Dịch thuật: Quan chế địa phương


QUAN CHẾ ĐỊA PHƯƠNG

          Đơn vị hành chính địa phương thời Xuân Thu có ấp huyện. Vị trưởng quan ấp huyện, nước Lỗ nước Vệ gọi là Tể , nước Tấn gọi là Đại phu 大夫, nước Sở gọi là Lệnh doãn 令尹. Thời Chiến quốc có quận có huyện, trưởng quan của quận là Thú , chủ yếu nắm giữ quân sự; trưởng quan của huyện là Lệnh , chủ yếu nắm giữ dân sự. Về sau quận lãnh huyện, hình thành đơn vị hành chính địa phương quận huyện 2 cấp.
          Thời Tần Hán, huyện có vạn hộ trở lên, trưởng quan gọi là Lệnh ; huyện chưa tới vạn hộ, trưởng quan gọi là Trưởng . Huyện thừa 縣丞 giúp xử lí chính sự của huyện, Huyện uý 縣尉 nắm giữ việc trị an. Trưởng quan của huyện thời Tuỳ Đường gọi chung là Lệnh . Thời Tống quan viên trung ương được phái nắm giữ chính quyền của huyện thì được gọi là “Tri XX huyện sự” XX 縣事, gọi tắt là Tri huyện 知縣. Thời Minh Thanh vẫn dùng danh xưng Tri huyện, thời Nguyên thì gọi là Huyện doãn 縣尹. Huyện của các đời có tào duyện sử , mỗi cơ quan nắm giữ các việc khác nhau.
          Thời Tần Hán, đơn vị hành chính cấp huyện trở lên là quận. Trưởng quan hành chính của quận thời Tần là Quận thú 郡守, nắm giữ quân sự là Uý , nắm giữ việc giám sát là Giám ngự sử 監御史, gọi tắt là Giám . Quận thừa 郡丞 là phó quan của Quận thú. Thời Hán, Quận thú đổi gọi là Thái thú 太守, về sau nhân kiêm lãnh quân sự cho nên có danh xưng Quận tướng 郡將. Thuộc quan của quận trừ các tào ra còn có Đốc bưu 督郵, Chủ bạ 主簿. Đốc bưu giám sát công tội thiện ác của quan lại thuộc huyện, đồng thời trừng trị bọn cường hào gian ác ở địa phương. Chủ bạ nắm giữ văn thư sổ sách (1). Thời Hán, ngang hàng với quận còn có “quốc” , đây là phong địa của con em Hoàng đế, lúc đầu thiết đặt quan lại mô phỏng theo trung ương, sau loạn Ngô Sở 7 nước,  tiến hành cắt giảm, do trung ương phái Tướng xử lí hành chính (2). Tướng và Thái thú tương đương nhau, đều là chức quan 2000 thạch (3), cho nên đời Hán thường dùng “nhị thiên thạch” 二千石 gọi thay cho “quận quốc Thú Tướng” 郡國守相.
          Thời Hán Vũ Đế 漢武帝, cả nước chia làm mười mấy giám sát khu, gọi là Châu hoặc Bộ. Mỗi Châu đặt 1 Thứ sử 刺史 (sau có lúc gọi là Mục ) giám sát quận quốc sở thuộc. Châu ở Kinh sư đặt Tư lệ hiệu uý 司隸校尉, gần giống với Thứ sử. Thử sử có các thuộc quan như Biệt giá tùng sự sử 別駕從事史, Trị trung tùng sự sử 治中從事史. Biệt giá theo Thứ sử đi tuần, Trị trung “chủ chúng tào văn thư”. Thời Đông Hán chiến tranh liên miên, Thứ sử hoặc Châu mục đều nắm giữ binh quyền. Thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều, Thứ sử đa phần mang xưng hiệu Tướng quân, đồng thời được phép thành lập quân phủ, tự đặt liêu thuộc, quyền thế rất lớn (4). Như vậy, Thứ sử có 2 loại thuộc quan, một loại là Biệt giá, Trị trung thuộc hệ thống giám sát, một loại là Trưởng sử 長史, Tư Mã 司馬, Tham quân 參軍 thuộc hệ thống quân sự.
          Thời Tuỳ Đường, đơn vị hành chính cấp huyện trở lên là châu hoặc quận. Trưởng quan của châu là Thứ sử, Trưởng quan của quận là Thái thú (5). Trên thực tế Thứ sử ngang với Thái thú. Người xưa gọi Thứ sử hoặc Thái thú là Sứ quân 使君. Liễu Tông Nguyên 柳宗元 đã viết Vĩnh Châu Vi Sứ quân tân đường kí 永州韋使君新堂記 cho Vĩnh Châu Thứ sử Vi Trụ 韋宙, cuối bài kí viết: “Biên dĩ vi nhị thiên thạch khải pháp” 編以為二千石楷法 (Biên chép vào thư tịch làm gương cho Thứ sử). “Nhị thiên thạch” ở đây là dùng theo cách xưng hô quận quốc Thú Tướng đời Hán, kì thực chỉ Thứ sử, vị trưởng quan hành chính của châu lúc bấy giờ. Thứ sử đã thành trưởng quan hành chính, thế thì 2 loại xưng hiệu thuộc quan của Thứ sử đời trước cũng là quan hiệu của hệ thống hành chính. Hiểu được điểm này sẽ biết quan Tư mã của châu quận thời Tuỳ Đường kì thực không nắm giữ việc võ.
          Thời Đường, trung ương đối với việc giám sát địa phương, lúc đầu phái quan viên xuất tuần các châu, gọi là Truất trắc sứ 黜陟使 (có quyền bãi miễn hoặc thăng chức cho các quan lại địa phương). Về sau cả nước chia thành một số đạo, mỗi đạo phái 1 viên quan ở kinh tuần sát châu huyện sở thuộc, trước sau gọi là Tuần sát sứ 巡察使, Án sát sứ 按察使, Thái phỏng xử trí sứ 採訪處置使, Quan sát sứ 觀察使. Thời Đường, lại họp một số châu vùng biên giới làm một trấn, đặt Tiết độ sứ 節度使, kiêm các sứ như độ chi 度支, doanh điền 營田, quan sát 觀察, nắm giữ đại quyền quân chính, dân chính, tài chính và giám sát của một vùng. Quan sát sứ, Tiết độ sứ có Phán quan 判官, giữ việc ghi chép và Thôi quan 推官. Lúc đầu Tiết độ sứ được thiết đặt ở những trấn quan trọng ở biên phòng, về sau ở nội địa cũng thiết đặt một cách phổ biến, hình thành cục diện phiên trấn cát cứ. Thời Tống phế bỏ chế độ phiên trấn, Tiết độ sứ chỉ là hư hàm của tướng soái đại thần được sủng ái và của tông thất có công. Ngoài ra chia cả nước ra làm một số lộ, mỗi lộ đặt Chuyển vận sứ 轉運使, nắm giữ tài chính thuế khoá của một lộ.
          Thời Tống, đơn vị hành chính cấp huyện trở lên là châu , chính quyền của châu do trung ương phái quan viên đến quản lí gọi là “Tri X châu quân châu sự” X州軍州事 (“quân” chỉ quân đội địa phương, “châu” chỉ dân chính), gọi tắt là Tri châu 知州. Châu có Thông phán 通判 gọi là Giám châu quan 監州官, không giống với chức phó của đời sau. Thuộc quan của châu có Phán quan 判官 quản lí công việc hành chính, có Thôi quan 推官 nắm giữ việc tư pháp. Ngang hàng với châu còn có phủ, quân, giám. Thiết đặt quan lại đại để tương đồng với châu.
          Thời Tống không có Thái thú, Thứ sử cũng chỉ là hư hàm. Âu Dương Tu 歐陽修 khi giữ chức Tri Trừ châu 知滁州 viết Tuý Ông đình kí 醉翁亭記 có nhắc đến Thái thú, viết Phong lạc đình kí 豐樂亭記 nhắc đến Thứ sử, đều là cách gọi cũ theo các đời trước.
          Thời Nguyên, cơ cấu hành chính địa phương tối cao là Trung thư sảnh 中書省, thể chế giống trung ương, cũng có Thừa tướng, Tham tri chính sự. Đầu đời Minh theo chế độ đời Nguyên, về sau đổi gọi là Thừa tuyên bố chính sứ ti 承宣布正使司, gọi tắt là Bố chính ti 布正司, nhưng vẫn quen gọi là “sảnh” . Trưởng quan là Tả Hữu Bố chính sứ, nắm giữ việc hành chính một tỉnh. Thời Minh khi có chiến tranh, phái triều thần xuất tuần địa phương, xử lí quân vụ, gọi là Tuần phủ 巡撫. Nếu gặp phải vấn đề quân sự liên quan đến nhiều tỉnh, khi Tuần phủ không thể giải quyết, sẽ phái Tổng đốc 總督 xử lí. Tổng đốc, Tuần phủ đều là chức quan  lâm thời, không được xem là quan địa phương chính thức. Thời Thanh, Tổng đốc, Tuần phủ mới trở thành “phong cương đại sứ” 封疆大使 cố định, Tuần phủ là vị trưởng quan tối cao cấp tỉnh, Tổng đốc nắm giữ việc quân việc dân trọng yếu của 2 hoặc 3 tỉnh. Như vậy, Bố chính sứ chỉ nắm giữ tài chính và nhân sự, trở thành cấp dưới của Tuần phủ.
          Thời Minh Thanh, 1 tỉnh chia làm mấy đạo, dưới đạo có phủ có châu. Trưởng quan của phủ châu gọi là Tri phủ, Tri châu. Cấp phó, nếu phủ thì có Đồng tri 同知, Thông phán 通判; nếu châu thì có Châu đồng 州同 (Đồng tri 同知), Châu phán 州判. Có 2 loại châu: trực lệ châu ngang với phủ; tán châu lệ thuộc phủ, tương đương với huyện (*).

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Chức Đốc bưu 督郵 quyền rất lớn, đời Đường về sau mới phế bỏ. Thời cổ quan thự nói chung đều đặt ra Chủ bạ, từ đời Tống về sau, Chủ bạ của huyện và Thừa Uý đều là trợ lí cho huyện lệnh (Tri huyện).
(2)- Thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều đổi gọi là Nội sử 內史.
(3)- Chế độ nhà Hán lấy bổng lộc nhiều ít làm tiêu chí cho chức quan, quan 2000 thạch, bổng của một tháng là 120 hộc.
(4)- Không gia thêm xưng hiệu Tướng quân thì gọi là Đơn xa thứ sử 單車刺史. Đời Tấn, Quận thú đa phần cũng gia thêm xưng hiệu Tướng quân.
(5)- Châu thuộc thủ đô hoặc bồi đô gọi là phủ, có Doãn , Thiếu Doãn 少尹.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(*)- Thời Nguyên chia khu vực ra làm 4 cấp: lộ, phủ, châu, huyện. Nhìn chung lộ quản châu và huyện. Châu mà không lệ thuộc vào lộ mà trực tiếp lệ thuộc Trung thư sảnh gọi là trực lệ châu 直隶州, do lộ quản lí gọi là tán châu 散州. Thời Minh Thanh, châu do phủ quản lí gọi là tán châu.

                                       Huỳnh Chương Hưng
                                        Quy Nhơn 23/02/2013
  
Dịch từ nguyên tác Trung văn
Trong quyển
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 3)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục 1998.
Previous Post Next Post