TẢO TỈNH TRONG CUNG ĐIỆN Ở TỬ CẤM THÀNH
Vật
trang sức trong bộ phận cung điện của Cố cung có “tảo tỉnh” 藻井 và “Hiên Viên kính” 轩辕镜,
đây là một loại thủ pháp trang sức truyền thống trong kiến trúc cổ đại ở Trung
Quốc.
Thời cổ,
tảo tỉnh gọi là “thiên tỉnh” 天井, “ỷ tỉnh” 绮井 hoặc
“phương tỉnh” 方井, chỉ được dùng trong những kiến trúc có tính chất
trang nghiêm tôn quý như cung điện của hoàng đế, chùa miếu và phủ đệ của quý tộc.
Tảo tỉnh có hình trạng giống vành giếng, được lắp ở trên trần phía trên bảo toạ
hoặc thần tượng, khắc hoạ các loại đồ án hoa văn, kết cấu rất phức tạp, so với
trần của cung điện càng thú vị hơn. Nhìn từ tảo tỉnh ở các điện trong Cố cung,
cách tạo hình về đại thể trên tròn dưới vuông, tầng bậc rất rõ ràng, cấu đồ
nghiêm cẩn, lấy màu thanh lục làm chính, phần lớn diện tích dùng vàng, màu sắc
tươi đẹp khiến cho cả cung điện rực rõ huy hoàng, trang nghiêm cung kính. Trong
đó, tảo tỉnh ở điện Thái Hoà 太和 nơi hoàng đế cử
hành đại điển, điện Giao Thái 交泰 nơi đặt ngự tỉ và
điện Dưỡng Tâm 养心 nơi hoàng đế xử lí chính vụ và cũng là tẩm cung là điển
hình và nổi bật nhất. Ngoài ra nơi đình Thiên Thu 千秋
và đình Phù Vân 浮云 trong ngự hoa viên, căn cứ theo đẳng cấp kiến trúc
cùng hoàn cảnh môi trường, tảo tỉnh cũng được tạo hình tinh xảo, có phong cách
riêng.
Bộ phận
trung tâm của tảo tỉnh nhìn chung là hình tròn, gọi là “minh kính” 明镜. Thời Minh Thanh, bộ phận minh kính thường khắc rồng
cuộn, cho nên tảo tỉnh cũng được gọi là “long tỉnh” 龙井.
Từ miệng rồng rủ xuống hạt châu dùng để tị tà, gọi là “Hiên Viên kính” 轩辕镜, phía dưới nó là bảo toạ.
Khởi
nguyên của tảo tỉnh là vào thời kì huyệt cư của xã hội nguyên thuỷ, lúc bấy giờ
lối ra vào trên đỉnh huyệt động gọi là “trung lựu” 中霤,
vừa có thể lên xuống ra vào, vừa có thể thông gió thông nắng, giống như “thiên
song” 天窗 (cửa sổ trời). Trung lựu cũng là một trong đối tượng
được thờ cúng trong Ngũ tự 五祀 thời cổ, tức “Trạch
thần” 宅神. Cho nên về sau trong kiến trúc cung điện chùa miếu
dùng tảo tỉnh, cũng mang ý nghĩa thần thánh, đồng thời còn bảo lưu được di tích
“thiên song” cổ đại.
Đời
Hán, đã có những ghi chép liên quan đến tảo tỉnh. Tảo tỉnh lúc bấy giờ đã là thủ
pháp trang sức thường thấy trong kiến trúc cung điện. Đến thời Nam Bắc triều,
Tuỳ, Đường về sau, càng dùng phổ biến, trong thạch thất ở Đôn Hoàng 敦煌 và Vân cương 云冈
đều có thể thấy. Đời Nguyên, Minh, Thanh, tảo tỉnh càng tinh xảo, nhìn chung có
hình tròn, hình vuông hoặc hình nhiều cạnh, đề tài phong phú, đồng thời trang
trí nhiều loại hoa văn, có điêu khắc và hội hoạ, so với các đời trước, tảo tỉnh
các đời này phức tạp, tinh mĩ hơn rất
nhiều.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn
24/8/2014
Nguyên tác Trung văn
TỬ CẤM THÀNH ĐÍCH ĐIỆN VŨ TẢO TỈNH
紫禁城的殿宇井
Tác giả: Lâm Kinh 林京
Trong quyển
TỬ CẤM CHI ĐIÊN LƯỢC ẢNH
紫禁之巅掠影
Chủ biên: Thôi Trắc 崔陟
Bắc Kinh, Trung Hoa văn sử xuất bản xã, 2006
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật