Dịch thuật: Tập tục treo xương bồ, ngải diệp ngày tết Đoan Ngọ

TẬP TỤC TREO XƯƠNG BỒ NGẢI DIỆP
 NGÀY TẾT ĐOAN NGỌ

          Tết Đoan Ngọ 端午 còn gọi là tết Đoan Dương 端阳. “Đoan” có nghĩa là mới. Các tháng âm lịch của Trung Quốc sắp xếp theo can chi, tháng mười một là “tháng Tí”, đến tháng 5 của năm sau là “tháng Ngọ”. Chữ “ngọ” đồng âm với chữ “ngũ” , lại là đơn số thuộc dương, cho nên tết Đoan Ngọ còn gọi là tết Đoan Đương.
          Tháng 5 âm lịch là mùa thường phát sinh thiên tai nhân hoạ, vào thời cổ không được mọi người ưa thích, nhân vì khoảng tháng 5 là lúc Hoàng hà và Trường giang dâng nước, thường có thuỷ tai. Mưa nhiều, độ ẩm cao, nấm mộc bệnh độc nảy sinh nhanh chóng, nên thường xảy ra nhiều bệnh tật. Nhưng cũng do bởi ngày mồng 5 tháng 5 năm 278 trước công nguyên, nhà thơ yêu nước vĩ đại Khuất Nguyên 屈原 tự trầm tại sông Mịch La 汨罗, để tưởng nhớ ông, nhân dân đã làm bánh thả xuống sông, đua thuyền rồng, đem tết Đoan Ngọ liên hệ với những hoạt động tưởng nhớ Khuất Nguyên, từ đó dần dần đã thay đổi cách nhìn đối với tháng 5. Đến thời Đường, Đoan Ngọ chính thức được quy định là một tết lớn. Hàng năm vào tết Đoan Ngọ, các nơi trên đất nước Trung Quốc đều có đua thuyền rồng, ăn bánh ú, treo xương bồ, cắm ngải diệp để kỉ niệm nhà thơ yêu nước vĩ đại.
          Tập tục tết Đoan Ngọ treo xương bồ, ngải diệp bắt đầu vào cuối thời Đường. Truyền thuyết kể rằng: vào năm 874, Hoàng Sào 黄巢 theo Vương Tiên Chi 王仙芝 khởi nghĩa. Đến năm thứ 3, Hoàng Sào dẫn một đội binh mã tiến vào Giang Tây. Một hôm, họ đến một thôn trang, khắp nơi tìm không được cái ăn, bụng vô cùng đói. Đang lúc khó khăn bỗng nhìn thấy có khói bốc lên từ một gian nhà tranh, Hoàng Sào tiến đến, chỉ thấy một bà lão đang nấu cháo bên bếp. Hoàng Sào hỏi bà lão nơi nào có thức ăn? Bà lão đáp rằng: “Người trong thôn đều chạy hết, thức ăn họ cũng mang theo. Ông đói như thế thôi thì ăn cháo của tôi đi!”. Hoàng Sào thấy bà lão là một người lương thiện, không nỡ ăn. Bà lão nghĩ bụng rằng: Mọi người nói Hoàng Sào là một hung thần ác độc, gặp người là giết, hoàn toàn không phải như vậy, ngược lại còn tốt hơn địa chủ ở trong thôn. Bà lão liền nói với Hoàng Sào: “Tôi xem các ông không giống với ác ma mà mọi người thường nói. Đói như thế mà thấy cháo đã nấu xong vẫn không ăn, các ông là người lương thiện. Tôi nói cho các ông biết, gian nhà ngói ở trong thôn kia là của một tay quan lại. Hắn nghe nói các ông tới nên đã đem dấu dưới hầm. Các ông mau đến đó lấy”. Hoàng Sào lập tức lệnh cho anh em đi lấy, kết quả đào lên một số lớn lương thực, giải quyết được cái đói. Mấy ngày sau, đội quân của Hoàng Sào rời thôn, trước lúc lên đường, Hoàng Sào từ biệt bà lão, nói với bà lão rằng: “Sang năm quân khởi nghĩa của chúng tôi đánh tới Trường An, trước sau ngày Đoan Ngọ sẽ đi qua nơi đây, đến lúc đó bà hái xương bồ và ngải diệp treo nơi cửa, anh em chúng tôi trông thấy biết là nhà người tốt, sẽ không làm hại”.
          Đến ngày Đoan Ngọ năm sau,  bà lão theo lời dặn của Hoàng  Sào bảo mọi người trong thôn treo xương bồ và ngải diệp lên cửa. Khi quân khởi nghĩa Hoàng Sào khi đi ngang qua thôn đã giữ đúng lời hứa, toàn thôn được bình an. Chuyện đó một đồn mười, rồi mười đồn trăm, tiếng đồn nhanh chóng lan ra khắp nơi. Từ đó hàng năm cứ đến ngày tết Đoan Ngọ, trên cửa của mọi nhà đều treo xương bồ và ngải diệp, tập tục đó lưu truyền đến ngày nay.
         Tập tục truyền thống tết Đoan Ngọ mỗi nơi có những điểm khác nhau. Như: tại Hồ Nam 湖南, Tương trung 湘中 và khu vực tân hồ, người ta đem xương bồ xắt nhỏ, thêm tỏi và nhánh ngải diệp vào, dùng chỉ xâu thành chuỗi dài khoảng 12cm đeo trước ngực trẻ em, lại dùng rượu hùng hoàng viết chữ “vương” lên trán đứa trẻ để trừ tà bệnh. Khu vực Y Xuân 伊春, Diên Biên 延边 ở đông bắc, vào ngày tết Đoan Ngọ mọi người đi chơi từ lúc sáng sớm, khoảng 2, 3 giờ sáng đã thức dậy ra đi, vừa đi vừa hái lá cây cỏ hao, dùng sương trên lá cỏ hao bôi lên mắt, mọi người tin rằng làm như thế có thể trừ tà giúp cho mắt sáng. Ở khu vực Triết Giang 浙江 vào ngày tết Đoan Ngọ, các cô gái dùng cánh hoa phụng tiên bôi đỏ lên móng tay rồi kết bạn vui đùa, cùng nhau thổ lộ tâm sự hoặc những “bí mật” về tình duyên của mình.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 12/6/2013
                                                                   Tết Đoan Ngọ năm Quý Tị

Nguyên tác Trung văn
ĐOAN NGỌ TIẾT  - QUẢI XƯƠNG BỒ NGẢI DIỆP
端午节 - 挂菖蒲艾叶
Trong quyển
TÀI VẬN NHÂN DUYÊN CÁT HUNG HOẠ PHÚC
财运姻缘吉凶祸福
Tác giả: Tôn Bảo Quang 孙保光
Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2007.
Previous Post Next Post