Dịch thuật: Thập vật (kì 3)

THẬP VẬT
(Kì 3)

          Thời cổ, gọi đũa là “trứ” (trợ) , nhưng thời Tiên Tần khi ăn cơm thường không dùng đũa. Trong Lễ kí – Khúc lễ thượng 禮記 - 曲禮上 có câu:
Vô đoàn phạn
毋摶飯
(Chớ có vò cơm)
Ý nói là không nên dùng tay vò cơm lại thành nắm để ăn, có thể thấy lúc bấy giờ là dùng tay để ăn cơm. Nhưng trong một số tình huống nhất định thì dùng đũa. Cũng trong Lễ kí – Khúc lễ thượng 禮記 - 曲禮上 có câu:
Canh chi hữu thái giả dụng giáp
羹之有菜者用梜
(Canh có rau thì dùng đũa)
Họ Khổng đã sớ rằng:
Dĩ kì thái giao hoành, phi giáp bất khả
以其菜交橫非梜不可
(Vì rau nằm ngang dọc lẫn lộn, không dùng đũa không được)
          “Giáp” chính là một loại đũa. Khoảng đến thời Hán đũa mới dùng phổ biến. Trong Hán thư – Trương Lương truyện 漢書 - 張良傳 có ghi:
Thỉnh tá tiền trợ dĩ trù chi
請借前箸以籌之
(Xin được mượn đũa để trù tính)
          Dụng cụ đựng rượu thời cổ có “tôn” , “quang” , “lôi” , “hồ” ..
Trong Thi kinh – Chu Nam – Quyển nhĩ 詩經 - 周南 - 卷耳 có những câu như:
Ngã cô chước bỉ kim lôi
我姑酌彼金罍
(Ta rót rượu ở chiếc lôi vàng kia)
Ngã cô chước bỉ tự quang
我姑妁彼兕觥
(Ta rót rượu vào chén bằng sừng con tự kia)
Đó là những đồ dùng để đựng rượu. “Quang” , đồng thời cũng là đồ dùng để uống rượu, cho nên trong Thi kinh – Bân phong – Thất nguyệt 詩經 - 豳風 - 七月 có câu:
Xưng bỉ tự quang
Vạn thọ vô cương
稱彼兕觥
萬壽無疆
(Dâng chén rượu bằng sừng con tự lên
Chúc vua sống thọ vô tận)
          “Lôi” , “hồ” ngoài đựng rượu ra cũng còn dùng để đựng nước nữa. Người xưa dùng cái gáo để múc rượu, múc nước.  Múc gọi là “ấp” , múc xong rót vào đồ dùng để uống gọi là “chú” . Cho nên trong Thi kinh – Tiểu nhã – Đại đông 詩經 - 小雅 - 大東 có câu:
Bất khả dĩ ấp tửu tương
不可以挹酒漿
(Không thể múc rượu được)
          Trong Thi kinh – Đại nhã – Huýnh chước 詩經大雅泂酌:
Ấp bỉ chú tư
挹彼注玆
(Múc ở cái này rót vào cái kia)
          “Tước” là từ thông xưng đồ dùng để uống rượu thời cổ. Nhưng khi là chuyên danh, “tước” là loại dùng để hâm rượu, nó có 3 chân, phía dưới có thể đốt lửa. Đồ dùng để uống rượu thời cổ là “cô” (bính âm: gu với thanh 1) và “chí” (bính âm: zhì), “chí” tương đối nhẹ, nhỏ, cho nên người xưa nói “dương chí” 揚觶 (nâng chén). Từ sau thời Chiến Quốc mới xuất hiện loại “bôi” () có hình tròn, hai bên có quai cong, người đời sau gọi đó là “nhĩ bôi” 耳杯, cũng còn gọi là “vũ thương” 羽觴 (1). “Bôi” có thể dùng để uống rượu, cũng có thể dùng để đựng canh. Trong Sử kí – Hạng Vũ bản kỉ 史記 - 項羽 - 本紀 có câu:
Tất dục phanh nhi ông, hạnh phân ngã nhất bôi canh
必欲烹而翁, 幸分我一杯羹
((Cha ta cũng là cha ngươi), nếu muốn nấu cha ngươi thì chia cho ta một bát canh với)
Chất liệu của “bôi” có loại bằng ngọc, bằng bạc, bằng đồng, bằng gỗ cây sơn, đời Hán rất lưu hành.
Trong các sách cổ thường thấy “bàn di” () (bính âm: yí) đi chung với nhau, cả hai đều là dụng cụ dùng để rửa. “Di” giống trái bầu, có cán, có chân, có nắp. Trong Tả truyện – Hi Công nhị thập tam niên 左傳 - 僖公二十三年 có ghi Hoài Doanh 懷嬴 “phụng di ốc quán” 奉匜沃盥 (bưng chậu nước rửa) cho công tử Trùng Nhĩ 重耳, có thể thấy “di” là loại dùng để rửa tay. Thời cổ khi tế tự hoặc yến tiệc có nghi thức rửa tay. Khi dùng “di” đựng nước để rửa, phía dưới dùng “bàn” để hứng nước, cho nên trong Thuyết văn 說文 nói “bàn” là “thừa bàn” 承槃. Thời cổ “bàn” lại được dùng trong việc ăn uống. Trong Tả truyện – Hi Công nhị thập tam niên左傳 - 僖公二十三年 có nói đến “nãi quỹ bàn san” 乃饋盤飱 (bèn sửa soạn mâm cơm); trong Sử kí – Hoạt kê liệt truyện 史記 - 滑稽列傳 có nói đến “bôi bàn lang tịch” 杯盤狼藉 (chén mâm bừa bãi) (2), nhưng chưa phải là loại “bàn” 盤 hiện đại. “Bàn” hiện đại sau khi đồ sứ phát đạt mới xuất hiện.
Những loại dùng cụ dùng trong ăn uống nói trên, đại đa số là giới quý tộc hưởng dụng, dân thường chỉ dùng “lịch” , “bồn” , “vu” , “quán” 罐 làm bằng sành mà thôi.

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Trong Hán thư – Ngoại thích truyện 漢書 - 外戚傳, Nhan Sư Cổ 顏師古 khi chú đã dẫn lời của Mạnh Khang 孟康 rằng:
Vũ thương, tước dã, tác sinh tước hình, hữu đầu vĩ vũ dực
羽觴, 爵也, 作生爵形, 有頭尾羽翼
(Vũ thương là cái tước, làm giống chim tước, có đầu, đuôi, cánh)
(2)- Theo Quế Phức 桂馥.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
- Trứ (trợ) : cái đũa, cùng nghĩa với chữ “khoái”
- Tôn : cái chén
- Quang : cái chén uống rượu bằng sừng trâu
- Lôi : cái chén uống rượu. Chén ngoài có vẽ hình mây sấm nên gọi là lôi
- Hồ : cái hồ, cũng như cái nậm
- Tước : cái chén rót rượu
- Cô : cái bình đựng rượu có cạnh
- Chí : cái vò đựng rượu (làm bằng gỗ)
- Bôi : cái chén
- Bàn : cái mâm, cái chậu tắm rửa
- Di : đồ rửa mặt đời xưa. Cũng đọc là “dị”
- Lịch : một thứ đồ ngày xưa giống như cái đỉnh
- Bồn : cái bồn, cái chậu sành
- Vu : cái chén
- Quán : cái lọ nhỏ (như lọ đựng chè)
            (Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu)

                                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 06/12/2013

Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 3)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.
Previous Post Next Post