TẾ TỔ ĐẠP THANH QUA THANH MINH
Thanh
minh 清明 là một trong 24 tiết khí âm lịch, khoảng trước sau
ngày 5 tháng 4 dương lịch. Thời cổ tiết Thanh minh cũng còn gọi là “Tam nguyệt
tiết” 三月节,
đã có lịch sử hơn hai ngàn năm, đến nay vẫn là một trong những tiết trọng yếu của
dân tộc Trung Hoa bao gồm cả người Hoa ở hải ngoại, người Hán trong cả nước và
một bộ phận khu vực dân tộc thiểu số tổ chức tiết này.
Thanh minh tế
tổ
Thời
gian tiết Thanh minh và tiết Hàn thực liền nhau. Nhưng tiết Hàn thực là cấm lửa,
đem lửa bảo lưu từ mùa đông tắt đi; còn tiết Thanh minh lại dùi gỗ lấy lửa lại,
lửa lấy được gọi là “tân hoả” 新火. Các hoàng đế triều
Đường vào ngày Thanh minh này cử hành điển lễ tứ hoả Thanh minh rất long trọng,
đem lửa mới ban cho quần thần, để biểu thị lòng nhân ái của vị quân chủ đối với
bề tôi. Về sau, tiết Hàn thực dần bị thay thế bởi tiết Thanh minh. Sau thời vãn
Đường, thời Tống, tập tục cấm lửa ăn đồ ăn nguội dần nhạt hoá, suy yếu. Đến nay
tại vùng Giang Nam 江南 khi đến tiết Thanh minh, đa số mọi người ăn “thanh
đoàn” 青团 – một loại bánh ăn nguội được làm từ bột nếp và nước
cốt của một loại cỏ, bên trong có nhân đậu sa, bên ngoài màu xanh, đây chính là
từ tập tục ở tiết Hàn thực còn lưu lại.
Thanh
minh là một trong những tiết khí, lấy nghi tục chế độ như: khí hậu, lịch pháp để
làm chỗ dựa, rất dễ được mọi người dùng theo. Nhất là tập tục tảo mộ trong tiết
Thanh minh, mọi người tế vong linh tổ tiên và người thân, kí thác nỗi u buồn
thương nhớ của bản thân, nhân đó đã có được sự nhận đồng phổ biến của mọi người. Tảo mộ tế tổ là một tập tục từ
thời cổ đại được lưu truyền lại. Thời Tiên Tần đã có hoạt động tế tảo, nhưng
chưa hạn định ở khoảng tiết Hàn thực, Thanh minh. Thời Hán Nguỵ lễ tại mộ phần
đã được coi trọng, nhưng lúc bấy giờ vẫn chưa thành một lễ nghi chính thức. Tảo
mộ vào tiết Thanh minh là sau thời Tần, đến triều Đường mới bắt đầu thịnh hành
đồng thời lưu truyền đến ngày nay, trở thành một lễ tiết vô cùng quan trọng
trong đời sống nhân dân.
Năm
Khai Nguyên 开元 thứ 20 đời Đường Huyền Tông 唐玄宗
(năm 732), triều đình ban bố sắc lệnh đem lễ tảo mộ tế bái ở tiết Hàn thực biên
nhập vào “ngũ lễ” 五礼. Bắt đầu từ triều Đường, triều đình còn cho các quan
được nghỉ để về quê tảo mộ. Đến đời Tống, tảo mộ đa phần tại tiết Thanh minh.
Trước và sau Thanh minh, nhà nhà đều đến mộ tế tổ, đầu tiên giẫy cỏ làm sạch phần
mộ, đắp thêm đất mới. Theo người xưa, phần mộ của tổ tiên có liên quan rất lớn
đến việc hưng suy phúc hoạ của con cháu đời sau, vì thế vun đắp phần mộ là một
nội dung không thể qua loa trong hoạt động tế tổ. Người đời sau không chỉ thêm
đất mới, mà còn đốt nến thắp hương hoá vàng mã, biểu thị phần mộ này còn có con
cháu đời sau. Từ thời Minh Thanh đến nay, phong tục tảo mộ phát triển đến đỉnh
cao. Có người không chỉ đến phần mộ của tổ tiên hoá vàng mã, mà còn làm 10 bát
lớn thức ăn cúng trước mộ. Có nơi sau khi cúng mộ xong đem tế phẩm phân phát
cho trẻ em biểu thị sự làm phúc kết duyên.
Đạp thanh,
cài nhành liễu, đánh đu, thả diều
Thanh
minh vừa là tiết nhật vừa là tiết khí, là tiết khí thứ 5 tính bắt đầu từ Lập
xuân, thời gian thông thường là trước sau tháng 3 âm lịch, khớp với thời tiết
xuân về khắp nơi: mùa xuân đến, vạn vật sinh sôi phát triển, khắp mặt đất tràn
đầy cảnh tượng tốt tươi. Hàm nghĩa của “thanh minh” là như thế. Sau khi trải
qua một mùa đông dài, mọi người tấp nập ra khỏi nhà tìm hơi ấm mùa xuân, hoặc đạp
thanh nơi đồng nội, hoặc ra ngoại thành thả diều. Những hoạt động vui chơi này
được gọi là “đạp thanh” 踏青. “Đạp thanh” cũng gọi
là “xuân du” 春游, thời cổ còn gọi là “thám xuân” 探春, “tầm xuân” 寻春. Cho nên có một số
nơi gọi tiết Thanh minh là “Đạp thanh tiết” 踏青节.
Tiết
Thanh minh tuy khởi đầu là tế tự tổ tiên, nhưng trong quá trình phát triển lâu
dài cũng thâm nhập nội dung vui chơi. Hàng năm vào ngày này, dân gian có nhiều
hoạt động phong tục, như tế tự tổ tiên, tảo mộ đắp mộ, du xuân đạp thanh, cắm
liễu lên cửa v.v… Thời cổ còn có tập tục đạp thanh chọn hái rau tề. Tập tục này
không ít địa phương đến nay vẫn còn thấy. Mỗi khi trước và sau Thanh minh, những
cô gái, phụ nữ ra khỏi nhà để đạp thanh, hái một ít rau tề non tươi đem về nhà
làm thành những loại bánh tròn, mùi vị thơm ngon, đậm chất phong tình. Dân gian
có câu:
Tam nguyệt tam, tề thái hoa tái mẫu đơn, nữ
nhân bất sáp vô tiền dụng, nữ nhân nhất sáp mễ mãn thương.
三月三, 荠菜花赛牡丹, 女人不插无钱用, 女人一插米满仓
(Ngày mồng
3 tháng 3, hoa rau tề đua cùng mẫu đơn, phụ nữ không hái cài lên tóc thì không
có tiền dùng, phụ nữ khi hái cài lên tóc thì gạo đẩy cả kho)
Có phụ
nữ không chỉ thích cài hoa rau tề nhỏ màu trắng lên tóc, mà còn biết hái hoa rau
tề đem về để trong nhà hoặc để nơi bếp lò, nghe nói loại hoa nhỏ màu trắng này
có thể xua đuổi côn trùng.
Ngày
trước mỗi khi đến tiết Thanh minh, nhà nhà nơi cửa và cửa sổ đều treo cành
dương liễu, phụ nữ trên trâm cài tóc có thêm nhành liễu, trẻ con đầu đội vòng kết
bằng liễu, hàm ý “tư thân (thanh)” 思亲 (青) (nhớ người thân). Về tập tục vào tiết Thanh minh cài
liễu, đội liễu có nhiều cách nói, trong đó thuyết có ảnh hưởng tương đối lớn là
người Trung Quốc xem Thanh minh 清明, Thất nguyệt bán 七月半 (1), Thập nguyệt sóc 十月朔 (2) là “tam đại quỷ tiết” 三大鬼节. Tiết Thanh minh chính là lúc bách quỷ ra vào tấp nập, đòi hỏi nhiều
thứ. Chịu ảnh hưởng của Phật giáo, Quan Thế Âm tay cầm nhành dương rảy nước phổ
độ chúng sinh. Nhiều người cho rằng nhành liễu có tác dụng đuổi quỷ trừ tai,
nên gọi nhành liễu là “quỷ bố mộc” 鬼怖木.
Đến thời
Đường, đánh đu trở thành một hoạt động trọng yếu của tiết Hàn thực và tiết
Thanh minh. Do bởi trong thời gian Thanh minh có thể thấy hoạt động đánh du khắp
nơi nên 3 triều Nguyên, Minh, Thanh đem tiết Thanh minh định là “Thu thiên tiết”
秋千节, trong hoàng cung cũng dựng cây đu cho hoàng hậu, phi
tần, cũng nữ vui chơi.
Tiết
Thanh minh người xưa còn có tập tục thả diều (phong tranh 风筝 thời cổ còn gọi là “chỉ diên” 纸鸢),
kéo co. Theo sử liệu ghi chép, thời Đường Trung Tông trong cung có tổ chức thi
kéo co, cách thi về cơ bản cũng tương đồng với thi kéo co ngày nay. Từ xưa đến
nay, thử diều là một hoạt động vui chơi rất được nhiều người yêu thích. Theo
người xưa, thả diều có thể mang theo những rủi ro. Tiết Thanh minh gió mát trời
trong, chính là lúc thả diều tốt nhất. Sau Thanh minh, không thích hợp cho việc
thả diều. Cho nên vào lúc đó người thả diều đặc biệt đông. Nhiều người trong
lúc thả diều đã đem những tai hoạ tật bệnh mà mình biết được viết lên trên diều,
thả cho diều bay lên không trung sau đó cắt đứt dây diều, để diều theo gió bay
đi. Theo truyền thuyết làm như thế không chỉ có thể mang đi những u uất phiền
muộn, mà còn mang đến cho mình vận may. Đồng thời, mọi người còn xem việc thả
diều là một hoạt động rèn luyện thân thể.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Thất nguyệt
bán 七月半: tức rằm tháng 7 tiết Trung Nguyên 中元.
Tiết Trung Nguyên tục gọi là “Quỷ tiết” 鬼节,
Phật giáo gọi là lễ Vu Lan bồn 盂兰盆.
(2)- Thập nguyệt
sóc 十月朔: tức tiết Hàn y 寒衣, hàng năm vào ngày
mồng 1 tháng 10 âm lịch, còn gọi là “Thập nguyệt triêu” 十月朝, “Tế tổ tiết” 祭祖节,
“Minh âm tiết” 冥阴节, “Thu tế” 秋祭 , dân gian gọi là “Quỷ nhật đầu” 鬼日头. Ngày này đặc biệt chú trọng tế tự những người đã mất,
gọi đó là “tống hàn y” 送寒衣 (tặng áo lạnh).
Tiết
Hàn y cùng với tiết Thanh minh của mùa xuân và tiết Trung nguyên của mùa thu gọi
chung là “tam đại Quỷ tiết” trong một năm. Ngày này đánh dấu mùa đông đến, cho
nên đây là ngày mà cha mẹ, người thân được quan tâm tặng cho áo lạnh.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 05/4/2014
(Tiết Thanh minh năm Giáp Ngọ)
Nguyên tác Trung văn
TẾ TỔ ĐẠP THANH QUA THANH MINH
祭祖踏青过清明
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
中国民俗文化大观
(quyển trung)
Chủ biên: Dương Lợi Tuệ 杨利慧
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2009
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật