Dịch thuật: Hổ phù và minh văn

HỔ PHÙ VÀ MINH VĂN

          Hổ phù 虎符 (1) được dùng trong chiến tranh thời Chiến Quốc được chế tạo bằng đồng. Hổ phù bằng đồng của Tân Thê 新郪 được phân thành 2 mảnh, bên trên có khắc minh văn (2) gồm 43 chữ, đại ý là nửa bên trái hổ phù ở chỗ Tần Vương, nửa bên phải hổ phù ở Tân Thê. Khi phát binh từ 50 người trở lên nhất định phải hợp 2 mảnh hổ phù lại. Minh văn trên hổ phù chính là kim văn dạng chữ triện đời Tần. Trận chiến nổi tiếng tại Hàm Đan 邯郸 thời Chiến Quốc phát sinh vào năm 249 trước công nguyên, nước Tần nhân thắng lợi, tiến đánh quận Thái Nguyên 太原 của nước Triệu (trung bộ tỉnh Sơn Tây 山西 hiện nay), đồng thời chiếm lĩnh quận Thượng Đảng 上党 của 2 nước Hàn và Triệu, tiếp đó đem đại quân đánh thẳng kinh đô Hàm Đan của nước Triệu. Chính sách đồ sát của nước Tần đã dẫn đến sự phẫn nộ của người dân nước Triệu. Khi quân Tần bao vây Hàm Đan, quân Triệu anh dũng chống lại, đội quân nước Triệu không ngừng tập kích phía sau quân Tần, quân Tần liên tiếp thất lợi. Đến năm 257 trước công nguyên, 2 nước Nguỵ Sở hợp binh cứu Triệu. Nguỵ An Li vương 魏安厘王 phái tướng quân Tấn Bỉ 晋鄙 đem 10 vạn đại quân cứu Triệu. Nhưng do vì sợ Tần, khi đến Thang Dương 汤阳 (thuộc tỉnh Hà Nam 河南 ngày nay) không dám tiến lên, sai khách tướng quân là Tân Viên Diễn 新垣衍 vòng theo đường nhỏ đến Hàm Đan, khuyên Triệu suy tôn Tần Vương làm “Đế”, cầu hoà với Tần. Nguỵ tướng quốc là Công tử Tín Lăng 信陵 chủ trương cứu Triệu nhưng Nguỵ vương không đồng ý, vì thế Tín Lăng Quân phái người thiếp đến Nguỵ trộm hổ phù của Nguỵ Vương (bằng chứng dùng trong việc phát binh), giả mệnh lệnh của Nguỵ Vương, dẫn 8 vạn tinh binh tấn công quân Tần. Liên quân Nguỵ Sở nội ngoại giáp công, cuối cùng quân Tần đại bại.
          Minh văn trên hổ phù tức kim văn sớm nhất cùng với giáp cốt văn đại để song hành, cả hai chỉ là nhân vì công cụ viết và chất liệu để viết khác nhau nên tự thể khác nhau mà thôi, đều lưu lại dấu vết văn tự đồ hoạ rõ nét. Cùng một hệ thống kết cấu, chữ dị thể của kim văn nhiều, cũng không hoàn toàn định hình hoá. Kim văn so với giáp cốt văn chữ lớn, nét bút thô, nét tròn nhiều, cũng có một số ít hình vuông. Theo sự phát triển của lịch sử, kim văn thời Chu so với giáp cốt văn có không ít diễn tiến.
          Cuối thời Chu “ngữ ngôn dị thanh, văn tự dị hình”, văn tự trên thư giản của các nước chư hầu cũng khác nhau. Còn lưu hành loại “điểu trùng thư” 鸟虫书 (hoặc gọi là “trùng thư” 虫书), chữ do những đường nét nhỏ nhưng nhiều tổ thành. Có chữ có hình chim bên trong, có chữ hình chim và hoa văn được phối bên ngoài. Tần chiếm đất cũ của Tây Chu, kế thừa văn tự Tây Chu, tiến một bước phát triển thành triện thư.
          So sánh lại, kim văn đời Thương tảo kì hoa văn trang trí nhiều, minh văn ít, đa phần do khoa đẩu văn 蝌蚪文, huy hiệu văn 徽号文, hợp văn 合文 tổ thành,  thường phản ánh cuộc sống nguyên thuỷ. Văn tự Tiên Tần trước thời Đường Tống không ngừng được phát hiện, đồng thời trong một số truyện kí sử thư cũng có ghi chép. Nhưng do bởi rời rạc, mọi người thường không chú ý; lại cũng nhân vì phương pháp thác mực chưa ứng dụng nên lưu truyền không rộng rãi. Đến thời Bắc Tống, các chuyên trứ trứ lục về kim văn mới phát hành, đến giữa và cuối đời Thanh thịnh hành, thu thập phong phú, khảo thích kĩ lưỡng.
          Tại Trung Quốc hiện tồn khoảng 8000 món đồ đồng, trong 3000 chữ đơn, biết được hơn 2000 chữ. Do bởi quá trình thao tác khắc kim văn phức tạp, dụng cụ khắc và quá trình khắc có liên quan, vì vậy số chữ kim văn nhiều ít có mối quan hệ rất lớn với niên đại khắc. Kim văn trên đồ đồng thời Ân Thương số chữ tương đối ít, thời Tây Chu dần nhiều lên, sau thời Tần chuyển sang ít, do bởi Tần Hán trở về sau khắc trên đá là chính. Sau kim văn mở ra triện văn, giới học thuật công nhận nó là một khâu quan trọng nối trên mở dưới trong sự phát triển chữ Hán. Hứa Thận 许慎, học giả thời Đông Hán rất chú ý đến việc sưu tập, chỉnh lí, nghiên cứu minh văn trên đồ  đồng thời Thương Chu. Trong tác phẩm nổi tiếng Thuyết văn giải tự 说文解字 của ông đã thu thập 9353 chữ, trong đó bảo tồn một số lượng lớn tư liệu cổ văn tự thời Thương Chu. Trong lời tựa của sách ông viết rằng:
Quận quốc diệc vãng vãng vu sơn xuyên đắc đỉnh di, kì minh tức tiền đại chi cổ văn.
郡国亦往往于山川得鼎彝, 其铭即前代之古文.
(Các châu quận trong cả nước và các nước được phân phong cũng thường phát hiện những di khí chung đỉnh, minh văn trên những di khí chung đỉnh này cũng là cổ văn của đời trước)
Có thể thấy khi Hứa Thận biên soạn Thuyết văn giải tự đã trực tiếp dùng những tư liệu minh văn trên những đồ đồng.
Đến thời Tống, đồ đồng đã trở thành công cụ lễ chế tượng trưng cho quyền lực thống trị, rất được sự coi trọng của giai cấp thống trị và sĩ đại phu, phong trào nghiên cứu kim thạch hưng thịnh, xuất hiện bộ môn “Kim thạch học” 金石学. Từ thời Bắc Tống đến những năm đầu thời Nam Tống, thư tịch kim thạch có đến hơn 34 loại, chỉ tiếc lưu truyền đến nay rất ít. Thành quả khảo thích minh văn tương đối phong phú, đã khảo chứng nhận biết hơn mấy trăm chữ, đồng thời phát hiện ra một số quy luật cấu hình kim văn. Như Khảo cổ đồ thích văn 考古图释文 của Lữ Đại Lâm 吕大临, Chung đỉnh triện vận 钟鼎篆韵 của Vương Sở 王楚, Quảng chung đỉnh triện vận vận 广钟鼎篆韵 của Tiết Thượng Công 薛尚功 đều có nhiều kiến giải mới. Từ giữa đời Thanh cho đến Cách mạng Tân Hợi, việc nghiên cứu minh văn trên đồ đồng đã tiến vào giai đoạn mới. Thành tích nổi bật có Ngô Đại Lâm 吴大临, Tôn Di Nhượng 孙诒让, La Chấn Ngọc 罗振玉, Vương Quốc Duy 王国维, đặc biệt là La Chấn Ngọc và Vương Quốc Duy đã có những cống hiến tương đối lớn đối với việc nghiên cứu minh văn trên đồ đồng. Sau phong trào Ngũ Tứ (3), Quách Mạt Nhược 郭沫若 là người đề xướng và đi đầu trong việc nghiên cứu minh văn trên đồ đồng, ông đã chỉ ra trong đó có một số kí lục minh văn là những sử liệu chân thực lúc bấy giờ chưa trải qua sự sửa đổi của người đời sau, cũng không có những chú sớ phụ hoạ khiên cưỡng để người đời sau có thể nhìn rõ chân tướng xã hội, và còn có thể từ đó chỉ ra hơn một nữa sử liệu cũ là giả, không chính xác.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- HỔ PHÙ 虎符: hổ phù là một vật chứng hình con hổ được chế tạo bằng đồng dùng để điều động quân đội, do chính quyền trung ương cấp cho tướng quân nắm giữ binh quyền. Hổ phù tương truyền do Khương Tử Nha 姜子牙 thời Tây Chu phát minh. Trên lưng hổ phù có minh văn, hổ phù được phân thành hai nửa, nửa bên phải giữ tại triều đình, nửa bên trái phát cho tướng soái thống lĩnh quân đội hoặc vị trưởng quan địa phương. Khi cần điều động quân đội, hai nửa phải hợp đối minh văn mới có hiệu lực.
          Nguồn http://zh.wikipedia.org/wiki
(2)- MINH VĂN 铭文: cũng còn gọi là “kim văn” 金文 hoặc “chung đỉnh văn” 钟鼎文, vốn chỉ những văn tự được đúc trên những lễ khí bằng đồng, nói rõ lí do đúc món vật đó, hoặc để kỉ niệm nhân vật. Về sau phiếm chỉ những kí lục văn tự về thời gian, địa điểm, họ tên người thợ được lưu lại trên các đồ vật. Minh văn cũng như giáp cốt văn, là loại văn tự cổ xưa của Trung Quốc.
(3)- PHONG TRÀO NGŨ TỨ (NGŨ TỨ VẬN ĐỘNG - 五四运动)
          Đây là phong trào yêu nước của thanh niên học sinh cùng quảng đại quần chúng gồm thị dân, công nhân, thương nhân, văn sĩ…nổ ra vào ngày 4 tháng 5 năm 1919 tại Bắc Kinh. Phong trào được tiến hành dưới nhiều hình thức như biểu tình thị uy, đòi yêu sách, bãi công, bãi thị, bãi khoá mà nguyên nhân là từ “Vấn đề Sơn Đông”. Tại hoà hội Versailles (Paris) được tổ chức sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các nước xâm phạm chủ quyền Trung Quốc, đem quyền lợi của Đức ở Sơn Đông chuyển giao cho Nhật. Chính phủ Bắc Dương của Trung Quốc lúc bấy giờ tỏ ra bạc nhược không bảo vệ được lợi ích của quốc gia, khiến người Trung Quốc vô cùng phẫn nộ. Một trong những khẩu hiệu nổi tiếng lúc bấy giờ là “Ngoại kháng cường quyền, nội trừ quốc tặc” 外抗强权,内除国贼. Phong trào đã có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội Trung Quốc.
                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                      Quy Nhơn 09/11/2013

Nguyên tác Trung văn
HỔ PHÙ ĐÍCH CỐ SỰ
虎符的故事
Trong quyển
HÁN TỰ ĐÍCH CỐ SỰ
汉字的故事
Tác giả: Úc Nãi Nghiêu 郁乃尧
Quang Minh nhật báo xuất bản xã, 2005.
Previous Post Next Post