Dịch thuật: Những ngày lễ tiết trong năm (tiếp theo)

NHỮNG NGÀY LỄ TIẾT TRONG NĂM
(tiếp theo)

Phục nhật 伏日: ngày Canh thứ ba sau Hạ chí gọi là Sơ phục 初伏, ngày Canh thứ tư gọi là Trung phục 中伏, ngày Canh thứ nhất sau Lập thu gọi là Chung phục 終伏 (Mạt phục 末伏), gọi chung là Tam phục. “Phục” có nghĩa là núp tránh cái nóng gay gắt (1). Phục nhật tế tự, cho nên cũng là một “đại tiết nhật”. Thông thường gọi Phục nhật đại khái là chỉ Sơ phục. Dương Uẩn 楊惲 trong Báo Tôn Hội Tông thư 報孫會宗書 có viết:
Điền gia tác khổ, tuế thời Phục Lạp, phanh dương bào cao, đẩu tửu tự lao
田家作苦, 歲時伏臘, 烹羊炰羔, 斗酒自勞
          (Người làm ruộng công việc vất vả cũng có những ngày vui thích. Mỗi khi gặp tế Phục, tế Lạp trong năm thì nấu thịt dê nướng thịt dê, rót ra đấu rượu tự khao bản thân mình)
Thất tịch 七夕: ngày mồng 7 tháng 7. Trong Kinh Sở tuế thời kí 荊楚歲時記 có nói, tối mồng 7 tháng 7 là đêm Khiên Ngưu 牽牛 và Chức Nữ 織女 gặp nhau, phụ nữ các nhà bày rượu thịt hoa quả ra giữa sân để cầu xin được khéo tay. Bài Thất tịch 七夕 của Đỗ Mục 杜牧 viết rằng:
Ngân chúc Thu quang lãnh hoạ bình
Khinh la tiểu phiến phác lưu huỳnh
Thiên nhai dạ sắc lương như thuỷ
Ngoạ khán Khiên Ngưu Chức Nữ tinh
銀燭秋光冷畫屏
輕羅小扇撲流螢
天街夜色涼如水
臥看牽牛織女星
(Đêm thu, ánh sáng bạc của ngọn nến chiếu lên bức bình phong lạnh)
Người cung nữ tay cầm chiếc quạt bằng lụa mỏng xua đi đom đóm
Trên trời màn đêm trải một màu mát như nước
Nằm ngắm nhìn sao Khiên Ngưu và sao Chức Nữ)
Trung nguyên 中元: rằm tháng 7 (2). Theo truyền thuyết Phật giáo, mẫu thân của Mục Liên 目連 bị sa vào đường quỷ đói, thức ăn tới miệng liền hoá thành lửa. Mục Liên cầu cứu với Phật, Phật liền thuyết kinh Vu Lan bồn 盂蘭盆, bảo Mục Liên vào ngày rằm tháng 7 làm Vu Lan bồn để cứu mẹ (3). Đời sau xem Trung nguyên là “Quỷ tiết” 鬼節, có những hành vi mê tín như cho quỷ đói ăn.
Trung thu 中秋: rằm tháng 8. Mọi người cho rằng trăng vào đêm đó là đẹp nhất, cho nên nó là tiết ngắm trăng. Trong bài Thuỷ điệu ca đầu 水調歌頭 (Trung thu), Tô Thức 蘇軾 đã viết:
Minh nguyệt kỉ thời hữu
Bả tửu vấn thanh thiên
明月幾時有
把酒問青天
(Trăng sáng mấy khi có
Bưng chén rượu hỏi trời xanh)
Trùng dương 重陽 (Trùng cửu 重九, Cửu nhật 九日): ngày mồng 9 tháng 9.
Người xưa cho rằng 9 là số dương, ngày và tháng đều gặp số 9 cho nên gọi là “Trùng dương”. Vào ngày này, người xưa có tập tục lên cao uống rượu. Theo Tục Tề hài kí 續齊諧記, Phí Trường Phòng 費長房 nói với Hoàn Cảnh 桓景 ở Nhữ Nam 汝南rằng, ngày mồng 9 tháng 9 tại Nhữ Nam có tai hoạ lớn, phải mang túi đựng cây thù du lên núi uống rượu hoa cúc mới có thể tránh được. Mọi người cho rằng đó là nguồn gốc của tục lên cao vào ngày mồng 9 tháng 9, nhưng cũng không đáng tin (4). Trong bài Cửu nguyệt cửu nhật ức Sơn Đông huynh đệ 九月九日憶山東兄弟, Vương Duy 王維 viết rằng:
Dao tri huynh đệ đăng cao xứ
Biến tháp thù du thiểu nhất nhân
遙知兄弟登高處
遍插茱萸少一人
(Ở xa vẫn biết được nơi anh em lên cao
Ai cũng cài cành thù du nhưng thiếu một người)
Đông chí 冬至: chính là tiết Đông chí. Trước Đông chí 1 ngày gọi là “Tiểu chí” 小至. Người xưa xem Đông chí là khởi điểm của tiết khí (5), từ Đông chí trở đi, ngày dần dài ra, gọi là “Đông chí nhất dương sinh” 冬至一陽生 (6). Người xưa lại cho rằng: mùa đông tới, mùa xuân cũng sắp theo tới. Trong bài Tiểu chí 小至, Đỗ Phủ có viết:
Đông chí dương sinh xuân hựu lai
冬至陽生春又來
(Đông chí dương sinh ra, mùa xuân cũng theo đến)
Lạp nhật 臘日: “Lạp” là tên một lễ tế. Trong Thuyết văn 說文 có ghi:
Đông chí hậu tam Tuất Lạp tế bách thần
冬至後三戌臘祭百神
(Ngày Tuất thứ 3 sau Đông chí là lễ Lạp tế bách thần)
          Có thể thấy Lạp nhật vào đời Hán là ngày Tuất thứ 3 sau Đông chí. Nhưng trong Kinh Sở tuế thời kí 荊楚歲時記  lấy ngày mồng 8 tháng 12 làm Lạp nhật, đồng thời có nói dân làng đánh trồng , tạo Kim Cương lực sĩ 金剛力士 để xua đuổi ôn dịch. Ngày mồng 8 tháng 12 là cách giải thích thông thường, đến nay vẫn có phong tục “cháo Lạp bát”. Bài Lạp nhật 臘日 của Đỗ Phủ có câu:
Lạp nhật thường niên noãn thượng dao
Kim niên Lạp nhật đống toàn tiêu
臘日常年暖尚遙
金年臘日凍全消
(Lạp nhật hàng năm cái ấm hãy còn cách xa
Thế mà Lạp nhật năm nay nước đóng băng đã tan chảy hết)
          Và ở Vịnh hoài cổ tích 詠懷古跡 (bài 4):
Tuế thời Phục Lạp tẩu thôn ông
歲時伏臘走村翁
(Hàng năm đến ngày tế Phục tế Lạp, các ông lão trong thôn lo liệu)
Trừ tịch 除夕: buổi tối ngày cuối cùng của năm. “Trừ” có nghĩa là trừ bỏ cái cũ phân bố cái mới. Ngày cuối cùng của một năm gọi là “tuế trừ” 歲除, cho nên tối hôm đó gọi là “trừ tịch”. Bài Thủ tuế 守歲 của Tô Thức 蘇軾 có câu:
Nhi đồng cưỡng bất thuỵ
Tương thủ dạ hoan hoa
兒童強不睡
相守夜讙譁
(Bọn trẻ gắng không ngủ
Suốt đêm nói chuyện huyên thuyên)
          Một số lễ tết trên đây không phải là của một thời đại, mà là nhiều thời đại tích luỹ lại mà ra.

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Ở đây theo Sử kí – Tần bản kỉ 史記 - 秦本紀:
Nhị niên Sơ phục
二年初伏
Trương Thủ Tiết chính nghĩa 張守節正義.
(2)- Ngày rằm tháng Giêng là Thượng nguyên, rằm tháng 7 là Trung nguyên, rằm tháng 10 là Hạ nguyên. Đời sau chỉ có Thượng nguyên và Trung nguyên là tiết nhật.
(3)- Vu Lan bồn 盂蘭盆: tiếng Phạn có nghĩa là treo ngược. Làm Vu Lan bồn  ý nói bố thí Phật và tăng để báo đáp ơn của cha mẹ.
(4)- Phong thổ kí 風土記 cho rằng vào ngày này hái cành thù du cài lên đầu  để tránh ác khí, còn chế ngự cái lạnh mới đến cùng với đây cũng không tương đồng.
(5)- Sử kí - Luật thư 史記 - 律書:
Khí thuỷ ư Đông chí, chu nhi phục thuỷ
氣始於冬至周而復始
(Tiết khí bắt đầu từ Đông chí, giáp vòng hết lại bắt đầu)
(6)- Sử kí - Luật thư 史記 - 律書:
Nhật Đông chí, tắc nhất âm há tàng, nhất dương thướng thư
日冬至, 一陰下藏, 一陽上舒
(Ngày Đông chí, một hào âm lui xuống ẩn, một hào dương xuất hiện ra)

                                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                                           Quy Nhơn 22/5/2014

Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 3)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.
Previous Post Next Post