Dịch thuật: Vịnh sử: Quan gia phủng biểu nhân



官家捧表人
段汝諧
那能一表動深情
運到從教筆亦靈
風雨長跪迴日鑒
奇逢天為福書生
               阮輝濡

Phiên âm
QUAN GIA (1) PHỦNG BIỂU NHÂN
ĐOÀN NHỮ HÀI (2)
Na năng nhất biểu động thâm tình
Vận đáo tùng giao bút diệc linh
Phong vũ trường quỳ hồi nhật giám
Kì phùng thiên vị phúc thư sinh
                                                 NGUYỄN HUY NHU (3)

Dịch nghĩa
NGƯỜI BƯNG BIỂU CỦA QUAN GIA
ĐOÀN NHỮ HÀI
Làm sao mà một bài biểu có thể gây xúc động được tình cha con như thế
Thời vận đến khiến cho bút cũng hoá thành linh diệu
Dù gió mưa vẫn cứ quỳ cả buổi, có trời chứng giám
Với cuộc gặp gỡ lạ kì này, trời đã ban phúc cho kẻ thư sinh.

Dịch thơ
NGƯỜI BƯNG BIỂU CỦA QUAN GIA
ĐOÀN NHỮ HÀI
Bài biểu dâng lên cảm động tình
Vận may đã khiến bút thêm linh
Đem thân quỳ mãi dù mưa gió
Kì diệu trời cao giúp học sinh

Chú của người dịch
(1)- Quan gia 官家: từ tôn xưng của bề tôi đối với vua. Tôn xưng này thấy đầu tiên ở Tấn thư – Thạch Quý Long tái kí 晋书 - 石季龙载记. Trong Tư trị thông giám – Tấn Thành Đế Hàm Khang tam niên 资治通鉴 - 晋成帝咸康三年, Hồ Tam Tỉnh 胡三省 đã chú rằng:
          Tây Hán vị thiên tử vi Huyện quan, Đông Hán vị thiên tử vi Quốc gia, cố kiêm nhi xưng chi. Hoặc viết: Ngũ Đế quan thiên hạ, Tam Vương gia thiên hạ, cố kiêm xưng chi.
          西汉谓天子为县官, 东汉谓天子为国家, 故兼而称之. 或曰: 五帝官天下, 三王家天下,故兼称之.
          (Thời Tây Hán gọi thiên tử là Huyện quan, thời Đông Hán gọi thiên tử là Quốc gia, cho nên gọi chung như thế. Cũng có thuyết nói rằng: Ngũ Đế lấy thiên hạ làm của công, Tam Vương lấy thiên hạ làm nhà, cho nên gọi chung như thế).
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/557107.htm     
          Ở Đại Việt sử kí toàn thư bản chữ Hán, quyển 5 tờ 16 a – b  là:
Chiếu thiên hạ xưng Đế vi Quốc gia
詔天下稱帝為國家
                           (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1998)
          Theo Đại Việt sử kí toàn thư, bản dịch và chú thích của Hoàng Văn Lâu:
          - Năm Canh Tuất niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 19 (năm 1250) đời Trần Thái Tông:
Xuống chiếu cho thiên hạ gọi vua là quan gia.
và cước chú ghi rằng rằng:
          Nguyên văn là “quốc gia”, ngờ là bản in nhầm. Vì “quan gia” là tiếng để gọi vua đời Trần, thường hay gặp. Chưa có sách nào gọi vua là “quốc gia”. Chúng tôi sửa lại (tập 2, trang 30)
          - Năm Đinh Sửu niên hiệu Bảo Phù thứ 5 (năm 1277), vua Trần Thánh Tông từng hỏi Uy Văn Vương Trần Quốc Toại về ý nghĩa từ “Quan gia”. Ông đáp:
        Năm đời đế lấy thiên hạ làm của công (quan), ba đời vương lấy thiên hạ làm của nhà (gia) nên gọi là quan gia.  (tập 2, trang 61)
                                                         (Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội 2003)
(2)- Đoàn Nhữ Hài 段汝諧 (1280 – 1335): người làng Hội Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (nay là huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương) là một danh thần đời nhà Trần. Ông làm quan trải 3 đời vua Trần Anh Tông (1293 – 1314), Trần Minh Tông (1314 – 1329) và Trần Hiến Tống (1329 – 1341), là người có năng lực hoạt động về ngoại giao và nội trị, lần lượt nắm giữ các chức vụ Ngự sử trung tán, Tham tri chính sự, Hành khiển, Thiên tử chiêu dụ sứ, Kinh lược Nghệ An.
          Ông hi sinh trong cuộc chinh phạt Ai Lao năm 1335.
          Nguồn http://vi.wikipedia.org/wiki
          Trong Đại Việt sử kí toàn thư chép rằng:
          Tháng 5, lấy Đoàn Nhữ Hài làm Ngự sử trung tán.
          Bấy giờ Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường trở về kinh sư. Các quan trong triều không ai biết cả, vua thì uống rượu xương bồ say khướt. Thượng hoàng thong thả đi thăm các cung điện, từ giờ Thìn đến giờ Tị. Cung nhân dâng bữa, Thượng hoàng ngoảnh nhìn không thấy vua, lấy làm lạ, hỏi là Quan gia ở đâu? Cung nhân vào trong nội đánh thức, nhưng ngài không tỉnh. Thượng hoàng giận lắm, lập tức trở về Thiên Trường, xuống chiếu cho các quan ngay ngày mai đều phải tới phủ Thiên Trường để điểm danh, ai trái lệnh sẽ bị xử tội.
          Đến giờ Mùi vua mới tỉnh, cung nhân đem việc ấy tâu lên. Vua sợ qua, đi rảo ra khỏi cửa cung không thấy ai coi giữ; qua chùa Tư Phúc, thấy học sinh Đoàn Nhữ Hài ở cửa chùa. Vua hỏi: “Sao ngươi lại ở đây?” Nhữ Hài vội vàng lạy rạp xuống đất tâu: “Thần vì mải học, đi lỡ ra đây”. Vua bèn dẫn Nhữ Hài vào buồng ngủ và bảo:
          “Vừa rồi trẫm vì say rượu, có tội với Thượng hoàng, giờ trẫm định đến trước mặt ngài tạ tội, ngươi hãy thảo cho trẫm bài biểu”.
          Nhữ Hài đứng trước mặt vua, soạn xong tờ biểu. Vua bèn lấy thuyền nhẹ đi ngay, cho Nhữ Hài theo mình.
          Sáng sớm hôm  sau, vua tới phủ Thiên Trường, dâng biểu tạ tội. Thượng hoàng thấy Nhữ Hài, liền hỏi là người nào. Nội nhân trả lời là người dâng biểu của Quan gia. Thượng hoàng không nói gì.
        Buổi chiều, mưa gió to ập đến. Nhữ Hài vẫn cứ quỳ không nhúc nhích. Thượng hoàng hỏi: “Người ở trong sân có còn đấy không”. Nội nhân đáp rằng còn. Thượng hoàng bèn sai nhận biểu để xem, thấy lời lẽ khẩn thiết cho gọi vua vào bảo:
          “Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà ngươi còn như thế, huống chi sau này?”.
          Vua rập đầu tạ tội. Thượng hoàng hỏi: “Ai soạn biểu cho ngươi”.
          Vua thưa: “Đó là thư sinh Đoàn Nhữ Hài”.
          (Sử cũ chép việc này vào năm Mùi đời Minh Tông, nay xét nên để ở đây)
          Thượng hoàng bèn gọi Nhữ Hài vào và bảo: “Bài biểu ngươi soạn, rất hợp lòng trẫm”.
          Rồi xuống chiếu cho Quan gia lại vẫn làm vua; các quan về triều như cũ.
          Vua từ Thiên Trường trở về [Kinh], phong Nhữ Hài làm Ngự sử trung tán. (tập 2, trang 113, 114)
                                                   (Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội 2003)
(3)- Nguyễn Huy Nhu 阮輝濡 (1887 – 1962): còn gọi là Nghè Nhu, là một danh sĩ Nho học và nhà giáo dục Việt Nam đầu thế kỉ 20. Ông là người làng Vạn Lộc, tổng Thượng Xá, huyện Nghi Lộc, phủ Hưng Nguyên (nay là phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò) tỉnh Nghệ An. Nguyên quán ông ở xã Bột Thái, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá, tổ tiên dời vào Nghệ An.
          Ông đỗ Cử nhân khoa Kỉ Dậu 1909, sau đó được sung chức Giáo thụ phủ Quảng Ninh, Huấn đạo hạng nhất. Năm 1916, ông đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn, dưới triều vua Khải Định khi mới 30 tuổi.
          Bia Văn miếu Huế chép ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, đứng thứ 5 trong số 7 Tiến sĩ của khoa này. Về sau ông làm quan đến Hàn lâm viện tu soạn, Đốc học Quảng Ninh.
          Khi Viện đại học Huế thành lập năm 1957, ông được mời làm giáo sư môn Hán văn.
          Ông qua đời năm 1962.
          Ở trang đầu trong tập thơ ghi là:
Lư Phong Nguyễn Huy Nhu Bính Thìn Tam giáp Tiến sĩ Lễ bộ tá lí.
山盧(*)峯阮輝濡丙辰三甲進士礼步佐理
    (Chữ “Lư” này gồm bộ bên trái và chữ bên phải)

          Bài Quan gia phủng biểu nhân là bài thứ 6 trong 11 bài Vịnh sử 咏史 ở tập Bí viên thi thảo 賁園詩草 của Lư Phong Nguyễn Huy Nhu. Đây là tập thơ chữ Hán gồm hơn 150 bài, chủ yếu được làm theo thể Đường luật thất ngôn bát cú và thất ngôn tứ tuyệt. Trong số hơn 150 bài, có một số bài của các tác giả khác mà ông hoạ lại, và cũng có một số bài của các tác giả khác hoạ lại thơ ông.
          Cuối tập là phần Độc Bí viên thi tập đề hậu 讀賁園詩草集題後 gồm hơn 10 bài của bạn bè, cùng 19 bài phụ lục khác.

                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn 29/3/2013
Previous Post Next Post