Dịch thuật: Giai cấp, giai tầng


GIAI CẤP, GIAI TẦNG

          Truyền thuyết vua Nghiêu truyền ngôi cho ông Thuấn phù hợp với giai đoạn chế độ công xã nguyên thuỷ; vua Vũ nhà Hạ không truyền hiền mà truyền tử, có thể cho giai đoạn đó là sự tan rã của chế độ công xã nguyên thuỷ. Đời Hạ đã đạt đến chế độ nô lệ hay chưa, vẫn chưa thể biết. Nhưng đến đời Ân, có thể xác thực đoán định đã là xã hội nô lệ.
          Dựa theo một số kết luận của các nhà nghiên cứu lịch sử cổ đại, những từ như “chúng” , “hề” , “bộc” , “thần” , “thiếp” lúc ban đầu đều là nô lệ. “Thần” là nô lệ nam, “thiếp” là nô lệ nữ. Xã hội đầu đời Chu vẫn còn tồn tại một số lượng lớn nô lệ, Chu thiên tử thường lấy nô lệ để ban cho các đại thần. Có nô lệ lao động trong nhà, nhưng lao động chủ yếu của họ vẫn là sản xuất nông nghiệp. Có người nói rằng, 2 câu trong bài Y hi 噫嘻, phần Chu tụng 周頌 trong kinh Thi:
Diệc phục nhĩ canh
Thập thiên duy ngẫu
亦服爾耕
十千維耦
Hãy lo phục vụ việc cày xới
Mười ngàn người đều bắt cặp mà làm.
(Theo Tạ Quang Phát: Kinh Thi, tập 3, trang 1711
NXB Văn học, Hà Nội, 1992)
chính là chỉ 2 vạn nô lệ đang cày ruộng. Trong Thượng thư – Mục thệ 尚書 - 牧誓 có nói: thần thiếp bô đào 臣妾逋逃 đó là chỉ nô lệ bỏ trốn.
          Nô lệ đời Chu còn bị đưa ra chợ bán giống như trâu ngựa. Trong Chu lễ - Địa quan – Chất nhân 周禮 - 地官 - 質人 chép rằng:
Chất nhân chưởng thành thị chi hoá hối nhân dân ngưu mã binh khí trân dị.
質人掌成市之貨賄人民牛馬兵器珍異
          (Chất nhân nắm giữ việc định giá cả hoá vật, nô tì, trâu ngựa, binh khí, những vật quí giá mới lạ)
          Trịnh Huyền 鄭玄 chú rằng:
Nhân dân, nô tì dã
人民, 奴婢也
(Từ “nhân dân” có nghĩa là nô tì)
          Hàng hoá bán xong, cần lập hợp đồng. Loại hợp đồng này gọi là “chất tễ” 質劑. Theo lời chú của Trịnh Huyền: hợp đồng về nô tì trâu ngựa gọi là “chất”, hợp đồng về binh khí trân dị gọi là “tễ”.
          Nô lệ còn bị giết chết như súc vật, điều này biểu thị chế độ tuẫn táng thời thượng cổ. Trong Mặc Tử - Tiết táng hạ 墨子節葬下 có câu:
          Thiên tử sát tuẫn, chúng giả sổ bách, quả giả sổ thập; tướng quân đại phu sát tuẫn, chúng giả sổ thập, quả giả số nhân.
          天子殺殉, 眾者數百, 寡者數十; 將軍大夫殺殉, 眾者數十, 寡者數人.
          (Thiên tử chết, số người tuẫn táng theo nhiều thì cũng vài trăm, ít thì cũng vài chục; tướng quân đại phu chết, số người tuẫn táng theo, nhiều thì cũng vài chục, ít thì cũng vài người)
          Ở đời Ân, những lời nầy hoàn toàn hợp với sự thực. Đến đời Chu, tuy tập tục này có suy giảm (không phải do lòng nhân ái, mà là do sức người là quý), nhưng ở một vài nước vẫn còn thịnh hành. Ví dụ nước Tần, theo Sử kí – Tần bản kỉ 史記 - 秦本紀, khi táng Tần Vũ Công 秦武公, người bị chôn theo là 66 người; khi táng Tần Mục Công 秦穆公, người bị chôn theo là 177 người. (bao gồm 3 người hiền tài mà bài Hoàng điểu 黃鳥 ở Tần phong 秦風 trong kinh Thi thương tiếc). Cũng theo Sử kí – Tần Thuỷ Hoàng bản kỉ 史記 - 秦始皇本紀, khi táng Tần Thuỷ Hoàng, Tần nhị thế lệnh cho hậu cung (phi tần), ai không có con thì đều bị “tùng tử” 從死 (chết theo), “tử giả thậm chúng” 死者甚眾 (người bị chết theo rất nhiều). Thêm vào đó, các thợ đều bị nhốt trong lăng mộ. Uy lực bị lạm dụng này của giai cấp thống trị cổ đại, đến nay vẫn còn khiến cho người ta phẫn nộ.
          Nô lệ và chủ nô lệ là hai giai cấp đối kháng nhau. Chủ nô lệ đời Thương là quý tộc, gọi chung là “bách tính” 百姓 (1), Thương vương là đại biểu tối cao của quý tộc, tự xưng là “Dư nhất nhân” 余一人 (2). Thiên Nghiêu viết 堯曰 trong Luận ngữ 論語 dẫn lời trong Thượng thư – Thái thệ 尚書 - 泰誓:
Bách tính hữu quá, tại dư nhất nhân.
百姓有過, 在余一人
(Bách tính có tội, thì tại “dư nhất nhân”)
          Có thể thấy đầu đời chu vẫn còn cách xưng hô như thế. Về sau “bách tính” trở thành từ đồng nghĩa với “dân”. Dân thời cổ gọi là “lê dân” 黎民, ở nước Tần thì gọi là “kiềm thủ” 黔首.
          Sự kế thừa vương vị ở đời Thương là anh mất thì em thay, không có em mới truyền cho con. Vương vị đời Chu do đích trưởng tử thế tập, các người con còn lại phân phong là chư hầu. (cũng có công thần khác họ được phong là chư hầu). Quân vị chư hầu do đích trưởng tử kế thừa, các người con còn lại phân phong là khanh đại phu. Chư hầu thụ phong quốc ở thiên tử, khanh đại phu thụ thái ấp ở chư hầu. Dưới khanh đại phu là sĩ (đại thể là tông tộc của đại phu). Sĩ thụ lộc điền ở khanh đại phu. Chu thiên tử có thiên hạ, chư hầu có quốc, khanh đại phu có gia. Gia là khu vực thống trị của khanh đại phu, quan chức đảm nhiệm “gia” thông thường là sĩ, xưng là “gia thần” 家臣. Học trò Khổng Tử 孔子 là Nhiễm Hữu 冉有 Quý Lộ 季路 từng đảm nhiệm qua “gia thần” cho Quý Khang Tử 季康子.
          Trong Tả truyện – Chiêu Công thất niên 左傳 - 昭公七年 có nói:
Vương thần công, công thần đại phu, đại phu thần sĩ.
王臣公, 公臣大夫, 大夫臣士
(Vương sai công, công sai đại phu, đại phu sai sĩ)
          Như vậy đã hình thành nên các cấp giai tầng trong nội bộ giai cấp thống trị.
Trước thời Xuân Thu, sĩ là võ sĩ, có nghĩa vụ “cầm giáo mác để bảo vệ xã tắc”. Sau thời Xuân Thu, sĩ là văn sĩ, sĩ dần trở thành thông xưng, gọi phần tử tri thức của giai cấp thống trị.
          Dưới sĩ là thứ nhân, cũng gọi là “thứ dân” 庶民. Thứ nhân thời Tây Chu tuy vẫn là đối tượng dùng để ban tặng, nhưng thân phận của thứ nhân tương đối cao hơn nô lệ, về sau thứ nhân dần trở thành nông dân cá thể. Trong Trang Tử - Vương chế 莊子 - 王制 có nói:
Quân giả, chu dã; thứ nhân giả, thuỷ dã. Thuỷ tắc tái chu, thuỷ tắc phúc chu.
君者, 舟也; 庶人者, 水也. 水則載舟, 水則覆舟.
          (Vua là thuyền, dân là nước. Nước có thể chở thuyền, nước cũng có thể lật thuyền.)
          Có thể thấy, sự ủng hộ hoặc phản đối của thứ nhân có quan hệ trực tiếp đến sự an nguy của giai cấp thống trị thượng tầng.
          Quân tử và tiểu nhân cũng là hai khái niệm đối lập. Lúc ban đầu, quân tử là từ dùng để gọi giai cấp thống trị quý tộc, tiểu nhân là từ dùng để gọi giai cấp bị thống trị. Về sau, lấy có đức hoặc không có đức để phân biệt quân tử với tiểu nhân. Thiên kiến giai cấp của giai cấp thống trị đã ảnh hưởng đến sự phát triển của nghĩa từ.

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- “Bách tính” 百姓, kim văn viết là “bách sinh” 百生. Về sau người Chu gọi quý tộc đời Thương là “Ân đa sĩ” 殷多士.
(2)- “Dư nhất nhân” 余一人 thấy ở giáp cốt văn, trong sách cổ viết là 予一人.

                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                 Quy Nhơn 16/11/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
Trong quyển
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 3)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục 1998.
Previous Post Next Post