Dịch thuật: Y Doãn phò tá vua nhà Thương


Y DOÃN PHÒ TÁ VUA NHÀ THƯƠNG

          Y Doãn 伊尹, tên Y (có thuyết cho là tên Chí ), Doãn là quan danh, là một mưu thần thời vua Thang nhà Thương.
          Y Doãn là một đại thần mang màu sắc truyền kì trong lịch sử Trung Quốc. Truyền thuyết kể rằng Y Doãn là một đứa bé may mắn sống sót bị trôi đến bọng cây dâu trong cơn hồng thuỷ. Từ nhỏ Y Doãn đã sống nơi ngự thiện phòng của nước Hữu Sằn 有莘, tướng mạo không đẹp nhưng thông minh, làm món ăn rất ngon, thường nhân cơ hội phục vụ tân khách nghe ngóng sự tình các nước, hiểu rõ sự biến hoá hình thế chính trị. Về sau Y Doãn làm thầy của công chúa nước Hữu Sằn.
          Vua Thang lúc bấy giờ rất nổi tiếng trong số các nước chư hầu, được khen là nhân hậu hiền năng. Vua Thang cầu hôn công chúa nước Hữu Sằn, Y Doãn tự nguyện làm bề tôi bồi giá đến nước Thương. Đến nước Thương, Y Doãn được cử làm đầu bếp của ngự thiện phòng. Để gây được sự chú ý của vua Thang, Y Doãn làm cho vua nhiều món ăn hợp khẩu vị. Bề tôi nhà Thương là Trọng Huỷ 仲虺 cũng phát hiện Y Doãn là một nhân tài hiếm có, liền tiến cử lên cho vua Thang. Quả nhiên Y Doãn đã gây được sự chú ý của vua Thang, và đã được triệu kiến. Khi bái kiến vua Thang, Y Doãn nói về đạo trị quốc, Y Doãn nói với vua Thang rằng:
          Cai trị một đất nước giống như khi nấu một món ăn cho vào gia vị, chỉ có cho đúng liều lượng mới có hiệu quả
          Vua Thang rất tán thưởng những lời nói và kiến thức của Y Doãn, từ ngự trù Y Doãn được điều đến triều đình giữ chức Hữu tướng 右相.
          Sau khi nhậm chức Hữu tướng, Y Doãn một mặt giúp vua Thang chế định chính sách làm cho nước giàu binh mạnh, thu phục nhân tâm, mặt khác phái người liên lạc với Muội Hỉ 妹喜, phi tử bị thất sủng của vua Kiệt để dọ thám động tĩnh của Hạ Kiệt. Dưới sự giúp đỡ của Y Doãn, thế lực của vua Thang ngày càng mạnh, cuối cùng diệt được vương triều Hạ, kiến lập triều Thương.
          Sau khi triều Thương kiến lập, Y Doãn phò tá vua Thang chấp chính 30 năm, có được những chính tích không nhỏ. Sau đó lại phò tá 2 người con của vua Thang là Ngoại Bính 外丙 và Trọng Nhâm 仲壬. Hai vị quốc quân này mạng số  ngắn ngủi, chỉ được mấy năm thì nối tiếp nhau mà mất, Y Doãn lập cháu của vua Thang là Thái Giáp 太甲 làm vua.
          Thái Giáp sau khi kế vị không tuân thủ pháp độ của vua Thang, tàn bạo đối với bách tính, không quan tâm đến đại thần trong triều, không ngó ngàng gì đến việc dân việc nước. Y Doãn khuyên can, Thái Giáp đã không nghe lại trêu Y Doãn từng là nô lệ nơi nhà bếp. Thấy Thái Giáp không chịu tỉnh ngộ, Y Doãn liền cùng với các đại thần đày ông ta đến Đồng cung 桐宫 (1) nơi phần mộ của vua Thang để ông ta tu tỉnh lại. Trong thời gian Thái Giáp bị đày, Y Doãn đã viết cho ông ta những bài huấn như Y huấn 伊训, Tư mệnh 肆命, Tổ hậu 祖后, dạy cho ông ta biết cách làm vua. Thái Giáp ở Đồng cung 3 năm, đọc kĩ những lời giáo huấn của Y Doãn, dần nhận thức được những lỗi lầm của mình và đã thành khẩn hối cải. Sau khi nghe được tin ấy, Y Doãn liền mang y phục quan miện của vua nhà Thương đến rước Thái Giáp về lại đô thành, lên ngôi trở lại. Thái Giáp sau khi trở lại vương vị quả nhiên đã sửa đổi những lỗi lầm trước đó, dưới sự giúp đỡ của Y Doãn, triều Thương lại xuất hiện cục diện phồn vinh tươi sáng.
          Y Doãn sống rất thọ, sau khi Thái Giáp mất, ông lại phò tá con của Thái Giáp là Ốc Đinh 沃丁 lên ngôi, và mấy năm sau đó mới mất.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- ĐỒNG CUNG 桐宫: cung thất nơi đất Đồng đời Thương, tương truyền nơi này là nơi an táng vua Thang. Y Doãn từng đày Thái Giáp ra nơi đó. Di chỉ tại huyện Lâm Chương 临璋 tỉnh Hà Bắc 河北 ngày nay.
          Trong nguyên tác in nhầm là Đồng quan 桐官.

                                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                                            Quy Nhơn 18/02/2013

Nguyên tác Trung văn
Y DOÃN TÁ THƯƠNG VƯƠNG
伊尹佐商王
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007.
Previous Post Next Post