Dịch thuật: Huynh đệ lễ - Trưởng ấu có thứ tự

HUYNH ĐỆ LỄ
 TRƯỞNG ẤU CÓ THỨ TỰ

          Mối quan hệ huynh đệ trong gia đình phong kiến rất được Nho gia coi trọng. Nho học đã xem mối quan hệ huynh đệ được xếp cùng các mối quan hệ quân thần, phụ tử, phu phụ, bằng hữu là một trong 5 mối quan hệ nhân luân trong xã hội phong kiến. Trong Trung dung 中庸 có nói:
          Quân thần dã, phụ tử dã, phu phụ dã, côn đệ dã, bằng hữu chi giao dã, ngũ giả, thiên hạ chi đạt đạo dã.
君臣也, 父子也, 夫妇也, 昆弟也, 朋友之交也, 五者, 天下之达道也.
          (Vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè giao tiếp với nhau, năm mối quan hệ này là đạo thông đạt trong thiên hạ)
          Quy phạm luân lí gắn kết mối quan hệ huynh đệ là “đễ” , cũng được viết là , chỉ việc tôn kính thuận tùng của em đối với anh. “Đễ” và “hiếu” có mối quan hệ mật thiết với nhau.
          Lí học cho rằng, con người khi sinh ra thụ bẫm thiên lí chí cao vô thượng, thiên lí trong lòng người chính là “tính” , tức phẩm tính đạo đức nhân nghĩa lễ trí . Khi “tính” ở vào trạng thái chưa phát ra, bao hàm mọi bản chất của thiên lí, một khi phát ra sẽ chuyển hoá thành hành vi, tình cảm của con người, nhân đó thực tiễn đạo đức hiếu với thân đễ với huynh trở thành phương thức hành vi chủ yếu thể hiện thiên lí.
          Tại sao phải coi trọng sự thân ái hoà mục giữa huynh đệ với nhau? Đối với vấn đề này, Lí học gia đã nói rõ về phương diện lí luận. Hoàng Oát 黄斡, đệ tử của Chu Hi 朱熹 nói rằng;
Ngũ điển giả, thiên tự chi thường lí, nhân đạo chi đại đoan dã.
五典者, 天叙之常理, 人道之大端也
          (Ngũ điển là lí thường của thứ tự của tự nhiên, là đầu mối lớn của đạo làm người)
          “Ngũ điển” chính là mối quan hệ tương hỗ giữa quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu. Trong những mối quan hệ đó, chỉ có giữa phụ tử và huynh đệ mới có mối quan hệ huyết thống, bách thể thứ chi đều do cùng một khí sinh ra, cho nên nói “hiếu đễ” là gốc rễ của vạn điều thiện, nguyên nhân là ở đây. Hứa Hành 许衡, Lí học gia đời Nguyên đối với hiện tượng anh em bất hoà lúc bấy giờ đã bất bình nói rằng:
          Anh em đều cùng một khí từ cha mẹ, là cốt nhục chí thân. Nay người ta không rõ nghĩa lí , làm trái ngược thiên tính; tuy cùng một bọc sinh ra mà tình như đất Ngô đất Việt; cùng chung một nhà mà xem như người đi đường, thậm chí vì chút lợi cỏn con mà vứt bỏ tình nghĩa, nghe theo lời vợ mà kết oán thù, há đó là nghĩa anh em sao!
                                                    (Tính lí hội thông 性理会通)
          Dựa theo “Vũ trụ sinh thành luận” 宇宙生成论 của Lí học, đặc tính động tĩnh của thiên lí chuyển hoá thành hai khí âm dương, hai khí hợp nhau hoá sinh muôn vật, nhân loại cũng ở trong đó. Con người cũng như vạn vật, đều là vật do khí tụ hợp lại, anh em đều cùng thọ bẫm khí của cha mẹ mà sinh ra, đương nhiên là thân nhất, nếu với người chí thân mà không thể theo nguyên tắc thiên lí đối đãi hoà mục thì làm sao có thể giữ lễ giáo đối với người khác?
          Trật tự đẳng cấp giữa anh em đầu tiên là thứ tự trưởng ấu. Trong Bạch Hổ thông – Tam cương lục kỉ 白虎通 - 三纲六纪 có nói: tại sao gọi là “huynh” ?  “Huynh” chính là “huống” , mang nghĩa tiếp cận, chính là nói huynh tiếp cận phụ thân. Lưu Hi 刘熙 trong Thích danh 释名 cũng có nói:
Huynh, hoang dã; hoang, đại dã, cố Thanh Từ nhân vị huynh vi hoang dã.
, 荒也; , 大也, 故青徐人谓兄为荒也.
          (Huynh là hoang; hoang là lớn, cho nên người vùng Thanh Từ nay là vùng Sơn Đông gọi “huynh” là “hoang”)
          Đây chính là nói, huynh trưởng là người có thân phận cao trong anh em, có địa vị chỉ sau phụ thân. Tại sao gọi là “đệ” . Trong Tam cương lục kỉ三纲六纪  cũng có nói: 
Đệ giả, đễ dã, tâm thuận hành đốc dã.
弟者, 悌也, 心顺行笃也.
(Đệ là đễ, thuận theo dốc một lòng)
          Thuận tùng huynh trưởng, hành vi trung thực đáng tin đó chính là “đệ”. Trong Thích danh 释名 cũng có nói:
Đệ, đệ dã, tương thứ đệ nhi sinh dã.
弟第也相次第而生也
(Đệ là thứ tự, theo tứ tự được sinh ra)
          Người thời Tiên Tần dùng “bá” , “trọng” , “thúc” , “quý” để biểu thị thứ tự trưởng ấu giữa anh em, huynh trưởng gọi là “bá huynh” 伯兄, chữ (bá) thông với chữ (bá), cũng là mang ý nghĩa tôn quý cao lớn. Trong Bạch Hổ thông nghĩa – Tính danh 白虎通 - 义姓名 có nói:
          Vì sao xưng hiệu huynh đệ có 4 ? Bốn mùa trước sau, tượng cho huynh đệ trưởng ấu. Trưởng ấu gọi là: bá , trọng , thúc , quý . Bá là lớn nhất, gần với phụ thân; trọng là giữa, thúc là thiếu, quý là nhỏ. Lấy tên gọi thay của 4  mùa là Xuân Hạ Thu Đông để biểu thị thứ tự trưởng ấu giữa huynh đệ, khiến cho sự phân biệt thứ tự giữa huynh đệ càng thêm hình tượng hoá. Phương pháp này ngàn năm nay vẫn dùng.
          Thứ đến là sự phân biệt thân sơ. Anh em cùng một cha mẹ sinh ra là “đích huynh đệ” 嫡兄弟 hoặc “bào huynh đệ” 胞兄弟; anh em cùng cha khác mẹ là “thứ huynh đệ” 庶兄弟. Con của anh em ruột với nhau là “tùng huynh đệ” 从兄弟 hoặc “tùng phụ huynh đệ” 从父兄弟; con của tùng phụ huynh đệ với nhau là “tùng tổ huynh đệ” 从祖兄弟; con của tùng tổ huynh đệ với nhau là “tằng tổ huynh đệ” 曾祖兄弟; con của tằng tổ huynh đệ với nhau là “tộc huynh đệ” 族兄弟.
          Lễ huynh đệ trong gia lễ phong kiến chính là trên cở sở khu biệt thứ tự trưởng ấu, thân sơ, đối với huynh đệ mỗi người đều có trách nhiệm của mình, nghĩa vụ và hành vi mà có quy định cụ thể.
          Trong Đại Đới lễ kí – Tăng Tử sự phụ mẫu 大戴礼记 - 曾子事父母 có một đoạn đối thoại giữa Tăng Tử 曾子 và Thiện Cư Li 单居离về lễ của huynh đệ:
          Thiện Cư Li hỏi: “Phụng sự anh có nguyên tắc không?”
          Tăng Tử đáp rằng: “Có. Tôn kính huynh trưởng, xem người anh là tấm gương cho mình, tiếp nhận vô điều kiện sự chỉ bảo của anh, ra sức hoàn thành những việc mà anh giao phó. Nếu hành vi của người anh không phù hợp với đạo đức thì nên che giấu cho anh.”
          Thiện Cư Li lại hỏi: “Sai bảo em có nguyên tắc không?”
          Tăng Tử đáp rằng: “ Có. Khi người em đến tuổi trưởng thành phải cử hành quán lễ cho em kịp thời; đến khi lập gia đình, phải thay em lo hôn sự, không nên để lỡ thời cơ. Ngôn hành của em phù hợp với đạo đức, phải khuyến  khích, ngợi khen; những hành vi trái với đạo đức phải dùng uy nghiêm của mình để câu thúc, dùng đức hạnh của mình để cảm hoá em. Phẩm hạnh của em xấu, người anh cũng phải đem hết sức của mình cứu giúp. Đến lúc quả thực không còn cách nào thì mới ai đi đường nấy.”
         Đây chính là nói, chức trách và nghĩa vụ của người em là tôn kính và thuận tùng huynh trưởng, còn chức trách và nghĩa vụ của huynh trưởng là chăm sóc và giáo hoá các em. Cho nên Tăng Tử cũng nói:
          Vi nhân đệ nhi bất năng thừa thuận kì huynh giả, bất cảm ngôn nhân
huynh bất năng thuận kì đệ giả.
为人弟而不能承顺其兄者, 不敢言人兄不能顺其弟者
          (Bản thân mình là em mà không tôn kính huynh trưởng của mình thì không có tư cách luận bàn anh em người khác)
          Huynh đệ lễ được chế định bởi nguyên tắc như thế.

                                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                                      Quy Nhơn 12/11/2013

Nguyên tác Trung văn
TRƯỞNG ẤU HỮU TỰ ĐÍCH HUYNH ĐỆ LỄ
长幼有序的兄弟礼
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
LỄ NGHI
中国民俗文化
礼仪
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
Previous Post Next Post