Dịch thuật: Kính nghiệp và lạc nghiệp

KÍNH NGHIỆP VÀ LẠC NGHIỆP

          Đề mục này của tôi lấy từ câu Kính nghiệp lạc quần 敬業樂群  (1) trong Lễ kí 禮記  (2) và câu An kì cư lạc kì nghiệp 安其居樂其業  (3) trong Lão Tử 老子 (4), đoạn chương thủ nghĩa mà ra. Những gì tôi nói có hợp với Lễ kíLão Tử hay không, bất tất phải truy tìm, nhưng tôi xác tín rằng 4 chữ “kính nghiệp lạc nghiệp” 敬業樂業 là bất nhị pháp môn trong cuộc sống của nhân loại.
          Chủ nhãn của bổn đề đương nhiên là ở chữ “kính” và chữ “lạc”, nhưng trước tiên cần phải có “nghiệp” mới có chủ thể để kính và lạc, lí rất rõ ràng. Cho nên trước khi diễn giảng chính văn phải nói về tính tất yêu phải có nghiệp trước.
          Khổng Tử 孔子 bảo rằng:
Bão thực chung nhật, vô sở dụng tâm, nan hĩ tai (5)
飽食終日, 無所用心, 難矣哉.
Và:
Quần cư chung nhật, ngôn bất cập nghĩa, hiếu hành tiểu tuệ, nan hĩ tai (6).
羣居終日, 言不及義, 好行小慧, 難矣哉.
          Khổng Tử là một vị đại gia về giáo dục, trong mắt ông không có người nào là không thể dạy dỗ, nhưng chỉ riêng với hai loại người trên ông lắc đầu than rằng “Nan! Nan!” Có thể thấy tất cả những khuyết điểm của đời người đều có “thuốc” để chữa trị, duy chỉ có những kẻ lêu lổng rong chơi không có nghề nghiệp, tuy là đại thánh nhân gặp họ cũng không có cách.
          Triều Đường có một vị danh tăng tên là Bách Trượng thiền sư 百丈禪師 (7) ông thường dùng 2 câu cách ngôn để dạy đệ tử:
Nhất nhật bất tố sự, nhất nhật bất ngật phạn.
一日不做事, 一日不吃飯.
(Một ngày không làm việc thì một ngày không ăn cơm)
          Ông mỗi ngày trừ lúc thuyết pháp ra, còn tự mình quét nhà, lau bàn ghế, giặt quần áo, cho đến lúc 80 tuổi, ngày nào cũng đều như thế. Có một lần, môn sinh của ông muốn làm việc thay ông, họ đem những công việc thường ngày mà ông làm âm thầm làm hết, ngày hôm đó vị thiền sư tuyệt đối không chịu ăn cơm.
          Tôi trưng dẫn 2 đoạn của Nho môn và Phật môn không ngoài mục đích chứng minh mọi người đều cần phải có một nghề nghiệp chính đáng, mọi người đều không ngừng lao động. Nếu có người hỏi tôi:
          Trong bách hạnh (8) thì hạnh nào đứng đầu? Với vạn ác thì ác nào xếp  trước?
          Tôi không do dự mà đáp rằng:
Bách hạnh nghiệp vi tiên; vạn ác lãn vi thủ
百行業為先, 萬惡懶為首.
(Trong bách hạnh thì nghiệp là đứng đầu; với vạn ác thì lười là xếp trước)
          Những kẻ lười nhác không có nghề nghiệp luôn là loại sâu mọt trong xã hội, luôn là đạo tặc “chiếm đoạt thành quả lao động của người khác”. Đối với loại người này chúng ta phải triệt để thảo phạt, vạn bất năng dung thứ. Có người nói rằng:
          Tôi không phải không muốn tìm nghề nghiệp, nhưng vì không có cách nào tìm được.
          Tôi bảo rằng: Nghề nghiệp khó tìm là một hiện tượng phổ biến trong thế giới hiện đại, tôi cũng thừa nhận điều đó. Hiện tượng này phải cứu như thế nào lại là một vấn đề khác, hôm nay không thảo luận. Nhưng lấy tình hình hiện tại của Trung Quốc mà bàn, cơ hội tìm nghề nghiệp có nhiều hơn so với các nước khác. Một thanh niên tràn đầy sinh lực, nếu không lười nhác, tôi dám tin rằng anh ta nhất định sẽ có một nghề nghiệp thích hợp. Những gì tôi nói hôm nay là nhắm đến những người hiện tại đã có nghề nghiệp và cả những người đang chuẩn bị cho nghề nghiệp, đó là học sinh. Đối với nghề nghiệp hiện có của mình cần phải có thái độ như thế nào.
          Thứ nhất phải “kính nghiệp”.
Chữ “kính” là pháp môn mà các bậc thánh hiền cổ xưa dạy ta làm người giản dị nhất, nhanh nhất, đáng tiếc là một số người đời sau nói quá tinh vi, khiến trở nên không thực dụng. Chỉ có Chu Tử 朱子 (9) giải thích hay nhất. Ông ta bảo rằng:
Chủ nhất vô thích tiện thị kính (10).
主一無適便是敬
          Dùng ngôn ngữ hiện nay mà giải thích đó là phàm làm một việc gì nên hết lòng vì việc đó, đem tất cả tinh lực tập trung vào, không chút xao nhãng đó chính là kính.
Nghiệp có gì để kính? Tại sao phải kính? Nhân loại một mặt vì cuộc sống mà lao động, mặt khác cũng vì lao động để mà sống. Nhân loại không phải là cái máy mà Thượng Đế đặc biệt chế tạo ra để tiêu hoá bánh mì, đương nhiên mọi người theo địa vị và tài lực của mình nhận định một việc để mà làm. Phàm có thể gọi là một việc, tính chất của nó đều có thể kính.
Làm Đại tổng thống là một việc, làm phu kéo xe cũng là một việc. Danh xưng của sự việc, theo con mắt người đời có cao thấp, nhưng từ học lí mà giải phẩu thì không hề có cao thấp. Chỉ cần người làm Đại tổng thống tin rằng mình có thể làm Đại tổng thống, xem Tổng thống là một việc chính đáng để làm; phu kéo xe tin rằng mình có thể kéo xe, xem kéo xe là một việc chính đáng để làm, chính là cuộc sống hợp lí của đời người, đó gọi là thần thánh của nghề nghiệp. Phàm nghề nghiệp không có nghề nào không là thần thánh, cho nên phàm nghề nghiệp không có nghề nào là không đáng làm. Cho nên đối với các loại nghề nghiệp, chúng ta không có sự phân biệt lựa chọn. Tóm lại, đời người ở đây, chỉ cần ngày ngày lao động, lao động chính là công đức, không lao động là tội ác. Còn như ta phải làm loại công việc nào thì phải xem tài năng của mình như thế nào, hoàn cảnh của mình như thế nào. Theo tài năng và hoàn cảnh của mình mà làm việc, làm cho viên mãn, đó là người xếp hàng đầu trong trời đất.
Làm sao với tài năng đem một loại công việc làm cho viên mãn? Bí quyết duy nhất chính là trung thực; trung thực từ tâm lí phát xuất ra chính là kính.  Trong Trang Tử 莊子 (11) có chép chuyện "câu lu trượng nhân" 痀瘻丈人 bắt ve (12), trong đó có câu rằng:
Tuy thiên địa chi đại, vạn vật chi đa, nhi duy ngô điêu dực chi tri.
雖天地之大, 萬物之多, 而惟吾蜩翼之知.
(Tuy trời đất lớn, vạn vật nhiều, mà ta chỉ biết có cánh ve)
          Phàm làm một việc, xem việc đó như sinh mệnh của mình, bất luận có một chỗ tốt khác cũng không đem việc mà ta đang làm để đổi. Tôi tin rằng, tôi là một anh thợ mộc làm được một cái bàn tốt, và các vị là chính trị gia xây dựng nên một nước cộng hoà đều có giá trị ngang nhau; tôi tin rằng tôi làm một người gánh phân đem cặp thùng đi dọn cho sạch, và các vị làm quân nhân đánh thắng một đội quân địch đều có giá trị ngang nhau. Mọi người đều làm việc cho xã hội, anh không cần phải hâm mộ tôi, tôi không cần phải hâm mộ anh. Chỉ sợ là việc của mình làm không thoả đáng, có lỗi với bát cơm mà mình ăn trong ngày. Cho nên khi ta làm một việc, không được phân tâm đến việc khác. Tăng Văn Chính 曾文正 nói rằng:
Toạ giá sơn, vọng na sơn, nhất sự vô thành.
坐這山, 望那山, 一事無成.
(Đứng núi này trông núi nọ, một việc cũng chẳng làm nên)
          Tôi trước mắt thấy quyển sách của một học giả người Pháp viết, khi so sánh tính chất người dân của hai nước Anh và Pháp; ông ta nói rằng:
          Đến nơi làm việc của người Anh, chỉ thấy họ cắm đầu cầm bút làm việc; đến nơi làm việc của người Pháp, chỉ thấy họ ngậm thuốc lá, có vẻ như xuất thần. Người Anh khi đi đường, mắt nhìn xuống dưới, giống như đem hết tinh thần đặt lên đường đi; còn người Pháp khi đi đường, luôn ngó đông ngó tây, không chú ý gì đến việc đi đường.
          Những lời này so sánh có chính xác hay không tạm thời không bàn; nhưng  có thể lấy 2 chữ “kính nghiệp” làm cước chú. Nếu quả như ông ta nói, thì người Anh là kính, người Pháp là bất kính. Một người đối với nghề nghiệp của mình mà bất kính, từ phương diện học lí mà nói đó là khinh mạn thần thánh của nghề nghiệp; từ phương diện sự thực mà nói, nhất định là làm hỏng sự việc, kết quả là mình hại lấy mình. Cho nên chủ nghĩa kính nghiệp đối với đời người là tất yếu, đối với đời người là có lợi. Trang Tử 莊子 nói rằng:
Dụng chí bất phân, nãi ngưng ư thần (13).
用志不分, 乃凝於神.
          Khổng Tử 孔子 nói:
Tố kì vị nhi hành, bất nguyện hồ kì ngoại (14).
素其位而行, 不願乎其外.
          Kính nghiệp không ngoài những đạo lí này.
                                                                                    (còn tiếp)

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- KÍNH NGHIỆP LẠC QUẦN 敬業樂羣: trong Lễ kí – Học kí 禮記 - 學記 có câu:
Tam niên thị kính nghiệp lạc quần
三年視敬業樂羣
Tôn Hi Đán 孫希旦 giải thích rằng:
          Kính nghiệp giả, chuyên tâm trí chí, dĩ sự kì nghiệp dã; Lạc quần giả, lạc ư thủ ích, dĩ phụ kì nhân dã.
          敬業者, 專心致志, 以事其業也; 樂羣者, 樂於取益, 以輔其仁也.
          (Kính nghiệp là dồn hết tâm trí để phục vụ cho nghề nghiệp; Lạc quần là vui ở chỗ có được lợi ích để phụ cho điều nhân)
(2)- LỄ KÍ 禮記: một trong 13 kinh, tổng cộng có 49 thiên, cùng với Nghi lễ 儀禮, Chu lễ 周禮 gọi chung là “Tam lễ”.
(3)- AN KÌ CƯ, LẠC KÌ NGHIỆP 安其居, 樂其業: chương thứ 67 trong Lão Tử 老子 có câu:
Cam kì thực, mĩ kì phục, an kì cư, lạc kì tục.
甘其食, 美其服, 安其居, 樂其俗.
(Làm cho dân ăn được ngon, mặc được đẹp, ở được yên, vui với tập tục)
          Và trong Hán thư – Hoá thực truyện 漢書 - 貨殖傳:
Các an kì cư nhi lạc kì nghiệp
各安其居而樂其業
(Mỗi người đều ở được yên và vui với công việc)
(4)- LÃO TỬ 老子: tên sách, cũng gọi là Đạo đức kinh 道德經, do Lí Nhĩ 李耳 thời Xuân Thu soạn, Lí Nhĩ tức Lão Đam 老聃, từng giữ chức Thủ tàng sử 守藏史 cho nhà Chu, viết sách hơn 5000 lời.
(5)-                   Bão thực chung nhật, vô sở dụng tâm, nan hĩ tai
飽食終日, 無所用心, 難矣哉
(Suốt ngày ăn no, không để tâm vào việc gì, loại người này khó dạy)
Câu này ở thiên Dương Hoá 陽貨 trong Luận ngữ 論語
(6)-    Quần cư chung nhật, ngôn bất cập nghĩa, hiếu hành tiểu tuệ, nan hĩ tai.
羣居終日, 言不及義, 好行小慧, 難矣哉.
          (Suốt ngày tụ tập lại, nói toàn những lời không chính đáng, thích làm  những điều khôn vặt, loại người này rất khó dạy)
Câu này ở thiên Vệ Linh Công 衛靈公  trong Luận ngữ 論語.
(7)- BÁCH TRƯỢNG THIỀN SƯ 百丈禪師: Hoài Hải thiền sư 懷海禪師 thời Đường cư trú tại núi Bách Trượng 百丈 ở Hồng Châu 洪州 Giang Tây 江西 nên có tên là Bách Trượng thiền sư. Ông người Phúc Kiến 福建, cao đệ của Mã Tổ Đạo Nhất 馬祖道一. Trước tác có Bách Trượng thanh quy 百丈清規, giúp các thiền tăng giới hạnh. Thời Nguyên Hoà 元和 thiền sư qua đời có tên thuỵ là Đại Trí thiền sư 大智禪師.
          Thiền sư 禪師: vị Tì kheo 比丘 (người xuất gia thụ cụ túc giới) mà có thể thiền định ba la mật gọi là “thiền sư”. Cách gọi này được thấy đầu tiên ở Thiện trú ý thiên tử sở vấn kinh 善住意天子所問經. Trần Tuyên Đế 陳宣帝 gọi Nam Nhạc Tuệ Tư hoà thượng 南嶽慧思和尚 là Đại thiền sư. Thời Đường, Trung Tông 中宗 ban cho Thần Tú hoà thượng 神秀和尚 hiệu Đại Thông thiền sư 大通禪師 đều là tôn xưng. Về sau thành từ thông xưng chỉ những bậc thiền giả.
(8)- BÁCH HẠNH 百行: các loại hành vi.
(9)- CHU TỬ 朱子: tức Chu Hi 朱熹, tự Nguyên Hối 元晦, người Vụ Nguyên 婺源 thời Tống, ngụ tại Kiến Châu 建州, đỗ Tiến sĩ thời Thiệu Hưng 紹興; làm quan giữ chức Bảo Văn các đãi chế 寶文閣待制. Ông là nhà Lí học nổi tiếng, từng biên soạn bộ Tứ thư tập chú 四書集注, đây là bộ sách mà các học sĩ thời Minh Thanh cần phải đọc, người đời gọi ông là Chu Tử 朱子.
(10)-                     Chủ nhất vô thích tiện thị kính.
主一無適便是敬
Chuyên vào một việc, không phân tán tâm trí vào việc khác đó là kính.
“Thích” có nghĩa là đi tới, dẫn đến nghĩa là hướng về. “Vô thích”  chính là không có hướng về nào khác. Câu này là lời chú của Chu Hi ở câu “kính sự nhi tín” 敬事而信 ở thiên Học nhi 學而 trong Luận ngữ 論語.
(11)- TRANG TỬ 莊子: tên sách, do Trang Chu 莊周 thời Chiến Quốc biên soạn, tư tưởng tương cận với bộ Lão Tử. Hán thư – Nghệ văn chí 漢書-藝文志 xếp vào Đạo gia. Hiện có bản chú 13 quyển 33 thiên của Quách Tượng 郭象, và có bản tập thích của Quách Khánh Phan 郭慶藩, bản tập giải của Vương Tiên Khiêm 王先謙.
(12)- Câu chuyện “câu lu trượng nhân” 痀瘻丈人 bắt ve (câu lu trượng nhân thừa điêu đích cố sự 痀瘻丈人承蜩的故事): “câu lu” 痀瘻 là người gù lưng; “trượng nhân” 丈人, từ chỉ người già. Trong Lục thư chính ngoa六書正譌 có ghi:
Trượng, tá vi phù hành chi trượng; lão nhân trì trượng, cố viết trượng nhân.
, 借為扶行之杖; 老人持杖, 故曰丈人.
(Chữ “trượng” là chữ mượn để thế cho chữ “trượng” là cây gậy giúp đi lại; người già chống gậy, cho nên gọi là trượng nhân)
Chữ “thừa” mượn thay cho chữ “chửng” có nghĩa là lấy. “Điêu” là con ve. “Thừa điêu” tức bắt ve.
Thiên Đạt sinh 達生 trong Trang Tử 莊子 có nói: Khổng Tử đi đến nước Sở, ngang qua khu rừng trông thấy một ông lão gù lưng đang dùng cây sào bắt ve, hễ sào giơ ra là bắt được. Khổng Tử hỏi ông ta vì sao mà được như thế, ông lão bảo rằng, ông ta có cách. Khoảng 5, 6 tháng đặt 2 hòn đạn nơi đầu ngọn sào mà không rớt, bắt ve rất dễ. Khi đặt 3 hòn đạn nơi đầu ngọn sào mà không rớt thì 10 con chỉ bắt hụt 1 con. Khi đặt 5 viên đạn mà không rớt thì hễ tay giơ ra là bắt được. Thân thể của ông ta như khúc cây, tay của ông ta như cành cây khô. Trời đất tuy lớn, vạn vật tuy nhiều mà ông ta chỉ biết có cánh ve, không cựa mình không chuyển động, không có gì cướp đi sự chú ý của ông, như thế sao mà không bắt được? Khổng Tử quay lại nói với học trò rằng:
Dụng chí bất phân, nãi ngưng ư thần, kì câu lu trượng nhân chi vị hồ!
用志不分, 乃凝於神, 其痀瘻丈人之謂乎!
(Chí không phân tán thì tinh thần mới tập trung, như ông lão gù này nói chăng)
Chuyện này cũng được thấy ở thiên Hoàng Đế 黃帝 trong Liệt Tử 列子.
(13)-                                Dụng chí bất phân, nãi ngưng ư thần 
                           用志不分, 乃凝於神
 tức chuyên tâm không phân tán thì tinh thần mới ngưng tụ tại một điểm. Câu này ở thiên Đạt sinh達生 trong Trang Tử 莊子. Ở thiên Hoàng Đế 黃帝 trong Liệt Tử 列子, chữ “ngưng” được viết là chữ “nghi” . Vương Tiên Khiêm trong Trang Tử tập chú 莊子集注 cho là: “nãi nghi ư thần” 乃疑於神, tức người trông thấy kinh sợ giống như thấy quỷ thần.
(14)-                              Tố kì vị nhi hành, bất nguyện hồ kì ngoại.
素其位而行, 不願乎其外.
          Theo địa vị hiện tại của mình mà hành sự, không nghĩ đến những gì ngoài địa vị của mình. Câu này ở thiên Trung dung 中庸  trong Lễ kí 禮記.
          “Tố” có nghĩa là hiện tại.
                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 01/11/2013

Nguyên tác Trung văn
KÍNH NGHIỆP DỮ LẠC NGHIỆP
敬業與樂業
Trong quyển
ẨM BĂNG THẤT TOÀN TẬP
飲氷室全集
Tác giả: Lương Khải Siêu 梁啟超
Văn hoá đồ thư công ti ấn hành
Previous Post Next Post