TINH THẦN “HỘI THÔNG”
TRONG VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG TRUNG QUỐC
Văn hoá
truyền thống Trung Quốc là kết quả do các dân tộc Trung Quốc cùng chung sáng tạo
ra, đồng thời nó cũng hấp thu văn hoá ưu tú của các nước khác. Văn hoá truyền
thống của Trung Quốc không phải khư khư bảo thủ, giậm chân tại chỗ, mà là biết
học tập những điểm mạnh của các hệ thống văn hoá khác, hấp thu tiêu hoá để làm
phong phú cho bản thân mình, đó gọi là tinh thần “hội thông” 会通.
Thời
Tiên Tần có rất nhiều học phái, giữa các học phái với nhau hỗ tương biện luận hỗ
tương hấp thu cùng phát triển. Trung tâm văn hoá thời Xuân Thu thiên về đất
Trâu 邹 đất Lỗ 鲁 (tại tỉnh Sơn Đông
hiện nay). Văn hoá thời Chiến Quốc đã không còn giới hạn này. Sự giao lưu văn
hoá giữa các nước ở trung nguyên ngày càng phát triển. Ví dụ, Tuân Tử 荀子 tuy xuất thân Nho gia, tôn sùng truyền thống của Khổng
Tử 孔子, nhưng như Phó Sơn 傅山
một học giả đầu đời Thanh đã nói, tư tưởng của Tuân Tử hấp thu rộng rãi tinh
hoa tư tưởng của các nhà, đồng thời đối với các học phái, bao gồm một số phái
biệt của Nho gia trong đó đều có sự phê bình sâu sắc. Còn như Lã Thị Xuân Thu 吕氏春秋 ở cuối thời Chiến Quốc cũng mang nét đặc sắc của cái học
“hội thông”, với ý đồ tổng hợp học thuyết các nhà, nên lúc bấy giờ được gọi là
“tạp gia”.
Văn hoá
truyền thống Trung Quốc giỏi về hấp thu, tiêu hoá văn hoá ngoại lai. Phật học
lúc ban đầu khi truyền vào Trung Quốc, đã sản sinh ra cái học “cách nghĩa” 格义, dùng để câu thông nguyên lí Huyền học và Phật học
lưu hành lúc bấy giờ. Sau đó, việc truyền dịch kinh Phật dần nhiều lên, hình
thành học phái Phật học ở Trung Quốc, trong đó không ít có nét đặc sắc Trung Quốc
chứ không chỉ đơn thuần là Phật học Ấn Độ. Phật học Ấn Độ được cải tạo dung hợp
trong văn hoá tư tưởng truyền thống Trung Quốc, đối với các phương diện của văn
hoá cổ đại Trung Quốc đều sản sinh ảnh hưởng.
Đời
Thanh, đặc biệt là cuối đời Thanh, để làm cho đất nước hùng mạnh, nhiều học giả và phần tử trí thức đã nỗ lực học
tập học vấn phương Tây (gồm kĩ thuật khoa học, lí luận khoa học), ra sức quán
thông cái học Trung – Tây. Gọi là “hội
thông” còn bao gồm sự hiểu biết tương thông giữa các học phái, ví dụ như thời
Tây Hán, Nho Pháp thì kết hợp với nhau, còn Nho Đạo thì bổ sung cho cho nhau, đồng
thời hấp thu một số phương diện của Phật học, trong lịch sử tư tưởng văn hoá
này có thể nhìn thấy rất rõ ràng. Đây cũng là sự biểu hiện của tinh thần “hội
thông”.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 28/10/2013
Nguyên tác Trung văn
“HỘI THÔNG” TINH THẦN
“会通”精神
Trong quyển
TRUNG QUỐC TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ
中国传统文化
Chủ biên: Trương Khởi Chi 张岂之
Cao đẳng giáo dục xuất bản xã
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật