Dịch thuật: Bảo gia an trạch - Môn thần (tiếp theo)

BẢO GIA AN TRẠCH – MÔN THẦN
(tiếp theo)

2- Các loại Môn thần
          Tranh Môn thần là loại tranh tết rất phổ biến ở Trung Quốc. Trên đến cung đình, dưới đến bách tính, dán Môn thần là tập tục không thể thiếu khi đón năm mới. Cung đình rất kĩ lưỡng trong việc dùng Môn thần, đời Thanh dán Môn thần trở thành định lệ, còn thiết lập nhóm thợ chuyên môn để chế tác Môn thần, gọi là “cung dịch Môn thần” 宫掖门神. Cách vẽ của họ đặc thù, vẽ tỉ mỉ, dát vàng, rất có giá trị, dùng khuông gỗ, quy cách đều có quy định. Môn thần trong dân gian in mộc bản, nửa in nửa vẽ, chất liệu bằng giấy là chính. Một số nhà giàu có cũng dán Môn thần vẽ hoàn toàn bằng tay. Các dân tộc thiểu số như người Di , người Bạch , người Thái , người Nạp Tây 纳西, người Tạng , người Thổ , người Miêu , người Mãn cũng chịu ảnh hưởng của người Hán, ngày Xuân hoặc ngày tết của họ cũng dán tranh Môn thần.
          Tranh Môn thần dần trở thành vật trang trí vào ngày lễ tết phổ biến trong cả nước. Thần trong bức tranh, ngoài Thần Đồ 神荼, Uất Luật 郁垒 ra, còn có Chung Quỳ 钟馗 xuất hiện vào đời Đường. Từ đời Nguyên trở về sau, xuất hiện Tần Quỳnh 秦琼, Uý Trì Cung 尉迟恭. Thời xưa người vùng Tô Châu 苏州 sùng bái 2 vị nguyên soái, đó là: Ôn (có người cho là Ôn Kiệu 温峤 đời Tấn, có người cho là Ôn tướng quân, một thuộc hạ của Đông Nhạc Đại Đế 东岳大帝) và Nhạc (Nhạc Phi 岳飞). Đạo giáo sùng bái có Thanh long Bạch hổ. Một số nơi tin thờ Triệu Vân 赵云, Triệu Công Minh 赵公明, Tôn Tẫn 孙膑, Bàng Quyên 庞涓.  Cũng có nơi đem Môn thần chia làm 3 loại: Văn Môn thần 文门神, Võ Môn thần 武门神, Kì phúc Môn thần 祈福门神. Văn Môn thần tức vẽ một vị quan văn mặc triều phục, như Thiên quan 天官, Tiên đồng 仙童, Lưu Hải Thiềm 海蟾, Tống tử nương nương 送子娘娘. Võ Môn thần là một vị tướng lãnh võ quan và vị tướng quân thần nhân trong truyền thuyết, thường thấy có Chung Quỳ 钟馗, Tần Thúc Bảo 秦叔宝, Uý Trì Cung 尉迟恭, Triệu Vân 赵云, Ngũ Viên 伍员, Nhiên Đăng đạo nhân燃灯道人, Triệu CôngMinh赵公明, Tôn Tẫn 孙膑, Bàng Quyên 庞涓, Phỉ Văn Khánh 斐元庆, Lí Nguyên Bá 李元霸 … đến 90 vị. Kì phúc Môn thần tức Tam tinh: Phúc, Lộc, Thọ. Những Môn thần này tuy thời gian, địa điểm cùng bối cảnh xuất hiện có khác nhau, nhưng đến nay vẫn được mọi người tín ngưỡng, trong đó có ảnh hưởng nhất phải kể đến Thần Đồ, Uất Luật, Chung Quỳ, Tần Quỳnh,  Uý Trì Cung.
          Theo Thiên trung kí 天中记Lịch đại thần tiên thông giám 历代神仙通鉴, Chung Quỳ vốn là người ở núi Chung Nam 终南 tỉnh Thiểm Tây 陕西, lúc nhỏ đã tài hoa xuất chúng. Thời Vũ Đức 武德 nhà Đường (618 – 627) đến Trường An 长安 tham gia võ cử khảo thí. Chỉ nhân vì tướng mạo xấu xí nên không trúng cử, vì thế buồn bực đâm ra giận, đập đầu chết nơi thềm điện. Đường Cao Tổ sau khi nghe qua đã đặc biệt ban cho áo bào quan màu đỏ để an táng. Về sau, Đường Huyền Tông đột nhiên mắc chứng bệnh ở lá lách, nhiều thầy thuốc chữa trị nhưng không có hiệu quả, cung đình trên dưới đều lo lắng. Một buổi tối nọ, sau khi Đường Huyền Tông ngủ thiếp đi, mơ thấy một con tiểu quỷ lấy cắp đồ trong cung đang men theo bờ tường bỏ chạy. Huyền Tông vội hô tróc nã, chỉ thấy một đại trượng phu tướng tá khôi ngô chạy lên điện, bắt được tiểu quỷ, khoét mắt mà ăn. Đường Huyền Tông hỏi là người thời nào, người nọ đáp rằng: “Là Chung Quỳ thi võ cử không trúng Tiến sĩ”. Đường Huyền Tông tỉnh dậy, qua ngày hôm sau bệnh dần khỏi, vì thế cho mời hoạ gia Ngô Đạo Tử 吴道子 đến vẽ hình tượng Chung Quỳ. Hình vẽ rất giống với người mà Đường Huyền Tông đã mơ thấy, Huyền Tông rất vui mừng, đem bức tranh treo lên cửa cung xem đó là Môn thần. Về sau, Đạo giáo hấp thu tín ngưỡng này, thường xem Chung Quỳ là vị phán quan trừ ác đuổi quỷ, vì thế Chung Quỳ trở thành vị thần tướng đuổi quỷ, bắt quỷ trong Đạo giáo. Ngoài ra,  hình tượng Chung Quỳ cũng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, vào đêm trừ tịch hoặc ngày Đoan ngọ, mọi người thường đem hình Chung Quỳ dán lên cửa để trừ tà đuổi quỷ. Hình tượng là đầu con báo râu con cù, mắt tròn, mũi cong, tai như chuông, đầu đội mũ ô sa, chân mang giày đen, thân mặc áo bào đỏ, tay phải cầm kiếm, tay trái bắt quỷ, mắt nhìn trừng trừng, uy phong lẫm liệt. Truyền thuyết kể rằng, bản lĩnh bắt quỷ cùng uy vọng của Chung Quỳ cao hơn Thần Đồ, Uất Luật. Trong dân gian còn lưu truyền những câu chuyện như Chung Quỳ gả em gái, Chung Quỳ bắt quỷ, Chung Quỳ đi săn ban đêm. …

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 10/6/2014

Nguyên tác Trung văn
BẢO GIA AN TRẠCH THIẾP MÔN THẦN
保家安宅贴门神
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
中国民俗文化大观
(quyển trung)
Chủ biên: Dương Lợi Tuệ 杨利慧
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2009
Previous Post Next Post