NGỤ Ý CỦA HOA ĐĂNG
TRONG NGÀY TẾT NGUYÊN TIÊU

Hoa đăng có liên quan đến thần cho nên có rất
nhiều ý nghĩa tượng trưng.
Thời cổ, để xua đuổi nỗi lo
sợ tà ma hắc ám, mọi người đã dùng hoa đăng, vì thế hoa đăng là vật mang ý
nghĩa cầu xin sự sáng tỏ, xua đuổi tà ma, ban cho điều phúc. Chữ “đăng” 灯 trong phương ngữ tiếng Mân 闽
phương Nam phát âm gần giống với chữ “đinh” 丁,
cho nên hoa đăng cũng dùng để cầu có được thêm con cái, cầu có được công danh,
cầu được bình an.
Có loại “Quang minh đăng” 光明灯, khi cuối năm cũ sắp đầu năm mới, đem hoa đăng treo
nơi chùa miếu, nhờ phép Phật bảo hộ một năm mới được bình an thuận lợi.
Cũng có khi nhà nông dựng một
cây sào giữa đồng, bên trên treo hoa đăng “Chiếu điền tàm” 照田蚕, nhìn sắc của ngọn lửa mà đoán tình hình năm tới thuỷ
tai hay hạn hán để cầu được mùa.
Về “Phóng thiên đăng” 放天灯 (thả đèn trời), nguồn gốc của nó là: thời loạn lạc trong quá khứ,
sau khi bỏ chạy tứ tán tránh giặc cướp, mọi người đã thả thiên đăng để thông
báo cho nhau tín hiệu được bình an. Do bởi ngày lánh nạn trở về đúng vào rằm
tháng Giêng nên từ đó về sau hàng năm cứ vào ngày này, mọi người dùng nghi thức
phóng thiên đăng để chúc mừng, cho nên thiên đăng còn được gọi là “Kì phúc
đăng” 祈福灯 hoặc “ Bình an đăng” 平安灯.
Về sau dần diễn biến thành một hoạt động dân tục hướng đến trời cầu phúc. Trên
thiên đăng viết những lời cầu mong, hi vọng sẽ đến được thiên đình, mang đến
cho mọi người niềm hi vọng sáng tươi.
Truyền thuyết kể rằng, Đường
Thái Tông Lí Thế Dân 李世民rất quan tâm đến việc
học, luôn động viên mọi người cho con đến trường. Tiết mục đầu tiên lúc nhập học
gọi là “khai đăng” 开灯, đó chính là đem chiếc đèn làm được mang đến trường,
xin một vị thầy học rộng biết nhiều thắp đèn lên, tượng trưng cho tiền đồ xán lạn.
Các trường tư trước đây, phần lớn đều khai học sau ngày rằm tháng Giêng, vì thế,
hoa đăng khai học cũng trở thành một nét điểm xuyết trong tết “Thượng nguyên”.
Chủng loại hoa đăng trong tết
Nguyên tiêu rất nhiều, hoặc mô phỏng hình tượng sự vật làm ra “hình tượng đăng”
như: long đăng, hổ đăng, thố đăng …
hoặc căn cứ những câu chuyện dân gian làm ra “hoạt động
đăng” như chuyện Ngưu Lang Chức Nữ, chuyện nhị thập tứ hiếu … biểu hiện tinh thần
dân tộc trung hiếu tiết nghĩa. Các loại hoa đăng chế tạo rất tinh xảo, thể hiện
kĩ năng và trí tuệ của người thợ.
Theo sự
phát triển của thời đại, hội hoa đăng Nguyên tiêu ngày càng náo nhiệt, thời
gian vui chơi cũng ngày càng kéo dài. Hội hoa đăng ở đời Đường là 3 ngày: từ
trước Thượng nguyên 1 ngày đến sau Thượng nguyên 1 ngày. Đời Tống là 5 ngày:
sau ngày 16 thêm 2 ngày nữa. Đời Minh kéo dài đến 10 ngày: từ ngày mồng 8 đến
ngày 18. Thời gian vui chơi dài ngắn tuy có khác nhau, nhưng ngày đầu tiên treo
đèn đều gọi là “Thí đăng” 试灯, đúng ngày rằm gọi
là “Chính đăng” 正灯, và ngày cuối cùng gọi là “Tàn đăng” 残灯, “Lan đăng” 阑灯. Cũng có thuyết gọi
là “Thần đăng” 神灯, “Nhân đăng” 人灯,
“Quỷ đăng” 鬼灯. Đêm ngày 14 là “Thần đăng”, treo đèn nơi Thần vị,
treo trước từ đường để tế thần linh cùng tổ tiên; đêm ngày rằm là “Nhân đăng”,
treo đèn ở cửa ra vào, cửa sổ, nơi đầu giường, nơi bàn để trừ sâu trùng có hại;
đêm ngày 16 là “Quỷ đăng”, treo đèn nơi mộ, ruộng đồng để các linh hồn có thể
thoát li được quỷ vực.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 25/02/2013
Trích dịch từ nguyên tác Trung văn
NGUYÊN TIÊU TIẾT
元宵节
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật