Dịch thuật: Cổ ngoạn và giá trị của cổ ngoạn

CỔ NGOẠN VÀ GIÁ TRỊ CỦA CỔ NGOẠN

          Từ “cổ ngoạn” 古玩 bắt đầu được sử dụng là vào thời Càn Long 乾隆 nhà Thanh (thế kỉ 18). Giữa thời Bắc Tống (thế kỉ 11), Kim thạch học 金石学hưng khởi lấy đồ đồng, khắc đá làm đối tượng nghiên cứu chủ yếu, về sau dần mở rộng nghiên cứu đến các khí vật cổ đại khác, gọi chung những khí vật này là “cổ khí vật” 古器物 hoặc “cổ vật” 古物. Đời Minh và đầu đời Thanh danh xưng sử dụng tương đối phổ biến là “cổ đổng” 古董 hoặc “cốt đổng” 骨董. Những danh xưng khác nhau này hàm nghĩa cơ bản là tương đồng, nhưng ở nhiều trường hợp khác, “cổ đổng”, “cốt đổng” và “cổ ngoạn” là những khí vật cổ ngoài thư hoạ, bi thiếp. Năm 1930 (năm Dân Quốc thứ 19), chính phủ quốc dân ban bố “Cổ vật bảo tồn pháp” 古物保存法 (Luật bảo tồn cổ vật), năm 1935 chính phủ Bắc Bình thành lập, Uỷ ban chỉnh lí văn vật bắt đầu sử dụng khái niệm “văn vật” 文物, phạm vi của khái niệm mở rộng đến cổ vật có thể chuyển dời và không thể chuyển dời. Trên thực tế, “hữu hình văn hoá tài” 有形文化财 trong tiếng Nhật, gần giống với văn vật của Trung Quốc, nhưng hàm nghĩa và phạm vi của nó lại không hoàn toàn giống nhau. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hiệp quốc gọi văn vật là “tài sản văn hoá” hoặc “di sản văn hoá”. “Tài sản văn hoá” chỉ những văn vật có thể chuyển dời, “di sản văn hoá” chỉ những văn vật không thể chuyển dời.
          Sau khi nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa thành lập, ban bố pháp quy liên quan đến bảo hộ văn vật đều luôn dùng từ “văn vật”. Mãi đến năm 1982, Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đã công bố “Trung Hoa nhân dân cộng hoà quốc văn vật bảo hộ pháp” 中华人民共和国文物保护法 (Luật bảo hộ văn vật nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa), đem từ “văn vật” cùng nội dung mà nó bao quát dùng hình thức pháp luật cố định lại, đồng thời nêu ra quy định khoa học toàn diện:
          Văn vật là những di vật, di tích được lưu lại trong quá trình phát triển lịch sử của nhân loại.
          Các loại văn vật từ nhiều mặt khác nhau đã phản ánh hoạt động xã hội nhân loại của các thời kì lịch sử, quan hệ xã hội, hình thái ý thức cho đến việc lợi dụng thiên nhiên, cải tạo thiên nhiên và tình hình môi trường sinh thái lúc bấy giờ, là di sản văn hoá lịch sử quý báu. Việc quản lí bảo hộ văn vật và nghiên cứu khoa học có ý nghĩa quan trọng đối với việc con người nhận thức được lịch sử và sức sáng tạo của mình, cho thấy quy luật khách quan của sự phát triển xã hội nhân loại, nhận thức đồng thời thúc đẩy sự phát triển xã hội đương đại và vị lai. Về phương thức tồn tại của văn vật chủ yếu phân thành di tồn văn hoá lịch sử có thể chuyển dời và không thể chuyển dời. Về niên đại không chỉ giới hạn ở cổ đại mà còn bao gồm cả cận đại, hiện đại cho đến đương đại. Về chủng loại chủ yếu bao gồm:
          - Những di chỉ văn hoá cổ, mộ táng cổ, kiến trúc cổ, chùa ở các hang động và đá khắc có giá trị lịch sử, nghệ thuật, khoa học.
          - Những kiến trúc, di chỉ, vật kỉ niệm có liên quan đến sự kiện lịch sử
trọng đại, có ý nghĩa kỉ niệm, ý nghĩa giáo dục quan trọng và có giá trị khoa học.
          - Những vật phẩm nghệ thuật, công nghệ mĩ thuật quý báu của các đời trong lịch sử.
          - Những tư liệu văn hiến cách mạng quan trọng cùng bản thảo viết tay, tư liệu sách vở cũ có giá trị lịch sử, nghệ thuật, khoa học.
          - Những vật thực mang tính đại biểu phản ánh chế độ xã hội, sản xuất xã hội, hoạt động xã hội của các dân tộc ở các thời đại lịch sử.
          Giá trị của văn vật, nói một cách khái quát, chủ yếu có giá trị lịch sử, giá trị khoa học và giá trị nghệ thuật. Đầu tiên là giá trị lịch sử, văn vật với chủng loại khác nhau đều có giá trị lịch sử, bởi chúng đều từ các mặt khác nhau phản ánh sức sản xuất, mối quan hệ sản xuất, cơ sở kinh tế, kiến trúc thượng tầng của xã hội đương thời, cho đến cuộc sống xã hội và tình hình môi trường tự nhiên, là căn cứ giúp nhân loại nhận thức và khôi phục diện mạo vốn có của lịch sử. Giá trị khoa học chủ yếu chỉ khoa học, trình độ khoa học mà văn vật phản ánh, điều mà văn vật thể hiện là giá trị khoa học tự nhiên hoặc khoa học công trình kĩ thuật. Ngoài ra mỗi quốc gia và dân tộc đều có truyền thống văn hoá đặc thù của mình, hơn nữa truyền thống văn hoá này luôn là trụ cột tinh thần cho sự đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc. Văn vật của mỗi quốc gia và dân tộc thể hiện đặc điểm tố chất tâm lí cộng đồng, hình thái ý thức, tập tục sinh hoạt của quốc gia dân tộc mình được hình thành trong một thời gian dài. Ở một ý nghĩa nhất định nào đó mà nói, văn vật tượng trưng của văn hoá dân tộc. Nhân đó đối với một quốc gia cùng các tộc nhân dân của quốc gia đó đã sản sinh sức ngưng tụ và tác dụng khích lệ to lớn, đây cũng là một nội dung trọng yếu của giá trị văn vật.
          Trong các chủng loại văn vật khác nhau, văn vật có số lượng lớn nhất là những tác phẩm nghệ thuật cổ đại có giá trị nghệ thuật, bao gồm thư pháp hội hoạ, kiến trúc, điêu khắc và công nghệ phẩm (đồ gốm, đồ sơn, công nghệ kim loại, điêu khắc ngọc đá trúc gỗ, đồ dệt thêu…)
          Ngày nay chúng ta mượn dùng lại khái niệm cũ “cổ đổng trân ngoạn” 古董珍玩 là do bởi theo mức sống của con người gần đây được nâng cao, việc thu thập bảo tồn cổ vật bước vào lại cuộc sống, chứ không phải tất cả văn vật có được đều thích nghi cho cá nhân thu thập bảo tồn và được pháp luật nhà nước cho phép, ví dụ những văn vật không thể chuyển dời như kiến trúc cổ, điêu khắc hang động cùng với những văn vật phát hiện được ở mộ táng; và những văn vật không phải loại để thu thập bảo tồn như giáp cốt, giản độc, bi thiếp, khắc ván, y phục, thuyền bè xe cộ cùng những văn vật văn hiến cách mạng. Trong các loại văn vật, loại trước mắt thích hợp cho việc thu thập bảo tồn, đồng thời cũng được nhiều người yêu thích chủ yếu là những vật phẩm nghệ thuật của các đời trừ công trình kiến trúc. Cho nên khái niệm văn vật và vật phẩm nghệ thuật các đời dùng không thích hợp, nên đành phải mượn dùng từ “cổ ngoạn”.

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 01/6/2014


Nguyên tác Trung văn
CỔ NGOẠN HOÀ CỔ NGOẠN ĐÍCH GIÁ TRỊ
古玩和古玩的价值
Trong quyển
CỔ NGOẠN
古玩
Tác giả: Đỗ Vệ Dân 杜卫民
Bắc Kinh: Học Uyển xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post