Dịch thuật: Khởi nguyên của ấn chương

KHỞI NGUYÊN CỦA ẤN CHƯƠNG

          Ấn chương 印章, tên gọi này là từ thông xưng của người đời nay, kì thực tên gọi của nó có rất nhiều, như: Tỉ , bảo , ấn , chương , đồ chương 图章, đồ kí 图记, linh ấn 铃印, trạc kí 戳记, tổng cộng trên dưới 20 loại. Nhưng, đó cũng chỉ là tên gọi mà thôi, về bản chất và công dụng thì cơ bản không có sự khu biệt, nó là vật được xem là bằng chứng tín dụng.
          Nhìn từ khởi nguyên, ấn chương đã có lịch sử phát triển rất lâu đời, sớm nhất đại để có thể truy ngược lên thời kì vương triều Thương, nhưng đến thời Xuân Thu Chiến Quốc, do bởi sự phát triển của kinh tế, chính trị xã hội, nó mới dần được lưu hành.
          Từ giác độ chính trị mà nói, do bởi sự sản sinh tổ chức xã hội, sự cường hoá quyền lực chính trị, quan lại cần có một vật để làm tin, điều này đã thúc đẩy việc sản sinh quan ấn. Đặc biệt là vào thời Chiến Quốc, liệt quốc phân tranh, ngoại giao phức tạp, xuất nhập sứ tiết cần phải cầm vật làm tin chứng tỏ đang nhận mệnh chư hầu vương.
          Từ giác độ kinh tế mà nói, do bởi sự phát triển của sản xuất, việc trao đổi thương phẩm ngày càng nhiều, nên cũng cần một loại bằng chứng tín dụng để đảm bảo cho sự luân chuyển hoặc cất giữ hàng hoá được an toàn, ấn chương thuận theo nhu cầu đó cũng được nhân dân lao động sáng tạo ra.
          Theo sự phát triển của lịch sử, sự tăng cường chế độ phong kiến, đã hình thành một chế độ ấn chương mang màu sắc đẳng cấp phong kiến.
          Thời kì đầu, về tên gọi và chất liệu chế tạo ấn chương không có sự khu biệt, đến thời kì Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 thống nhất Trung Quốc, tăng cường chế độ trung ương tập quyền phong kiến, Thuỷ Hoàng tự xưng “Hoàng Đế” 皇帝, quy định tên gọi “tỉ” là dành riêng cho thiên tử, đại thần trở xuống chỉ có thể gọi là “ấn” hoặc “chương” . Trong Lục thư tinh uẩn 六书精蕴 đã giải thích các tên gọi “tỉ”, “ấn”, “chương”:
          Tỉ, ấn chương dã, tùng nhĩ tùng thổ. Cổ chi chế tự giả, thủ mệnh nhĩ thủ thổ vi ý. Kì tha thần dã, viết quân mệnh ngã hỉ, sở vi đại quân dưỡng dân dã; kì tại quân dã, viết thiên mệnh ngã hĩ, sở vi đại thiên dưỡng dân dã. Tần chế duy thiên tử dụng tỉ, hậu nhân nhân cải tùng ngọc.
          , 印章也, 从尔从土. 古之制字者, 取命尔守土为意. 其在臣也, 曰君命我矣, 所为代君养民也; 其在君也, 曰天命我矣, 所为代天养民也. 秦制惟天子用玺, 后人因改从玉.
          (Tỉ là ấn chương, có chữ “nhĩ” và chữ “thổ”. Người xưa khi tạo ra chữ này, lấy ý là lệnh cho anh phải coi giữ lãnh thổ của mình. Với bề tôi có nghĩa là “vua lệnh cho ta” thay vua nuôi dưỡng dân chúng; Với vua có nghĩa là “trời lệnh cho ta” thay trời nuôi dưỡng dân chúng. Chế độ nhà Tần chỉ có thiên tử dùng tỉ, người đời sau đã đổi chữ “thổ” ở dưới chữ “nhĩ” thành chữ “ngọc”)
          Ấn, tỉ tiết dã. Khắc văn dĩ thức tín, tùng trảo tùng tiết, tượng thủ trì tiết. Lập ý pháp thủ sở tồn, nghị nhiên nhược bất khả đoạt.
          , 玺节也. 刻文以识信, 从爪从节, 象手持节. 立意法守所存, 毅然若不可夺.
          (Ấn là tỉ tiết. Khắc văn tự để biết tin, có chữ “trảo” và chữ “tiết”, giống như tay đang cầm cờ tiết. Ý là pháp luật hiện có ở đây, không được chiếm đoạt)
          Chương, nhạc chi nhất thành dã. Tự ý tùng âm tùng thập, điều lí tự thuỷ nhi chung dã.
          , 乐之一成也. 字意从音从十, 条理自始而终也.
          (Chương là nhạc đã thành. Ý nghĩa của chữ có chữ “âm” và chữ “thập”, trật tự mạch lạc từ đầu đến cuối)
          Tuy “tỉ”, “ấn”, “chương” về mặt ý nghĩa cả 3 tương thông, vật thực không có sự khu biệt, nhưng từ sau khi “tỉ” được Tần Thuỷ Hoàng quy định là ấn chương chuyên dùng của thiên tử, thần tử thứ dân đều không được dùng tên gọi “tỉ”, vì thế về sau “tỉ” cũng được gọi là “ngọc tỉ” 玉玺. Người nào cầm ngọc tỉ trên tay, người đó sẽ tượng trưng cho quyền lực tối cao.
          Nhưng vào thời Hán lại có sự biến đổi, không chỉ Hoàng đế gọi ấn chương là “tỉ”, mà quy định chư hầu vương cũng có thể gọi “tỉ”. Quy định Thừa tướng , Đại tướng quân cùng các quan lại có bổng lộc từ 2000 thạch trở lên gọi là “chương”, còn lại đều gọi là “ấn”. Sau thời Nguỵ Tấn, tuy chế độ các đời không giống nhau hết thảy, nhưng về đại thể vẫn theo chế độ nhà Tần, căn bản không có sự biến đổi. Đến triều Thanh mới có nhiều biến đổi. Triều Thanh quy định, ấn của Đế vương gọi là “tỉ” hoặc “bảo” , ấn của Thân vương trở lên gọi là “bảo” , từ Quận vương xuống đến các quan, ấn được gọi là “trật” , riêng ấn của Khâm sai đại thần gọi là “quan phòng” 关防, còn ấn của một số chúng lại cấp thấp thì gọi là “linh kí” 铃记 hoặc “đồ kí” 图记. Ấn của tư nhân nhìn chung gọi là “đồ chương” 图章, “tư ấn” 私印. Những quy định này đã cấu thành một chế độ ấn chương trong xã hội phong kiến. Do bởi chịu sự ước thúc của đẳng cấp phong kiến, phải tuân tuân thủ một cách nghiêm nhặt những tên gọi này, không được vượt qua dù rất nhỏ, nếu không sẽ bị coi là phạm thượng tác loạn. Nhẹ thì bị giam vào ngục, nặng thì có thể mất mạng. Trong xã hội hiện đại, gọi là “ấn” hoặc gọi là “chương” không có sự phân biệt đẳng cấp, gọi “công chương” 公章 và “tư chương” 私章 chỉ là để khu biệt quan dùng và dân dùng. Cho nên ấn chương vẫn là từ gọi thông dụng.
          Nói đến khởi nguyên của ấn chương không thể không nói đến “phong nê chế độ” 封泥制度 thời cổ. “Phong nê” 封泥 cũng gọi là “nê phong” 泥封, là dùng một miếng đất sét đặt dính lên chỗ nút thắt sợi dây gói món đồ, sau đó dùng ấn chương quan chức hoặc họ tên của người phong ấn đóng lên miếng đất sét đó, đợi miếng đất sét khô, nút thắt của sợi dây được niêm phong trong miếng đất sét, không có sự cho phép hoặc đồng ý, không được gỡ ra, nếu không, khi gỡ ra sẽ phá hoại dấu vết ban đầu của ấn chương, người gỡ sẽ nghi ngờ, cũng giống như người phương tây gắn xi lên món đồ, phương pháp này gọi là “phong nê”, đây là phương thức sử dụng ấn chương sớm nhất. Sau thời Nguỵ Tấn, do bởi giấy được phổ biến, hình thể ấn chương cũng không câu nệ “phong nê” vốn có nên dần có sự biến đổi. Cũng do bởi ấn chương đóng trên giấy, không phải đóng trên đất sét nên đã dùng một loại hỗn hợp gồm nước hoặc mật pha với màu đỏ, bôi lên mặt ấn rồi sau đó đóng lên giấy, tạo ra một dấu ấn có màu sắc tươi đẹp, đây cũng là loại “ấn nê” 印泥 (loại mực dùng cho ấn) sớm nhất. Nếu đem ấn chương phân làm 2 giai đoạn thì từ thời Nguỵ Tấn trở về trước là “phong nê giai đoạn” 封泥阶段, còn từ thời Nguỵ Tấn trở về sau là “nhu chu giai đoạn” 濡朱阶段.    (còn tiếp)

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 07/10/2013

Nguyên tác Trung văn
ẤN CHƯƠNG ĐÍCH KHỞI NGUYÊN
印章的起源
Trong quyển
CỔ NGOẠN THU TÀNG CHỈ NAM
古玩收藏指南
Biên soạn: Long Tùng 龙松, Kỉ Bình 纪平
Hà Bắc nhân dân xuất bản xã, 1994.
Previous Post Next Post