Ảnh: Núi Xương Cá


Núi Xương Cá nhìn từ hướng Đông
16g35 ngày 18/10/2013


Núi Xương Cá nhìn từ hướng Tây
10g47 ngày 12/10/2013


Núi Xương Cá nhìn từ đường lộ
10g 49 ngày 12/10/2013


Đường xuống núi Xương Cá 
16g23 ngày 18/10/2013

NÚI XƯƠNG CÁ
(Thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định)


NÚI XƯƠNG CÁ
(Thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định)
             Núi Xương Cá có tên chữ là Ngư Cốt, ở địa phận thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Từ hướng Tây nhìn xuống, núi có hình dạng giống một người đang nằm.
Theo http://www.baobinhdinh.com.vn, núi nằm theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, dài khoảng 200m.
Trong Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn viết rằng:
… thôn Lộc Hạ, có núi Ngư Cốt, tương truyền vị cao tăng đời Lí là Không Lộ ăn cá, xương cá tụ lại thành núi, nên gọi tên thế…
(Tập 3, mục tỉnh Bình Định, trang 21, , bản dịch của Phạm Trọng Điềm Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1999)
Và trong Nước non Bình Định của Quách Tấn có nói đến truyền thuyết về núi Xương Cá. Quách Tấn viết rằng:
Đứng tại Kỳ Sơn ngó thẳng xuống Đông, chúng ta thấy một hòn núi hình lăng kính, màu trắng xoá, như một bức bình phong quét vôi trắng.
Đó là hòn Ngư Cốt tục gọi là Xương Cá.
Hòn Xương Cá nằm trong địa phận thôn Lộc Hạ, làm tiền án cho hòn Kỳ Sơn. Đó là một hòn núi đá vôi, không cây không cỏ. Đá mọc lởm chởm, và tất cả, hòn lớn cũng như hòn bé, đều có gai ốc, trông giống hệt xương cá.
……….
Truyền rằng, sau khi gánh hòn Chóp Vung và hòn Kỳ Sơn để yên đâu đấy rồi, ông Khổng Lồ ngồi nghỉ chân. Nhân đầm Thi Nại gần kề, ông bèn tát nước bắt cá. Cá to con béo thịt, ông ngon miệng ăn hết con nọ đến con kia, ăn mãi, ăn hoài, đến nỗi xương bỏ thành núi. Có người thêm rằng: Khổng Lồ to lớn như núi, nên ăn chừng nấy cá mà vẫn chưa no, bỗng có một con cá vược dài hơn một sải nhảy vọt qua Giốc Ngựa để ra biển Đông. Khổng Lồ nhảy theo chụp không được, tức mình dậm chân, núi sụp thành vũng (bên vũng, đá còn lại thành một cái eo, tục gọi là Eo Vược ở trên bán đảo Phương Mai). Rồi bỏ đi mất. Lại có người bảo rằng: Khổng Lồ ngon miệng ăn nhiều quá bị trúng thực bỏ mạng dưới chân đống xương cá kia.
Không biết ai nói trúng. Cố Bàn Nhân đi qua hòn Xương Cá, nghe chuyện Khổng Lồ, có mấy câu hí tác:
Khổng Lồ ăn cá bỏ xương,
Xương khô thấy đó nghĩ thương Khổng Lồ.
Chừ còn gánh núi phương mô,
Hay hòn Xương Cá là mồ chôn ông?
Chuyện đời tuy có mà không,
Tuy không mà có chuyện ông Khổng Lồ.
                                              (Trang 108 - 109. Nhà xuất bản Thanh Niên, 1999)

                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                    Quy Nhơn 18/10/2013

Previous Post Next Post