Dịch thuật: Hôn nhân


HÔN NHÂN

          Thời Xuân Thu, vua chư hầu cưới con gái của vua một nước khác làm vợ (đích phu nhân), phía nữ sẽ cho điệt (con gái của anh hoặc em trai) và đễ (em gái) làm tuỳ giá 隨嫁. Ngoài ra còn tặng 2 cô gái của  nước cùng một họ với phía nữ làm bồi giá 陪嫁, mỗi người cũng có điệt và đễ đi theo, gọi chung là “dắng” . Đích phu nhân là chính thê, dắng không phải là chính thê. Địa vị của dắng và thiếp có khác nhau. Thiếp bị xem là tiện thiếp, người có thân phận hèn kém, còn thân phận của dắng tương đối cao quý. Thời Chiến quốc không còn chế độ “dắng”.
          Thời cổ, con gái xuất giá gọi là “quy” . Trong Thuyết văn 說文 có nói:
Quy, nữ giá dã
, 女嫁也
(Quy là con gái lấy chồng)
          Bài Đào yêu 桃夭 Chu Nam 周南 trong Thi kinh có ghi:
Chi tử vu quy
Nghi kì thất gia
之子于歸
宜其室家
(Nàng ấy đi lấy chồng
Thì ắt thuận hoà êm ấm cảnh gia đình)
(Theo Tạ Quang Phát: Kinh Thi, tập 1, trang 59
Nxb Văn học, Hà Nội, 1991)
          Con gái xuất giá xem nhà chồng là nhà mình. Trong Bạch Hổ thông 白虎通  có ghi:
Giá giả, gia dã
嫁者, 家也
(Giá là gia)
           Có thể thấy, bản thân chữ “giá” mang ý nghĩa là “hữu gia” 有家 (có nhà). Trong Bạch Hổ thông cũng có ghi:
Thú giả, thủ dã
娶者, 取也
(Thú là thủ)
          Thuyết văn cũng nói:
Thú, thủ phụ dã
, 取婦也
(Thú là lấy vợ)
          Trong Chu Dịch 周易Thi kinh 詩經 đều viết là chữ (thủ), điều này biểu thị con trai đưa con gái nhà khác về nhà mình. Từ 2 chữ “giá” và “thú” có thể chứng minh được phong tục nam tôn nữ ti.
          “Giá” đối với nữ mà nói là bị động, thời cổ chỉ nói “giá nữ” 嫁女 hoặc “giá muội” 嫁妹, không nói “giá phu” 嫁夫. Có thể thấy quyền gả con gái nằm trong tay của cha và anh. “Thú” đối với nam mà nói là chủ động, cho nên thời cổ thường nói “thú thê” 娶妻, “thú phụ” 娶婦 (phụ chính là thê).
          Trong Kinh Thi có 2 lần ca vịnh:
Thú thê như chi hà?
Phỉ mưu bất đắc (1)
娶妻如之何?
匪謀不得
(Cưới vợ thì phải như thế nào?
Không có người mai mối thì không được vợ)
          Vai trò của người làm mai trong hôn nhân thời cổ rất lớn, số mệnh của biết bao nam nữ thanh niên đều nằm trong tay người làm mai.
          Theo những ghi chép, hôn nhân thời cổ phải trải qua 6 thủ tục, gọi là “lục lễ” 六禮.
          - Thứ nhất là “nạp thái” 納采, nhà trai tặng cho nhà gái một lễ vật nhỏ (1 con nhạn), biểu thị ý nghĩa cầu hôn.
          - Thứ hai là “vấn danh” 問名, nhà trai hỏi rõ họ tên nhà gái để về bói xem cát hung.
          - Thứ ba là “nạp cát” 納吉, sau khi tại Thái miếu bói được điềm tốt, nhà trai sẽ đến nhà gái báo hỉ. Khi làm lễ “vấn danh” “nạp cát” đương nhiên cũng phải có lễ vật.
          - Thứ tư là “nạp trưng” 納徵, lễ này đồng nghĩa với việc tuyên bố đính hôn, cho nên sính lễ tương đối long trọng.
          - Thứ năm là “thỉnh kì” 請期, tức chọn ngày tốt để hoàn hôn, tức hướng đến nhà gái trưng cầu sự đồng ý.
          - Thứ sáu là “thân nghinh” 親迎, tức rước dâu.
          Trong 6 lễ đó, “nạp trưng” và “thân nghinh” là quan trọng nhất. Bài Đại minh 大明 Đại nhã 大雅 trong Thi kinh có ghi:
Văn định quyết tường
Thân nghinh ư Vị
文定厥祥
親迎於渭
(Mới làm lễ nạp tệ để thành cuộc hôn nhân tốt lành
Rồi đến rước nàng ở sông Vị)
(Theo Tạ Quang Phát: Kinh Thi, tập , trang 1351
Nxb Văn học, Hà Nội, 1992)
          Thuyết xưa cho rằng Chu Văn Vương 周文王 sau khi bói được điềm tốt nạp trưng đính hôn, đã rước Thái Tự 太姒 ở bờ sông Vị. Đời sau dùng “Văn định” 文定 làm từ thay cho đính hôn.
          Trong Lễ kí – Hôn nghĩa 禮記 - 昏義 có nói đến việc sau khi “thân nghinh”, chú rể và cô dâu sẽ
Cộng lao nhi thực, hợp cẩn nhi ấn (2)
共牢而食, 合巹而酳
(Vợ chồng cùng nhau ăn cơm, cùng nhau uống rượu )
          Đời sau vợ chồng thành hôn gọi là “hợp cẩn” 合巹 chính do đây mà ra.
          Lục lễ nói ở trên đương nhiên là dành cho quý tộc sĩ đại phu, thứ dân đối với lục lễ thường có sự tinh giản.

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Xem Tề phong – Nam sơn 齊風 - 南山; Bân phong – Phạt kha 豳風 - 伐柯. Ở bài sau không có chữ “chi” .
(2)- Lấy trái bầu chẻ ra làm 2 gọi là “cẩn” , chú rể cô dâu mỗi người cầm một nửa mà uống (ấn : uống rượu tráng miệng sau khi ăn), gọi đó là “hợp cẩn”. Đời sau hợp cẩn biến thành “giao bôi” 交杯, chú rể cô dâu giao bôi đối ẩm.

                                          Huỳnh Chương Hưng
                                           Quy Nhơn 8/12/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
Trong quyển
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 3)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục 1998.
Previous Post Next Post