Dịch thuật: Thi nhãn (tiếp theo)

THI NHÃN
(tiếp theo)

          Thi tài không chỉ dùng ở thuyết lí, trữ tình, tự sự mà nó cũng có thể dùng ở nghị luận. Trong bài Truy cảm vãng sự 追感往事, Lục Du 陆游 viết rằng:
Chư công khả thán thiện mưu thân
Ngộ quốc đương thời khởi nhất Tần
Bất vọng Di Ngô xuất Giang Tả
Tân đình đối khấp diệc vô nhân
诸公可叹善谋身
误国当时岂一秦
不望夷吾出江左
新亭对泣亦无人
(Các đại thần than vãn chỉ giỏi mưu tính cho mình
Làm hại đất nước đâu phải chỉ có riêng Tần Cối
Không hi vọng có được người tài như Quản Di ngô ra Giang Tả
Cũng không có những sĩ đại phu tụ họp khóc ở Tân Đình)
          Thi nhân Trương Minh Thiện 张鸣善 đời Nguyên có viết khúc tiểu lệnh Thuỷ tiên tử 水仙子, nhan đề là Cơ thời 讥时:
Phô mi thiêm nhãn tảo tam công
Loả tụ tuyên quyền hưởng vạn chung
Hồ ngôn loạn ngữ thành thời dụng
Đại cương lai đô thị hồng
Thuyết anh hùng thuỳ thị anh hùng?
Ngũ nhãn kê Kì Sơn minh phụng
Lưỡng đầu xà Nam Dương Ngoạ Long
Tam cước miêu Vị thuỷ phi hùng.
铺眉苫眼早三公
裸袖揎拳享万钟
胡言乱语成时用
大刚来都是烘
说英雄谁是英雄
五眼鸡岐山鸣凤
两头蛇南阳卧龙
三脚猫渭水飞熊
(Những kẻ làm ra vẻ lại sớm được lên chức cao
Những phường hung ác, xắn tay áo lại hưởng bổng lộc vạn chung
Những tên ăn nói bậy bạ dối đời lại được thông suốt trong xã hội
Tóm lại tất cả đều là càn bậy dối trá
Luận bàn anh hùng thì ai là anh hùng?
Loại gà trống năm mắt háo đấu lại thành phụng hoàng ở Kì Sơn
Loại rắn hai đầu lại thành rồng nằm ở Nam Dương
Loại mèo ba chân cũng được tôn là gấu bay nơi sông Vị)
          Hai bài này đều là nghị luận thời sự. Bài đầu thi nhân nhớ lại tiểu triều đình Nam Tống bắt đầu gầy dựng, các đại thần đều mưu tính cho mình, chỉ biết an phận nhất thời, cho nên nói làm hại đất nước đâu phải chỉ có riêng Tần Cối. Lúc bấy giờ không những không hi vọng tìm được người tài giỏi như Quản Trọng, mà ngay cả như đám sĩ phu Đông Tấn khi tụ họp ở Tân Đình đau khóc cho giang sơn cũng không có, chỉ là một bọn sống mơ màng như người trong mộng “xem Hàng Châu như Biện Châu”. Ở đây thi nhân không chỉ nhớ lại chuyện cũ lúc mới dời xuống phương nam, mà còn chỉ trích kẻ nắm quyền theo phái chủ hoà lúc bấy giờ.
          Bài thứ hai Nguyên khúc tiểu lệnh cũng châm biếm hiện thực. Tình hình của hiện thực là: những kẻ thế lớn át người làm ra vẻ, dối đời trộm danh lại sớm có được quan cao lộc hậu. Đem những anh hùng mà trong lịch sử sớm đã định luận ra để nói, người nào là anh hùng chân chính? Những kẻ được coi là Chu Văn Vương 周文王 có được phụng hoàng kêu nơi Kì Sơn, chẳng qua chỉ là loại gà trống háo đấu; những kẻ được coi là Nam Dương Ngoạ Long Chư Cát Lượng cũng chỉ là loại rắn hai đầu; những kẻ xưng là Khương Tử Nha gấu bay nơi sông Vị cũng chỉ là loại mèo ba chân chuyên làm hỏng sự.
          Hai bài thơ trên (khúc là thể tài của thơ theo nghĩa rộng) đều chỉ trích hiện thực, có điều chỗ khác nhau đó là bài trên chỉ trích thẳng, bài dưới là phản phúng, phúng thích hiện thực hiền ngu điên đảo, đen trắng lẫn lộn. Hình thức biểu đạt mặc dù khác nhau, nhưng thi nhân đều lầy lòng căm ghét mà bày tỏ.
          Với những điều trình bày ở trên, bất luận là dùng ở trữ tình, tự sự, thuyết lí, nghị luận, phàm là những đề tài mà được trái tim hồng thắm tương thông với đời thương dân, yêu vật, lo đời, ghét thời của thi nhân thắp lên ngọn lửa cảm tình rực cháy, đều là thi tài. Điều này tuệ nhãn của thi nhân cần phải nắm bắt.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 30/3/2014

Nguyên tác Trung văn
THI NHÃN
诗眼
Trong quyển
TRUNG QUỐC TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ
中国传统文化
Chủ biên: Trương Khởi Chi 张岂之
Cao đẳng giáo dục xuất bản xã
Previous Post Next Post