Dịch thuật: Hán phú và nhạc phủ

HÁN PHÚ VÀ NHẠC PHỦ

          Triều Hán là vương triều phong kiến hùng mạnh thống nhất toàn quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ngoài sự phát triển về phương diện chính trị kinh tế ra, về văn học cũng có thành tựu rất lớn. Hán phú 汉赋 và nhạc phủ 乐府 là đại biểu điển hình của văn học đời Hán.
          Sau khi triều Hán kiến lập, một số văn nhân làm phú ca tụng công đức của đế vương. Thể loại Hán phú theo đó mà sinh ra. Nó từ cổ thi, Sở từ phát triển mà ra, do bởi cần ca công tụng đức, đại đa số Hán phú biểu hiện cuộc sống cung đình của đế vương, từ ngữ trau chuốt hoa lệ, chú trọng nghệ thuật tu từ, đối trượng nghiêm chỉnh. Lúc biểu hiện cuộc sống của giai cấp thống trị đồng thời cũng bộc lộ sự kiêu xa dâm dật của giới thống trị. Ngoài ra còn có một số tác phẩm biểu hiện sự hùng tráng mĩ lệ của sông núi tự nhiên.
          Trong quá trình phát triển của Hán phú đã xuất hiện một số Hán phú gia kiệt xuất, Giả Nghị 贾谊 là người nổi tiếng nhất thời Hán Văn Đế 汉文帝. Thời thanh niên của ông đã nổi danh vì văn tài xuất chúng. Ông làm quan đến chức Thái trung Đại phu 太中大夫, sau bị biếm làm Trường Sa Vương Thái phó 长沙王太傅. Bài Điếu Khuất Nguyên phú 吊屈原赋 của ông chính là cảm thương mình vì gặp phải kẻ khác gièm siểm mà bị biếm trích. Về sau vì nhiều bệnh tật ông lại làm bài Bằng điểu phú 鹏鸟赋 để tự an ủi. Cả đời ông, tác phẩm được lưu truyền có 7 thiên, khi mất ông mới chỉ 33 tuổi. Một tác gia khác là Mai Thặng 枚乘, tác phẩm đại biểu có Thất phát 七发. Thất phát dùng hình thức vấn đáp giữa Sở Thái tử và Ngô khách, chỉ ra căn bệnh  của Thái tử ở chỗ xa xỉ hoan lạc, bộc lộ sự kiêu xa dâm dật của con em chư hầu. Về nghệ thuật nó phô trần, kết hợp tản văn với vận văn, là tác phẩm đại biểu cho thể phú dần từ quá độ bước sang giai đoạn chín mùi.
          Đến thời Hán Vũ Đế 汉武帝, vương triều Tây Hán phát triển đến cực thịnh, thêm kẻ thống trị đề xướng, Hán phú cũng bắt đầu tiến vào thời kì toàn thịnh, xuất hiện Hán phú danh gia Tư Mã Tương Như 司马相如. Cả đời ông sáng tác 29 thiên phú, trong đó Tử Hư phú 子虚赋, Thượng Lâm phú 上林赋 là hai tác phẩm đại biểu của ông. Hai bài phú này thông qua đối thoại của 3 nhân vật hư cấu là “Tử Hư” 子虚, “Ô Hữu” 乌有, “Vong Thị Công” 亡是公, lấy việc săn bắn của đế vương làm đề tài, cực tả núi sông to lớn, hoàng uyển Thượng Lâm hoa lệ, trong đó văn từ phô trần, phản ánh cảnh sinh hoạt hủ hoá của kẻ thống trị. Để hợp với nguyện vọng cầu tiên của Hán Vũ Đế, ông còn viết Đại nhân phú 大人赋.
          Được xem là một thể loại mới, phú đến thời Hán Vũ Đế cơ bản hình thành, lấy Tử Hư phú 子虚赋, Thượng Lâm phú 上林赋 của Tư Mã Tương Như làm mẫu, văn nhân đời sau nối nhau bắt chước theo, kéo dài cho đến thời Đông Hán.
          Nếu nói phú là văn học miếu đường thì nhạc phủ chính là ca dao. Thời Hán Vũ Đế, “nhạc phủ” 乐府 như là một cơ quan bắt đầu xuất hiện, phụ trách việc chế định nhạc chương dùng trong tế tự, huấn luyện đội nhạc cung đình, đồng thời thị sát dân tình dân phong, thu thập ca dao dân gian. Những thi ca do nhạc phủ biên định gọi chung là “nhạc phủ thi”. Trong đó có một số thi phú của văn nhân sáng tác, nhưng đại bộ phận là thi ca thu thập từ các nơi. Những bài dân ca trải qua sự gia công trở thành những tác phẩm ưu tú nhất trong nhạc phủ thi. Lâu dần, “nhạc phủ” từ danh xưng cơ quan diễn biến thành một thể loại văn học, chủ yếu chỉ một số ca dao dân gian được chỉnh lí, sáng tác của các văn nhân đời sau về hình thức tương cận với những bài ca dao này, cũng được gọi là “nhạc phủ”.
          Dân ca nhạc phủ thông tục dễ hiểu, trong sáng tự nhiên, nó hoặc phản ánh hiện thực cuộc sống, hoặc châm biếm kẻ thống trị, cái mà nó biểu đạt đều là những tình cảm chân thực của quảng đại nhân dân lao động. Trong Hán thư Ban Cố 班固 đã đem đặc điểm này của nhạc phủ thi khái quát thành:
Cảm vu ai lạc, duyên sự nhi phát
感于哀乐, 缘事而发
(Xúc cảm trước những buồn vui, nhân sự việc mà bộc phát ra)
Câu trên đã điểm rõ ma lực đặc biệt mà nhạc phủ khác với các thể loại khác. Nó trực tiếp phản ánh những hỉ nộ ai lạc của cuộc sống hiện thực, biểu đạt những tình cảm chân thật, phản ánh tình hình xã hội đương thời, như bài Thập ngũ tùng quân chinh 十五从军征, biểu hiện một lão binh nơi biên cương, 80 tuổi mới được về lại nhà thì nhà đã tan người đã mất, bài thơ cũng tố cáo cuộc chiến tranh phản động của kẻ thống trị mang lại đau khổ cho dân.

PHỤ LỤC CỦA NGƯỜI DỊCH
THẬP NGŨ TÙNG QUÂN CHINH
Thập ngũ tùng quân chinh
Bát thập thuỷ đắc quy
Đạo phùng hương lí nhân
Gia trung hữu a thuỳ?
Dao khán thị quân gia
Tùng bách trủng luỹ luỹ
Thố tùng cẩu đậu nhập
Trĩ tùng lương thượng phi
Trung đình sinh lữ cốc
Tỉnh thượng sinh lữ quỳ
Thung cốc trì tác phạn
Thái quỳ trì tác canh
Canh phạn nhất thời thục
Bất tri di a thuỳ
Xuất môn đông hướng khán
Lệ lạc triêm ngã y.
十五从军征
十五从军征
八十始得归
道逢乡里人
家中有阿谁
遥看是君家
松柏冢累累
兔从狗窦入
雉从梁上飞
中庭生旅谷
井上生旅葵
舂谷持作饭
采葵持作羹
羹饭一时熟
不知贻阿谁
出门向东看
泪落沾我衣
THẬP NGŨ TÙNG QUÂN CHINH
Mười lăm tuổi đã đi lính
Đến tám mươi tuổi mới được trở về
Trên đường về gặp người làng
Hỏi thăm người nhà mình còn những ai?
 Người ấy nói rằng: nơi xa xa kia là nhà ông
Trong những nấm mồ san sát dưới cây tùng cây bách đều là người nhà của ông
Ông lão về đến nơi, thấy thỏ chạy ra chạy vào từ lỗ chó
Gà rừng cũng bay trên rường nhà
Trong sân mọc đầy lúa hoang
 Bên giếng mọc đầy rau dại
Tuốt lấy lúa hoang giã nấu cơm
Hái lấy rau dại nấu làm canh
Cơm canh đã nấu chín
Trừ mình ra không biết ai để ăn cùng
Ra cửa nhìn về phía đông
Mà nước mắt rơi ướt đầm cả áo.

                                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 14/12/2013

Nguyên tác Trung văn
HÁN PHÚ HOÀ NHẠC PHỦ
汉赋和乐府
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007.
Previous Post Next Post