Dịch thuật: Khu vực cung điện Thái thượng hoàng ...

KHU VỰC CUNG ĐIỆN THÁI THƯỢNG HOÀNG TRIỀU THANH
NINH THỌ TOÀN CUNG

          Ở đông bắc của Tử Cấm Thành 紫禁城, phía bắc Hiệt Phương điện 撷芳殿 có một khu vực cung điện với quy hoạch thống nhất, kết cấu nghiêm mật tự thành hệ thống, đó chính là cung điện Thái thượng hoàng, Hoàng đế Càn Long 乾龙 sau khi bước qua tuổi 60 đã cho tu kiến, gọi là Ninh Thọ Toàn cung 宁寿全宫.
          Khu vực này vào đời Minh là Nhân Thọ điện 仁寿殿 và Uyết Loan cung 哕鸾宫 nơi ở của Thái hoàng thái hậu, Hoàng thái hậu, Thái phi. Năm Khang Hi 康熙 thứ 28, Ninh Thọ cung 宁寿宫 được xây dựng trên nền cũ này, Hoàng hậu của Thuận Trị 顺治 là Hiếu Huệ Chương 孝惠章 cư trú ở nơi này, các Thái phi, Thái tần khác cũng theo ở. Năm Càn Long thứ 37 quyết định lấy nơi này làm nơi ở của mình sau khi thoái vị, theo quy chế tiền triều hậu tẩm tiến hành trùng tu đại quy mô, nâng cao đẳng cấp kiến trúc. Nhưng sau khi Càn Long nhường ngôi, mượn danh nghĩa “quy chính nhưng huấn chính” 归政仍训政 (giao chính quyền nhưng trên thực tế vẫn nắm chính quyền) cư trú tại Dưỡng Tâm điện 养心殿 mãi cho đến khi qua đời. Hiện nay bố cục kiến trúc nơi đây vẫn giữ được nguyên trạng của thời Càn Long.
          Hoàng Cực điện 皇极殿 toạ lạc ở một nửa phía trước và Ninh Thọ cung là 2 kiến trúc chủ thể của khu vực cung điện này. Thời Càn Long, Hoàng Cực điện được sửa lại có hình thức mô phỏng Thái Hoà điện 太和殿 đẳng cấp cao nhất trong kiến trúc. Nơi đây là nơi Thái thượng hoàng tiếp nhận quần thần triều hạ. Ninh Thọ cung ở phía sau được xây dựng mô phỏng theo Khôn Ninh cung 坤宁宫, gian phía tây đặt nồi lớn nấu thức cúng lúc tế Thần, là nơi chuyên để tế tự. Thú vị hơn là Ninh Thọ cung ở sau Hoàng Cực điện, nhưng trên cung môn ở trước Hoàng Cực điện lại treo tấm biển “Ninh Thọ môn” 宁寿门, đây có thể xem là  trường hợp duy nhất trong kiến trúc cung điện ở Tử Cấm Thành. Nguyên là khi Khang Hi xây dựng Ninh Thọ cung, đã theo theo thứ tự đặt tên là Ninh Thọ môn đến Ninh Thọ cung rồi đến các điện ở sau Ninh Thọ cung, nhưng khi Càn Long cho tu sửa lại, do bởi nhu cầu đã đem Ninh Thọ cung đổi tên là Hoàng Cực điện, đem tấm biển “Ninh Thọ cung” dời sang hậu điện. Riêng Ninh Thọ môn sau khi tu sửa vẫn giữ nguyên tên để biểu thị lòng tôn kính của Càn Long đối với tổ phụ. Ngoài ra, trên tường vây phía trước còn giữ lại 3 cửa hình vòm cuốn, trên cửa vòm cuốn trang sức ngói lưu li, đem cửa này đặt tên là Hoàng Cực môn. Trước  đại điện kiến tạo 2 loại cung môn hình thức khác nhau này, thực tại là bất đắc dĩ, nhưng về khách quan lại làm nổi bật sự tôn nghiêm và đẳng cấp đặc thù của Thái thượng hoàng.
          Bộ phận nửa sau của khu vực cung điện là nơi Hoàng đế cùng cung quyến sinh hoạt và vui chơi, mô phỏng theo bố cục nội đình Tử Cấm Thành phân làm tây lộ, trung lộ và đông lộ. Tây lộ là hoa viên của Ninh Thọ cung, tục gọi là “Càn Long hoa viên” 乾隆花园.
          Phía nam trung lộ là Dưỡng Tính điện 养性殿, được tu sửa phỏng theo Dưỡng Tâm điện, chính giữa điện đặt bảo toạ. Đông Noãn các 东暖阁 treo tấm biển “Minh song” 明窗, phía sau là Tuỳ An thất 随安室. Tây Noãn các 西暖阁 là Mặc Vân thất 墨云室, nhân vì nơi đây lưu giữ bút tích của Lí Diên Khuê 李延珪 nên có tên như thế. Sau Mặc Vân thất là Trường Xuân thư ốc 长春书屋 và Hương Tuyết đường 香雪堂. Cuồi đời Thanh, Hoàng đế Quang Tự 光绪 từng sống, đồng thời tiếp kiến Công quốc sứ cùng phu nhân các nước ở đây.
          Sau Dưỡng Tính điện là Lạc Thọ đường 乐寿堂. Sau khi Càn Long chuyển giao ngôi vị định sống ở đây. Thời Quang Tự nơi đây là nơi ở của Từ Hi Thái Hậu 慈禧太后, lúc bấy giờ tẩm thất của bà ở Tây Noãn các. Chính giữa đường đặt bảo toạ dùng để tiếp nhận thỉnh an. Trong Lạc Thọ đường còn có vò ngọc thanh ngọc vân long 青玉云龙 và khối đá giả núi Đan Đài xuân hiểu 丹台春晓chạm khắc rất tinh xảo, mỗi thứ nặng đến mấy nghìn cân, được đặt tại đây vào năm Càn Long thứ 45, vốn lấy ý “trí giả nhạo thuỷ, nhân giả nhạo sơn” 智者乐水, 仁者乐山 (1), về sau căn cứ vào “Phúc như Đông hải, thọ tỉ Nam sơn” 福如东海, 寿比南山 lại gọi chúng là “thọ sơn” và “phúc hải”.
          Sau Lạc Thọ đường là Di Hoà hiên 颐和轩 và Cảnh Kì các 景祺阁. Phía bắc Cảnh Kì các có một gian nhà nhỏ, đây là nơi Từ Hi giam Trân Phi 珍妃. Bên cạnh có một cái giếng, là nơi Trân Phi tuẫn nạn cho nên gọi là “Trân Phi tỉnh” 珍妃井 (giếng Trân Phi).
          Tận cùng phía nam của đông lộ là Sướng Âm các 畅音阁 là sân khấu lớn nhất trong Tử Cấm Thành. Phía bắc đối diện với nó là Duyệt Thị lâu 阅是楼, phía bắc lâu là Cảnh Phúc cung 景福宫, được xây dựng từ thời Khang Hi. Năm Càn Long thứ 49, nhân vì có được huyền tôn, ngũ thế đồng đường, Càn Long vô cùng vui mừng, đem điện này đặt tên là “Ngũ phúc ngũ đại đường” 五福五代堂, để kỉ niệm sự việc trước giờ chưa từng có. Sau Cảnh Phúc cung là Phạm Hoa lâu 梵华楼 và Phật Nhật lâu 佛日楼, đều là nơi thờ Phật trọng yếu trong cung.
          Được xem là khu vực cung điện của Thái thượng hoàng, Ninh Thọ Toàn cung tuy không chính thức được khởi dụng, nhưng quy mô kiến trúc to lớn cùng đẳng cấp cao đủ để chứng minh địa vị trọng yếu của nó trong Tử Cấm Thành.
  
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)-                              Trí giả nhạo thuỷ, nhân giả nhạo sơn
智者乐水, 仁者乐山
(Người trí yêu thích nước, người nhân yêu thích núi)
Câu này ở thiên Ung dã 雍也 trong Luận ngữ 论语.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 15/3/2014

Nguyên tác Trung văn
THÁI THƯỢNG HOÀNG CUNG ĐIỆN KHU
NINH THỌ TOÀN CUNG
太上皇宫殿区
宁寿全宫
Tác giả: Quách Phúc Tường 郭福祥
Trong quyển
TỬ CẤM CHI ĐIÊN LƯỢC ẢNH
紫禁之巅掠影
Chủ biên: Thôi Trắc 崔陟
Bắc Kinh, Trung Hoa văn sử xuất bản xã, 2006
Previous Post Next Post