Dịch thuật: Tập tục làm mai và xem mặt trong hôn lễ

TẬP TỤC LÀM MAI VÀ XEM MẶT TRONG HÔN LỄ

1- Làm mai
           Lễ tục Trung Quốc thường nhấn mạnh:
Thiên thượng vô vân bất há vũ, địa thượng vô môi bất thành thân
天上无云不下雨, 地上无媒不成亲
(Trên trời không mây sẽ không có mưa, dưới đất không có bà mai sẽ không thành vợ chồng)
Bà mai có tác dụng rất lớn trong hôn nhân truyền thống. Nam nữ hai bên cần phải kinh qua những lời mai mối mới có thể kết thành vợ chồng. Người làm mai nhận lãnh trách nhiệm làm chiếc cầu nối cho hai bên nam nữ, “nhận sự uỷ thác của người”.
Trước đây, bà mai sau khi hoàn thành việc mai mối, có thể nhận một khoản tiền, gọi là “tạ môi lễ” 谢媒礼. Khoản tiền này do nhà trai chi trả (Nếu là nhà trai đến nhà gái thì do nhà gái chi trả). Trước ngày thành hôn một ngày, phải đem gà, vịt, chân giò, giày vớ, vải đến nhà bà mai để tặng. Ngày hôm sau bà mai nhất định sẽ dẫn đoàn đi rước dâu, gọi là “khải môi” 启媒. Tiền để tạ cho bà mai nhiều ít do điều kiện kinh tế của chủ  nhà quyết định. Nhưng bất luận là nhiều hay ít cũng đều phải dùng giấy đỏ gói lại, gọi là “hồng bao” 红包 hoặc “bao phong” 包封.
2- Xem mặt
          Thời cổ, các cô gái đều “đại môn bất xuất, nhị môn bất tiến” 大门不出, 二门不进, chỉ ở chốn phòng khuê nên khó mà biết được dung mạo. Sau khi bà mai ngỏ lời, nhà trai đề xuất yêu cầu “nhìn mặt”. Lần đầu tiên bà mai đưa nhà trai đến nhà gái gọi là “tướng thân” 相身, tục gọi “khán thân” 看身.
          Ngày xem mặt do nhà trai đề xuất, bà mai sẽ thông báo cho nhà gái, hai bên đều cần phải làm tốt việc chuẩn bị. Nhà trai mang một số lễ vật, lễ vật không cốt ở nhiều mà cốt ở thành ý. Bản thân nam nữ là vai chính phải trang điểm đẹp để chiếm được thiện cảm của đối phương. Nếu nhà trai được cha mẹ nhà gái lưu lại khoản đãi, như vậy đã nhận được sự đồng ý của cha mẹ nhà gái. Nếu nhà gái trù trừ không chịu chuẩn bị cơm nước để mặc cho nhà trai cáo từ ra về, có nghĩa là hôn sự không thành. Việc này đương nhiên là không thể nói thẳng ra, mà là do nhà trai và bà mai quan sát sắc mặt cùng lời nói của nhà gái mà biết được.
          Cũng có khi nhà gái đi đến “thăm” nhà trai, một số nơi gọi là “khán đang” 看当. Nếu cha mẹ nhà gái không nhận sự khoản đãi của nhà trai, cố ý cáo từ, có nghĩa là hôn sự khó thành, và đương nhiên nhà trai không thể miễn cưỡng lưu giữ. Thông  qua việc quan sát gia đình nhà trai, nếu cha mẹ nhà gái vui vẻ nhận lời mời hoặc uống cạn li trà, như vậy thành công của hôn sự đã đạt được đến 8, 9 phần 10.

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 17/7/2013

Nguồn
TÀI VẬN NHÂN DUYÊN CÁT HUNG HOẠ PHÚC
财运姻缘吉凶祸福
Tác giả: Tôn Bảo Quang 孙保光
Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2007.
Previous Post Next Post