tức Ung Châu thời cổ.
          - Hà Nam đạo 河南道, tức 4 châu Dự Duyện Thanh từ thời cổ.
          - Hà Đông đạo 河東道, tức Kí châu thời cổ.
          - Hà Bắc đạo 河北道, tức 2 châu Ung Kí thời cổ (2)
          - Sơn Nam đạo 山南道, tức 2 châu Kinh Lương thời cổ.
          - Lũng Tây đạo 隴西道, tức 2 châu Ung Lương thời cổ.
          - Hoài Nam đạo 淮南道, tức Dương châu thời cổ.
          - Giang Nam đạo 江南道, tức phía nam Dương châu (nay là các tỉnh Triết Giang, Phúc Kiến, Giang Tây, Hồ Nam)
          - Kiếm Nam đạo 劍南道, tức Lương châu thời cổ (phía nam Kiếm Các 劍閣)
          - Lĩnh Nam đạo 嶺南道, tức phía nam Dương châu.
          Thời Khai Nguyên 開元 lại phân thành 15 đạo, đây là từ Quan Nội đạo phân ra Kinh kì 京畿 (quản Trường An 長安), từ Hà Nam đạo phân ra Đô kì 都畿 (quản Lạc Dương 洛陽), lại đem Sơn Nam phân thành Sơn Nam đông đạo, Sơn Nam tây đạo, đem Giang Nam phân thành Giang Nam đông đạo, Giang Nam tây đạo và Kiềm Trung đạo 黔中道.
Lộ
          Lộ đời Tống lúc ban đầu là khu vực lập ra để trưng thu thuế khoá  và chuyển vận lương thực, về sau có thêm tính chất hành chính khu và quân khu. Ban đầu toàn quốc chia làm 15 lộ, sau là 18 lộ rồi 23 lộ (3), đại để tương tự với tỉnh hiện nay. Ví dụ Phúc Kiến lộ, Quảng Đông lộ, Quảng Tây lộ, Hồ Nam lộ, Hồ Bắc lộ, Thiểm Tây lộ, Hà Bắc lộ … đều tương đồng với tên gọi tỉnh ngày nay, khu vực cũng tương đương (4). Đời Nguyên cũng có lộ, lộ đời Tống lớn, lộ đời Nguyên nhỏ, tương đương với châu phủ.      (còn tiếp)

Chú của nguyên tác
(1)- Để tăng cường trung ương tập quyền, Hán Vũ Đế đã phân cả nước thành 10 giám sát khu, gọi là “châu” hoặc “bộ”. Mỗi châu đặt một Thứ sử 刺史 (sau gọi là Châu mục 州牧), tuần sát quận quốc sở thuộc. Về sau Thứ sử nắm giữ binh quyền, không phải đơn thuần là giám sát quan.
(2)- Kí châu 冀州 xuất hiện 2 lần, biểu thị là một bộ phận của Kí châu. Cách nói này là dựa theo Thông chí 通志 quyển 41 Địa lí lược 地理略 của Trịnh Tiều 鄭樵
(3)- Ngoài ra còn có một số ít lộ được lập ra vì quân sự, không lãnh dân sự.
(4)- Quảng Đông lộ còn gọi là Quảng Nam đông lộ 廣南東路; Quảng Tây lộ còn gọi là Quảng Nam tây lộ 廣南西路; Hồ Nam lộ còn gọi là Kinh Hồ nam lộ 荊湖南路; Hồ Bắc lộ còn gọi là Kinh Hồ bắc lộ荊湖北路.

                                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                                           Quy Nhơn 13/9/2014

Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 3)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.
Previous Post Next Post