Dịch thuật: Mục Kiền Liên giải cứu khổ ách của mẫu thân

MỤC KIỀN LIÊN GIẢI CỨU KHỔ ÁCH CỦA MẪU THÂN

          Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni 释迦牟尼 ở tại tinh xá Kì Viên nước Xá Vệ, tôn giả Mục Kiền Liên 目犍连 thần thông đệ nhất, một trong 10 vị đại đệ tử của Phật, dùng đạo nhãn nhìn thấy vong mẫu của mình sinh vào đường ngạ quỷ, Mục Kiền Liên đau buồn vô kể. Để báo đáp công ơn dưỡng dục của mẫu thân, Mục Kiền Liên liền đem cơm đến. Mẫu thân tay trái cầm bát, tay phải bốc cơm ăn nhưng cơm chưa vào được miệng đã biến thành than lửa. Mục Kiền Liên than khóc, vội đi cầu cứu đức Phật.
          Đức Phật nói với Mục Kiền Liên rằng:
Tội của mẫu thân con rất nặng, không thể chỉ dựa vào nội lực của một mình con mà có thể cứu được. Con là một đại hiếu tử, tuy lòng hiếu của con cảm động đến trời đất, nhưng đối với việc này, thiên thần địa kì cũng không có cách. Giờ ta nói cho con một việc: vào ngày 15 tháng 7, ngày Tăng tự tứ (1) , lấy trăm món ăn đựng vào chậu, thành tâm dâng cúng đại đức tăng chúng mười phương, nhờ uy lực của họ mới có thể cứu được khổ ách của cha mẹ cùng lục thân (2) của con.
Mục Kiền Liên làm theo lời Phật dạy, quả nhiên mẫu thân của ông thoát được nỗi khổ ngạ quỷ, vãng sinh lên trời hưởng thụ phước lạc.
Mục Kiền Liên lại bạch với Phật rằng:
Mẫu thân của con thoát li khổ ách, những người khác có thể thoát được không?
Đức Phật đáp rằng:
Bất luận là tì kheo, tì kheo ni, quốc vương thái tử, tể tướng đại thần, tam công bách quan, vạn dân thứ nhân, phàm là người từ bi hiếu thảo, chỉ cần dùng cách trên đều có thể khiến cho cha mẹ còn sống không bệnh không đau, cũng không khổ não, được trường mệnh bách tuế; khiến cho cha mẹ đã qua đời thoát khỏi nỗi khổ ngạ quỷ, được sinh vào cõi trung thiên, phước lạc vô biên. Mọi đệ tử của Phật nên phụng trì cách này để báo đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ.
Từ đó, 4 thế hệ đệ tử  của Mục Kiền Liên đều hoan hỉ phụng hành Vu lan bồn 于兰盆.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Tăng tự tứ 僧自恣:
          Vào ngày cuối cùng của kì kết hạ 90 ngày, tăng chúng cần phải cử hành “tự tứ pháp” 自恣法, tức trước tiên tự mình kiểm điểm tam nghiệp: thân, khẩu, ý của bản thân, xem thử trong thời gian kết Hạ có phạm lỗi gì không? Sau đó nhờ tăng chúng xem xét quá trình tu hành của mình thử mình có phạm lỗi gì không? Tự mình phản tỉnh cùng với tiếp nhận sự phê bình của tăng chúng để phát lộ sám hối, gọi đó là “Tăng tự tứ pháp” 僧自恣法, cho nên ngày đó cũng gọi là “Tăng tự tứ nhật” 僧自恣日.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/1092555.htm
(2)- Lục thân 六亲: sáu bề thân: cha, mẹ, vợ, con, anh chị, em. Trong gia tộc, sáu bề ấy là thân thích hơn hết, yêu mến hơn hết. Kế tiếp với lục thânquyến thuộc tức bà con bên chồng, bên vợ, bên ngoại, bên nội.
          Đoàn Trung Còn: Phật học từ điển, quyển II, trang 244
          Nxb thành phố Hồ Chí Minh, 1992.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 10/8/2014
                                                             Vu Lan, rằm tháng 7 năm Giáp Ngọ

Previous Post Next Post