Dịch thuật: Văn hoá và tôn giáo thời Tây Chu

VĂN HOÁ VÀ TÔN GIÁO THỜI TÂY CHU

          Nói đến sự phát triển văn hoá thời Tây Chu, điều khiến người ta nghĩ tới đầu tiên là đó là “Chu lễ” 周礼 của Chu Công 周公. Dã tâm chính trị của Chu Công cũng biểu hiện ở phương diện văn hoá. Đối với thành tựu văn hoá của Chu Công, Khổng Tử từng ca tụng, cho rằng có việc chế định Chu lễ mới khiến người Chu tiến vào xã hội văn minh. Gọi là văn minh, chí ít là nói con người, đặc biệt là thượng tầng xã hội, các phương diện đều tuần tự dựa theo quy củ. Về phương diện này, Chu lễ rất có cống hiến. Theo Chu lễ, các loại người trong xã hội đều phải tuân theo “quy” nhất định. Về phương diện chính trị kinh tế, lớn như việc đăng cơ tuần thị của thiên tử, nhỏ như bố cáo của các cấp chính quyền đều phải có quy tắc cụ thể. Về phương diện sinh hoạt xã hội, từ hôn lễ tang táng đến việc tương giao qua lại thường ngày cũng đều có quy định rõ ràng. Có lẽ chính nhờ những yêu cầu của mấy phương diện này mới thúc đẩy văn tự và văn học Tây Chu phát triển. Văn tự Tây Chu mà chúng ta thấy ngày nay chủ yếu là kim văn 金文 được khắc trên chung đỉnh (chung đỉnh văn 钟鼎文). Bất luận về số lượng hoặc kĩ pháp viết, nó đều vượt qua giáp cốt văn 甲骨文 thời Ân. Về phương diện văn học, ghi chép chủ yếu nhất là thơ ca thời kì Tây Chu được bảo lưu ở Chu tụng 周颂Đại nhã 大雅 trong Thi kinh 诗经, chúng tập trung phản ánh tư tưởng tôn giáo và khía cạnh sinh hoạt của xã hội thượng tầng thời kì này, có lúc cũng bộc lộ những tư tưởng và cảm khái của một số người, thể hiện tác dụng nhiều mặt của tác phẩm văn học. Còn một số văn kiện của thời kì này được bảo tồn trong Thượng thư 尚书 là biểu hiện văn hoá quan phương, so với Thi kinh, điều thiếu sót của nó là đặc điểm bình dị gần gũi với mọi người. Theo sự suy đoán của người đời sau, trong thời gian Chu Văn Vương bị Trụ Vương giam cầm đã từng đem 8 quẻ trong Dịch kinh 易经 diễn dịch thành 64 quẻ, điều này đã sản sinh ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với văn hoá chiêm bốc của Trung Quốc.
          Sự sùng bái đối với quỷ thần, lực lượng bất khả tri, người Chu tuy không bằng người Ân, nhưng lại kế thừa người Ân nhiều quan niệm và cách làm ở những phương diện này, hơn nữa hoạt động ở phương diện này vẫn chiếm một địa vị quan trọng ở những mặt như chính trị kinh tế và sinh hoạt xã hội. Tế tự của người Chu, cấp cao nhất là tế Giao, tức tế Thượng Đế, ngoài ra còn có tế tổ tiên và bách thần. Nước có thần tổ tiên của nước, tộc có thần tổ tiên của tộc. Còn sơn xuyên bách thảo cũng đều có thần linh của riêng mình. Rõ ràng nhiều hoạt động tế lễ như vậy, phải là người chuyên môn phụ trách mới có thể tiến hành một cách trật tự. Ví dụ như: Thái chúc 太祝 phụ trách việc hướng đến thần linh trí từ, Thái tông 太宗 phụ trách quản lí tông miếu, Bốc chính 卜正 phụ trách chiêm bốc cát hung, Thái sử 太史 phụ trách ghi chép và những công việc có liên quan đến tư liệu. Còn trong dân gian còn có vu hích 巫觋, chuyên đối phó với thần quái cấp thấp không rõ lai lịch, giải quyết những yêu cầu cá nhân không chính thống lắm của mọi người. Sự thực, sinh hoạt tôn giáo là phương diện cá  nhân trong cuộc sống văn hoá của con người. Ví dụ như nói, do bởi người Chu coi trọng tế tự nên mới lưu giữ được minh văn quý báu ở những chung đỉnh. Nhưng, theo những thủ đoạn mà con người đối với thế giới khách quan và sự nâng cao năng lực nhận thức, sự sùng tín của người Chu hoàn toàn khác với người Ân. Người Chu có lúc cũng có những bực tức đối với thần linh, đây chính là dự báo cho một thời đại nghi thần và vô thần sẽ đến.

                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                    Quy Nhơn 27/02/2014

Nguyên tác Trung văn
TÂY CHU THỜI KÌ ĐÍCH VĂN HOÁ DỮ TÔNG GIÁO
西周时期的文化与宗教
Trong quyển
ĐỒ VĂN TRUNG QUỐC THÔNG SỬ
图文中国通史
(tập Sử tiền sử - Chiến quốc)
Chủ biên: Triệu Hướng Tiêu 赵向标
Tân Cương nhân dân xuất bản xã, 2002.
Previous Post Next Post