Dịch thuật: Tam sảnh lục bộ đời Đường

TAM SẢNH LỤC BỘ ĐỜI ĐƯỜNG

          Nhà Đường theo chế độ nhà Tuỳ, Trung thư sảnh 中书省, Môn hạ sảnh 门下省 cũng vậy, là cơ quan chính vụ tối cao của quốc gia, phân biệt phụ trách quyết sách, thẩm nghị và chấp hành chính vụ quốc gia, đồng thời đem các tào vốn của Thượng thư sảnh 尚书省 chính thức xác định làm 6 bộ: Lại , Hộ , Lễ , Binh , Hình , Công . Dưới Bộ có Ti , thủ trưởng của Bộ gọi là Thượng thư 尚书, Phó thủ trưởng gọi là Thị lang 侍郎. Người phụ trách chính phó các ti gọi là Lang trung 郎中 và Viên ngoại lang 员外郎.
          Việc xác lập chế độ lục bộ và tam sảnh đời Đường là kết quả của sự biến hoá không ngừng về quan chế trung ương nhà nước phong kiến từ thời Tần Hán trở đi. Tổ chức của nó tương đối hoàn bị, phân công tương đối rõ ràng, là tiêu chí của sự phát triển xã hội phong kiến đến giai đoạn thành thục. Những tổ chức này kéo dài cho đến đời Thanh, về cơ bản không thay đổi. Nhưng có một điểm khác với đời Minh Thanh, Thượng thư sảnh đời Đường có một tổng cơ quan, tên gọi “Đô sảnh” 都省, trong Đô sảnh lấy Tả Hữu thừa 左右丞 cùng Tả Hữu ti Lang trung 左有司郎中, Viên ngoại lang 员外郎 chia ra quản lí Tả tam bộ là Lại, Hộ, Lễ và Hữu tam bộ là Binh, Hình, Công. Tả Hữu thừa ở vào địa vị giám đốc hành chính, còn Tả Hữu ti kiêm có tính chất quản lí tổng vụ.
          Trong Trung thư sảnh, Môn hạ sảnh, Thượng thư sảnh đời Đường, Trung thư sảnh và Môn hạ sảnh có quan hệ mật thiết nhất, cả hai hợp xưng là “Lưỡng sảnh” 两省 hoặc “Bắc sảnh” 北省 (Thượng thư sảnh gọi là “Nam sảnh”), trưởng quan là Trung thư lệnh, Thị trung, thời Khai Nguyên 开元 đều là Chánh tam phẩm. Trung thư sảnh và Môn hạ sảnh cùng nắm giữ quân quốc chính yếu, Trung thư sảnh giữ chế lệnh quyết sách, Môn hạ sảnh giữ phong bác thẩm nghị. Phàm những việc chính sự trọng yếu đều do Trung thư sảnh dự tính và ra quyết sách trước, đồng thời thảo chiếu sắc, rồi giao cho Môn hạ sảnh thẩm nghị và phúc tấu, sau đó giao cho Thượng thư sảnh ban phát chấp hành. Nếu những chiếu sắc do Trung thư sảnh khởi thảo có vấn đề, Môn hạ sảnh sẽ niêm phong gởi trả để làm lại. Phàm tấu chương của các Bộ, Tự, Giám trung ương cùng các ban ngành địa phương dâng lên, nếu là quan trọng phải thông qua Thượng thư sảnh giao Môn hạ sảnh thẩm nghị, sau khi đồng ý mới giao cho Trung thư sảnh trình lên Hoàng đế xin phê duyệt hoặc phê đáp. Nếu Môn hạ sảnh cho rằng phê đáp chưa thoả đáng cũng có thể niêm phong gởi lại để sửa. Đường Thái Tông rất coi trọng tác dụng phát huy của Trung thư sảnh và Môn hạ sảnh trong cơ cấu chính vụ trung ương, ông cũng đã từng nhiều lần gọi Trung thư Môn hạ là “cơ yếu chi tư” 机要之司.
          Trung thư sảnh lập Trung thư lệnh 2 người, Chánh nhị phẩm (thời Đại Tông trở về trước là Chánh tam phẩm). Năm Long Sóc 龙朔 thứ 1 đời Đường Cao Tông đổi Trung thư sảnh làm Tây đài 西台, Trung thư lệnh gọi là Hữu tướng 右相. Năm Khai Nguyên 开元thứ 1 lại đổi Trung thư sảnh làm Tử Vi sảnh 紫微省, Trung thư lệnh gọi là Tử Vi lệnh. Sau lấy lại tên cũ. Trung thư lệnh là vị quan đứng đầu một tỉnh.
          Môn hạ sảnh lập Thị trung 2 người làm sảnh trưởng, Chánh nhị phẩm (thời Đại Tông trở về trước là Chánh tam phẩm). Năm Long Sóc 龙朔 thứ 2 đời Đường Cao Tông đổi Môn hạ sảnh làm Đông đài 东台, năm Khai Nguyên 开元 thứ 1 đổi gọi là Hoàng môn sảnh 黄门省, Thị trung gọi là Giám , năm Thiên Bảo 天宝 thứ 1 đổi gọi là Tả tướng 左相. Ngoài ra, Môn hạ sảnh còn lập Lục sự 录事 4 người, Tòng thất phẩm trở lên; Chủ sự 主事 4 người, Tòng bát phẩm trở xuồng; Tả bổ khuyết 左补阙 6 người, Tòng thất phẩm trở lên; Tả thập di 左拾遗 6 người, Tòng bát phẩm trở lên; Điển nghi 典仪 2 người, Tòng cửu phẩm trở xuống, nắm giữ việc tán xướng cùng thứ tự chỗ đứng của các quan trong điện; Thành môn lang 城门郎 4 người, Tòng lục phẩm trở lên, coi giữ việc đóng mở các cửa cung điện, hoàng thành và kinh thành. Phù bảo lang 符宝郎 4 người, Tòng lục phẩm trở lên, coi giữ bát bảo 八宝 (1) của Hoàng đế và phù tiết nhà nước, khi có đại triều hội thì đem dâng lên ngự toạ, khi Thiên tử xuất hành thì bưng theo.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- BÁT BẢO 八宝: từ gọi chung 8 loại ấn tỉ của Hoàng đế. Trong Đường luật – Trá nguỵ 唐律 - 诈伪 có ghi:
Chư nguỵ tạo Hoàng đế bát bảo giả trảm
诸伪造皇帝八宝者斩
(Những ai nguỵ tạo bát bảo của Hoàng đế thì chém)
          Trưởng Tôn Vô Kị 长孙无忌 sớ rằng:
          Hoàng đế hữu Truyền quốc Thần bảo, hữu Thụ mệnh bảo, Hoàng đế tam bảo, Thiên tử tam bảo, thị danh bát bảo.
          皇帝有传国神宝, 有受命宝, 皇帝三宝, 天子三宝, 是名八宝
         (Hoàng đế có Truyền quốc Thần bảo, Thụ mệnh bảo, Hoàng đế tam bảo và Thiên tử tam bảo, đó là bát bảo)
          Nguồn http://www.zdic.net/c/b/3/5658.htm

                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 27/01/2014

Nguyên tác Trung văn
TAM SẢNH LỤC BỘ
三省六部
Trong quyển
ĐƯỜNG ĐẠI VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
唐代文化大观
Chủ biên: Lí Thiếu Lâm 李少林
Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post