Dịch thuật: Hán thuỷ, Hán tử, Hán học

HÁN THUỶ, HÁN TỬ, HÁN HỌC
BÀN VỀ CHỮ “HÁN”

          Từ chữ “Hán” trong Hán thuỷ 汉水 đến chữ “Hán” trong Hán tử 汉子 có thể thấy được quy luật phát triển nghĩa của nó. Hiểu được quy luật phát triển nghĩa của chữ “Hán”, chúng ta có thể nắm được ngọn nguồn của nó cùng ý nghĩa khen chê. Nghĩa gốc của chữ “Hán” là tên sông, cho nên có bộ “thuỷ” bên cạnh, đây chính là Hán thuỷ (sông Hán), chi lưu lớn nhất của Trường giang, con sông dài hơn 1500 cây số. Ngân hà giống Hán thuỷ nên dẫn đến các từ “tinh hán” 星汉, “ngân hán” 银汉, “hà hán” 河汉. Hán trong Hán thuỷ lại phái sinh một số địa danh, có Hán Dương 汉阳, Hán Âm 汉阴, Hán Khẩu 汉口, Hán Trung 汉中. Chỉ nói riêng Hán Trung, nguyên là thượng du của Hán thuỷ, nhà Tần đã lập quận ở đây, phạm vi tương đương với Thiểm Tây, vùng đất Hán Trung cùng phía tây bắc tỉnh Hồ Bắc ngày nay. Năm đó, Lưu Bang 刘邦 cùng Hạng Vũ 项羽 tranh thiên hạ, Hạng Vũ sợ thua nên mưu tính với Phạm Tăng 范增, nghĩ đến Hán Trung là nơi xa xôi, hơn nữa đường ở Ba Thục 巴蜀 hiểm trở, nên lập Bái Công 沛公 làm Hán Vương 汉王, cai quản Ba Thục Hán Trung. Như vậy từ thuỷ danh phát triển thành địa danh rồi đến danh xưng vương vị. Hán Vương chiến thắng Hạng Vũ, Hạng Vũ tự vẫn ở Ô Giang 乌江, Lưu Bang kiến lập Hán triều, “Hán” lại trở thành tên triều đại. Hán triều là thời kì toàn thịnh của xã hội phong kiến, trải qua giai đoạn thịnh trị của Văn Đế, Cảnh Đế, Vũ Đế dùng võ, quốc lực đại thịnh, uy chấn thiên hạ. Hung Nô phương bắc lúc bấy giờ nhiều lần thất bại bởi nhà Hán, nên Hung Nô gọi người Hán là “Hán nhi” 汉儿 hoặc “hảo hán” 好汉. Theo những ghi chép trong Tuân sô lục询刍录 :
          Vũ Đế chinh Hung Nô nhị thập dư niên, (Hung Nô) mã súc dựng trọng, đoạ vẫn bì cực, văn Hán binh mạc bất uý giả, xưng dĩ Hán nhi, hựu xưng hảo Hán.
          武帝征匈奴二十余年, (匈奴) 马匹孕重, 堕殒疲极, 闻汉兵莫不畏者, 称以汉儿, 又称好汉.
(Vũ Vương chinh phạt Hung Nô hơn 20 năm, khiến cho ngựa trâu súc vật sinh đẻ không được bình thường, bách tính mệt nhọc khổ nghèo  cực điểm, nghe đến quân Hán, không ai là không sợ, họ gọi người Hán là “Hán nhi” hoặc “hảo Hán”.)
“Hảo hán” ở đây là mang ý nghĩa khen ngợi.
     Theo sự suy yếu của đất nước, từ “Hán nhi” cũng dần chuyển hoá sang ý nghĩa chê bai. Trải qua thời Ngũ Hồ loạn Hoa, gọi “Hán tử” thường có nghĩa xem thường. Lục Du 陆游 trong quyển Lão Học Am bút kí 老学庵笔记 viết rằng:
          Kim nhân vị tiện trượng phu viết Hán tử, thuỷ vu Ngũ Hồ loạn Hoa thời.
          今人谓贱丈夫曰汉子, 始于五胡乱华时.
          (Người đời nay gọi những kẻ trượng phu thấp hèn là Hán tử là bắt đầu từ thời Ngũ Hồ loạn Hoa (*)).
Lục Du có nêu câu của Tề Tuyên Đế (Cao Dương 高洋) mắng Nguỵ Khải 魏恺:
Hà vật Hán tử, dữ quan bất tựu (1) (**).
何物汉子, 与官不就
(Hán tử là cái thứ gì, (ta) ban cho chức quan mà không chịu đến nhận)
          Nguỵ Khải vốn nhậm chức Tán kị thường thị nhà Bắc Tề, được thăng lên Thanh Châu thứ sử. Nguỵ Khải không chịu đến nhận, khiến Cao Dương nổi giận. Ở đây “Hán tử” không chỉ có nghĩa chê bai mà còn có nghĩa mắng một ai đó.
          Trên đây là từ Hán thuỷ đến Hán vương, Hán triều, Hán tử, dưới đây sẽ nói về Hán học. Hán học có 2 nghĩa: một là người nước ngoài gọi học vấn Trung Quốc là Hán học; hai là chỉ cái học khảo cứ huấn hỗ của Hán nho. Nó tiến hành khảo xét, biện chính đối với văn tự âm nghĩa của thư tịch cổ cùng với danh vật cổ đại, chế độ điển chương, tương đương với cách nói “Tống học”, nó có mối quan hệ mật thiết với văn tự học. Diêm Nhược Cư 阎若琚 thời Khang Hi 康熙 là người đi tiên phong về Hán học ở đời Thanh. Hán học hưng thịnh vào thời Càn Long 乾隆, Huệ Đống 惠栋 ở huyện Ngô là nhân vật đại biểu. Ông nhấn mạnh từ văn tự mà tìm nghĩa lí, kế thừa được phương pháp huấn hỗ của Hán nho. Đới Chấn 戴震 đã có những cống hiến nổi bật về các phương diện như vận học, kinh học, ngôn ngữ học. Ông phê phán cựu thuyết của Tống nho, đem việc nghiên cứu Hán học phát triển lên một tầm cao mới. Kế thừa Đới Chấn có Kim Đàn 金坛, Đoàn Ngọc Tài 段玉裁, Cao Bưu 高邮, Vương Niệm Tôn 王念孙 cùng con là Vương Dẫn Chi 王引之 tiến hành nghiên cứu âm hình nghĩa, và đã có những đóng góp to lớn về phương pháp lí luận.
          Hán học suy yếu là vào khoảng sau chiến tranh nha phiến (***), tuy có người kế thừa nhưng thành tựu không bằng những người đi trước (2).

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Lục Du “Lão Học Am bút kí” quyển 3. Thượng Hải thư điếm.
(2)- Tham khảo  Đới Dật 戴逸 luận về “Hán học” đời Thanh, đăng trong “Thanh sử nghiên cứu tập”, tập 2.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(*)- NGŨ HỒ LOẠN HOA 五胡乱华: thời Đông Tấn, nhiều liên minh bộ lạc du mục phương bắc nhân vương triều Tây Tấn ở trung nguyên suy yếu đã đại quy mô nam hạ kiến lập nhà nước tạo thành thế đối lập với chính quyền chính thống . Ngũ Hồ gồm liên minh bộ lạc du mục người Hồ, có: Hung Nô 匈奴, Tiên Ti 鲜卑, Yết , Khương , Đê.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/40251.htm
(**)- Theo http://baike.baidu.com/view/492769.htm, câu này là
          Hà vật Hán tử, ngã dữ quan bất khẳng tựu.
何物汉子, 我与官不肯就.
(***)-  Chiến tranh nha phiến ở Trung Quốc xảy ra 2 lần:
          Lần thứ 1 từ năm 1840 đến 1842
          Lần thứ 2 từ năm 1856 đến 1860.  (ND)

                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 03/9/2013

Nguyên tác Trung văn
HÁN THUỶ, HÁN TỬ, HÁN HỌC
ĐÀM “HÁN”
汉水汉子汉学
Trong quyển
HÁN TỰ THẬP THÚ
汉字拾趣
Tác giả: Kỉ Đức Dụ 纪德裕
Phúc Đán đại học xuất bản xã, 1998.
Previous Post Next Post