Dịch thuật: Kim thạch học và Khảo cổ học thời Tống

KIM THẠCH HỌC VÀ KHẢO CỔ HỌC THỜI TỐNG

          Kim thạch học 金石学 và Khảo cổ học 考古学 trở thành bộ môn nghiên cứu độc lập là thành tựu to lớn của học thuật đời Tống.
          Kim thạch học và Khảo cổ học đời Tống khởi đầu vào thời Tống Chân Tông đối với việc nghiên cứu cổ đồng khí. Năm 1000 (năm Hàm Bình 咸平 thứ 3), tại Càn Châu 乾州 phát hiện được một chiếc đỉnh cổ, dạng hình vuông 4 chân, bên trên có 21 chữ cổ, Chân Tông sai các nho thần khảo chứng, nghiệm khoản thức trên đó, cho rằng đó là “Sử Tín Phủ nghiễn” 史信父甗. Xem khí vật cổ đại là một môn học để nghiên cứu vẫn là việc sau thời Tống Nhân Tông.
- Lưu Sưởng 刘敞 với Tiên Tần cổ khí kí 先秦古器记  
          Thời Tống Nhân Tông, Lưu Sưởng 刘敞 và Âu Dương Tu 欧阳修 ra sức sưu tập khí vật cổ đại, tiến hành biên chép và khảo đính. Năm 1061, Lưu Sưởng ra nhậm chức An phủ sứ 安抚使 Vĩnh Hưng quân lộ 永兴军路, nhiều mộ cổ và đất hoang ở Trường An 长安 thường xuất hiện cổ vật. Lưu Sưởng sưu tập được hơn 10 chiếc đỉnh và di thời Tiên Tần, khảo đính văn tự, mời thợ mô phỏng vẽ lại, năm 1063, tuyển chọn biên thành quyển Tiên Tần cổ khí kí 先秦古器记, có hình vẽ, minh văn, lời thuyết minh cùng lời tán. Sách của Lưu Sưởng đã thất truyền, từ những thu thập cổ vật thời Tiên Tần trong quyển Tập cổ lục 集古录 của Âu Dương Tu có thể thấy được đại khái.
- Âu Dương Tu 欧阳修 với Tập cổ lục 集古录
          Gồm 1000 quyển, thành sách vào năm 1063. Bộ sách này thu thập trên 1000 món khí vật kim thạch, là bộ chuyên trứ kim thạch khảo cổ học đầu tiên trong lịch sử học thuật. Những khí vật thu thập được, trên từ thời Chu Mục Vương 周穆王 xuống đến thời Tuỳ Đường Ngũ đại, nội dung rất rộng. Được lúc nào ghi chép lúc nấy không dựa vào thời đại. Năm 1069, con của Âu Dương Tu “tóm tắt yếu lĩnh, viết quyển mục lục” thành Tập cổ lục bạt vĩ 集古录跋尾 gồm 10 quyển truyền đời.
- Lữ Đại Lâm 吕大临 với Khảo cổ đồ 考古图
          Tổng cộng có 10 quyển. Năm 1092 tự viết lời tựa. Đối với mỗi món khí vật mà bộ sách thu thập có hình vẽ, lời giải thích ở dưới, ghi rõ mức độ lớn nhỏ, thước tấc, trọng lượng, địa điểm phát hiện, người thu thập lưu giữ của từng món một. Ngoài ra còn có Khảo cổ đồ thích văn 考古图释文 1 quyển.
- Lí Công Lân 李公麟 với Khảo cổ đồ 考古图 
          Còn gọi là Cổ khí đồ 古器图, 1 quyển. Lí Công Lân 李公麟 là hoạ gia nổi tiếng cuối thời Bắc Tống, hiếu cổ bác học, giỏi hoạ giỏi thơ, biết nhiều chữ cổ. Nhưng món như chung, đỉnh, tôn, di từ đời Hạ đời Thương trở về sau đều khảo đính thế thứ, nhận biết khoản thức. Đối với mỗi món khí vật, bộ Khảo cổ đồ của ông đều có vẽ lại hình dáng, đồng thời giải thích cách chế tác của nó, chú văn, khoản văn, nghĩa huấn cùng công dụng của nó, sau đó viết lời tựa rồi đến lời tán. Có học giả cho rằng, đời Tống “sĩ đại phu biết và lưu ý đến cái học di đỉnh thời Tam đại, là bắt đầu từ Bá Thời 伯时 (tức Lí Công Lân)” (Địch Kì Niên 翟耆年 Trứu sử 籀史)
- Vương Phủ 王黼 với Bác cổ đồ 博古图
          Còn gọi là Tuyên Hoà bác cổ đồ lục 宣和博古图录, tổng cộng 30 quyển. Thời Tống Huy Tông, từ sĩ đại phu cho đến quý tộc cung đình đua nhau tìm và thu thập cổ vật, mỗi món có thể có giá 10 quan thậm chí cả ngàn quan, vì thế thiên hạ trủng mộ, phá hoại đãi tận 天下冢墓破坏殆尽 (trủng mộ trong thiên hạ bị phá hoại gần hết) (Thái Điều 蔡條 Thiết Vi sơn tùng đàm 铁围山丛谈). Khí vật mà Huy Tông có được do Vương Phủ khảo đính biên soạn, phân thành 20 loại, gồm 800 món, là những tinh phẩm văn vật kim thạch thời Bắc Tống.
- Triệu Minh Thành 赵明诚 với Kim thạch lục 金石录
          Gồm 30 quyển. Triệu Minh Thành 赵明诚 người thời Tống Huy Tông, mỗi khi có được thư hoạ, đỉnh, di liền cùng với vợ là Lí Thanh Chiếu 李清照 nghiên cứu chỉnh lí, chỉ ra những chỗ khiếm khuyết. Trải qua 20 năm nỗ lực tìm kiếm, ông thu thập được 2000 quyển kim thạch khắc từ, bao gồm những minh văn khoản thức trên các chung, đỉnh, di từ thời Hạ Thương Chu đến Tuỳ Đường Ngũ đại, cùng với văn tưk khắc đá ở bi minh, mộ chí. Lại căn cứ vào khắc từ ở 2000 quyển giám biệt khảo đính từng cái, soạn thành bộ Kim thạch lục 金石录 30 quyển. 10 quyển đầu gồm 2000 điều, ghi lại mục lục khí vật kim thạch cổ đại, bia khắc, thư hoạ gần 2000 món. 20 quyển sau thu lục lời bạt của một số khí vật, ghi chép thời gian, địa điểm phát hiện khí vật cùng người sưu tập, cả nội dung khí vật, đây là bộ tổng lục văn tự kim thạch lúc bấy giờ.
- Tiết Thượng Công 薛尚功 với Lịch đại chung đỉnh di khí khoản thức 历代钟鼎彝器款识
          Gồm 20 quyển. Tiết Thượng Công 薛尚功 nhậm chức vào thời Cao Tông nhà Nam Tống. Bộ sách này thu thập đồng khí, minh văn thạch khí từ thời Hạ Thương đến thời Hán, gần 500 món, đính chính những chỗ nhầm lẫn, khảo dị, thêm lời giải thích tỉ mỉ. Trong các chuyên trứ về khoản thức di khí được thu thập vào thời Tống thì bộ sách này là phong phú nhất, biên soạn cũng tương đối mạch lạc.
- Thẩm Quát 沈括 với Mộng Khê bút đàm 梦溪笔谈 và Trịnh Tiều 郑樵 với Thông chí 通志
          Hai bộ sách này cũng bao gồm nội dung về phương diện khảo cổ kim thạch. Thẩm Quát 沈括 không chỉ ghi chép về hình trạng và khoản thức của các cổ vật, mà còn tiến thêm một bước nghiên cứu nguyên lí và phương pháp chế tác khí vật. Như từ lí luận luyện kim giải thích kiếm cổ, dùng nguyên lí quang học giải thích gương cổ, dùng nguyên lí hình học giải thích cách dùng của “vọng sơn” 望山 trên máy nỏ, đều có giá trị khoa học nhất định.
          Lược thứ 20 trong Thông chí của Trịnh Tiều 郑樵 chuyên về Kim thạch lược 金石略, ghi chép những khí vật cổ đại mà ông đã gặp qua trong đời, đồng thời khảo đính lại, trong đó chứng minh trống đá là di vật đời Tần là định luận đáng tin.
- Ngoài ra còn có Hồng Tuân 洪遵 với Tuyền chí 泉志 15 quyển, nhóm của Long Đại Uyên 龙大渊 với Cổ ngọc đồ phổ 古玉图谱 100 quyển, Trịnh Văn Ngọc 郑文玉 với Ngọc tỉ kí 玉玺记, Vương Hậu Chi 王厚之 với Hán – Tấn ấn chương đồ phổ - 晋印章图谱, mỗi loại 1 quyển, Nhạc Hà 岳河 với Trình Sử - Cổ trủng phù vu kí 程史 - 古冢桴盂记, những bộ sách này chuyên nghiên cứu khí vật cổ đại, những học vấn này từ đời Tống trở về trước chưa từng được chú ý.
          Thành tích chủ yếu về phương diện khảo cổ kim thạch của các học giả thời Tống là:
          - Thứ 1: Chăm chỉ cần mẫn thu thập văn vật cổ đại, khiến những trân ngoạn kì khí vốn có trước đó trở thành đối tượng nghiên cứu học thuật, mở đường cho việc khai thác nghiên cứu Hán học ở đời Thanh.
          - Thứ 2: Sáng tạo ra văn tự truyền thác và phương pháp hoạ chế đồ hình. Dựa vào thác bản khắc lên đá để được trường cửu. Dùng hoạ đồ miêu tả hình trạng thể chế của mỗi khí vật, đồng thời nói rõ thước tấc, trọng lượng, địa điểm phát hiện, người thu thập lưu giữ, khoản thức viết thành văn tự.
          - Thứ 3: Khẳng định danh xưng của khí vật cổ đại. Như chung , đỉnh , cách , nghiễn , đôn , tôn , hồ .v.v… là những danh xưng mà được khắc trên cổ khí, người thời Tống nhân đó mà định danh.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 17/4/2014

Nguyên tác Trung Văn
KIM THẠCH HỌC, KHẢO CỔ HỌC
金石学, 考古学
Trong quyển
TỐNG NGUYÊN VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
宋元文化大观
Chủ biên: Lí Thiếu Lâm 李少林
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2006
Previous Post Next Post