Dịch thuật: Văn võ cùng với diễn biến của thể dục

VĂN, VÕ CÙNG VỚI DIỄN BIẾN CỦA THỂ DỤC

          Thời đại Ân Thương và Tây Chu là thời đại của “võ sĩ” 武士, võ sĩ thuộc hạ tầng quý tộc, chiếm hữu đất đai và nông nô, họ chủ yếu được giáo dục “lục nghệ” 六艺, việc giáo dục này kết hợp văn võ trong đó lấy võ làm chính. Võ sĩ thời bình thống ngự bình dân, thời chiến cầm can qua bảo vệ xã tắc. Võ sĩ cũng được gọi là “quốc sĩ” 国士, có lúc còn gánh vác nhiệm vụ làm cấm vệ quân bảo vệ vương cung. Thời chiến, giáp sĩ trên chiến xa cũng chủ yếu là võ sĩ. Thời cổ, xạ và ngự là 2 môn học cơ bản mà võ sĩ cần phải học. Đến thời Chiến Quốc, tính chất của “sĩ” bắt đầu phát sinh chuyển hoá, “sĩ” của giai tầng quý tộc đi đến chỗ sa sút, một số lớn “sĩ” của giới bình dân nổi lên. “Sĩ” xuất thân bình dân chủ yếu dựa vào sự tu dưỡng học thức của bản thân mình, bôn tẩu khắp nơi, du thuyết các nước để cầu công danh phú quý. Dưới sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ của xã hội, hình thế chiến tranh liên miên, kẻ thống trị của các nước đã “lấy lễ đãi người hiền, tôn kính kẻ sĩ”, chiêu mộ nhân tài, vừa cần những “vũ phu” giỏi việc chiến chinh, lại cần những kẻ sĩ giỏi về chính trị kinh tế. Để thích ứng với nhu cầu này của xã hội, nhân tài lí tưởng cần phải kiêm cả văn lẫn võ, cho nên Khổng Tử 孔子 đề xuất lí tưởng “thành nhân” 成人 gồm đủ các phương diện đức, tài, văn, võ. Nhưng theo sự phát triển của xã hội, trong tình hình tri thức kĩ năng của nhân loại ngày càng rộng, sự phân công xã hội ngày càng tinh tế, kẻ sĩ căn cứ vào sở trường điều kiện của mình, hoặc thiên về văn, hoặc chuyên về võ để cầu bổng lộc, làm quan làm tướng. Lúc ban đầu “văn võ phân đồ” 文武分途 (văn võ phân làm hai đường), không ít kẻ sĩ tài kiêm văn võ, như Khổng Tử và các học trò Tử Lộ 子路, Nhiễm Hữu 冉有, Phàn Trì 樊迟 , và sau có Mặc Tử 墨子. Nhưng thời đại Xuân Thu Chiến Quốc, chỉ có phát sinh “văn võ phân đồ” mà chưa có tư tưởng “trọng văn khinh võ”.
          Thời đại Chiến Quốc, xuất hiện không ít những võ sĩ hiệp khách nổi tiếng, như Nhiếp Chính 聂正, Kinh Kha 荆轲. Kẻ sĩ hiệp khách giảng dạy và học tập võ thuật đã thúc đẩy sự phát triển võ thuật, đồng thời sản sinh nhiều võ thuật gia chuyên nghiệp chuyên về kiếm, như trong Trang Tử - Kiếm thuyết 庄子 - 剑说 có nói đến.
          “Văn võ phân đồ” là một tất nhiên trong sự phát triển lịch sử, là một hiện tượng của tiến bộ xã hội. Văn võ chia làm hai đường đối với sự phát triển của thể dục đã có tác dụng tốt đẹp. Những người chuyên theo hoạt động về võ, đã thúc đẩy sự nâng cao và phát triển không ngừng của kĩ thuật võ nghệ, còn những người thiên hoạt động về văn, đương nhiên cũng cảm thấy có nhu cầu vận động thể dục. Thích ứng với nhu cầu này, đã sản sinh những môn vận động vui chơi thích hợp mọi người. Như vậy nội dung của thể dục đã có màu sắc phong phú đa dạng, trình độ kĩ thuật cũng được phát triển và nâng cao. Những người thiên về văn đối với nhu cầu thể dục cũng đã thúc đẩy được việc sản sinh các hạng mục mới như môn “đầu hồ” 投壶 (môn ném thẻ vào bình).

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 13/3/2014

Nguyên tác Trung văn
VĂN VÕ PHÂN ĐỒ DỮ THỂ DỤC ĐÍCH DIỄN BIẾN
文武分途与体育的演变
Trong quyển
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI THỂ DỤC SỬ
中国古代体育史
Chủ biên: Tất Thế Minh 毕世明
Bắc Kinh thể dục học viện xuất bản xã, 1992
Previous Post Next Post