Dịch thuật: Đào Uyên Minh "Không vì năm đấu gạo mà khom lưng"


ĐÀO UYÊN MINH
“KHÔNG VÌ NĂM ĐẤU GẠO MÀ KHOM LƯNG”

          Trong tập tục ăn uống của Trung Quốc, có một hiện tượng không thể xem thường đó là mối quan hệ giữa “thực” và “tiết” . “Tiết” tức khí tiết, nhân cách. Trung Quốc cổ đại có không ít những câu chuyện để bảo vệ nhân cách, giữ gìn khí tiết mà không chịu ăn.
          Vào cuối đời Thương, hai người con của vua nước Cô Trúc 孤竹 là Bá Di 伯夷 và Thúc Tề 叔齐 đã cản đường phản đối Chu Vũ Vương 周武王đi đánh vua Trụ . Vũ Vương không quan tâm đến, dưới sự giúp đỡ của Khương Tử Nha 姜子牙, đã tập họp các bộ lạc cùng sự chi viện của các nước nhỏ, rầm rộ từ Mạnh Tân 孟津 tiến đến Triều Ca 朝歌, đô thành của triều Thương. Với trận Mục Dã 牧野, nhà Thương bị diệt vong, vương triều Chu được kiến lập. Sau khi Vũ Vương diệt nhà Thương, Bá Di và Thúc Tề “cảm thấy sỉ nhục không chịu ăn thóc lúa nhà Chu”, cuối cùng chết đói ở núi Thú Dương 首阳. Hành động của Bá Di, Thúc Tề chấn động lòng người. Rõ ràng, họ đã phản đối cuộc chiến tranh chính nghĩa, tiến bộ. Nhưng từ giá trị thông thường xưa nay mà xét, mọi người không thể không thừa nhận họ quả là đã giữ khí tiết.
          Nếu như nói Bá Di, Thúc Tề nhân vì chủ trương chính trị của mình không được dùng mà tuyệt thực, thế thì với thái độ của bách tính thông thường trước cái đói như thế nào? Mặc dù thời cổ từng phát sinh những thảm kịch “người ăn thịt lẫn nhau” vì đói, nhưng đồng thời cũng không thiếu những người vẫn giữ được  tôn nghiêm cho dù chết đói. Trong Lễ kí – Đàn Cung 礼记 - 檀弓 có ghi lại một câu chuyện như sau:
          Thời Xuân Thu, nước Tề vào một năm nọ bị mất mùa, có một người tên là Kiềm Ngao 黔敖 cho nấu cơm rồi bày ra bên đường để những người đang bị đói đến ăn. Một ngày nọ, có một người lấy tay áo che mặt đi tới, nhìn bộ dạng thất thểu có thể đoán được anh ta đã bị đói nhiều ngày. Kiềm Ngao một tay bưng cơm, một tay bưng nước, ra dáng ban phát nói lớn:
Này lại ăn!
           Không ngờ người đói nọ ngẩng đầu nhìn Kiềm Ngao, một lúc lâu mới nói:
          Ta cũng vì không ăn cơm của loại người có giọng điệu như ông nên mới như thế này.
          Nói xong, người nọ liền bỏ đi, chẳng bao lâu bị chết đói.
          Người bị đói trong câu chuyện trên là một người vô danh tiểu tốt, nhưng trước mặt kẻ bố thí đã giữ được nhân cách và sự tôn nghiêm của bản thân. Mạnh Tử 孟子 cũng có nói:
          Nhất đan tự, nhất đậu canh, đắc chi tắc sinh, phất đắc tắc tử; hô nhĩ nhi dữ chi, hành đạo chi nhân phất thụ; xúc nhĩ nhi dữ chi, khất nhân bất tiết dã (1).
          一箪食, 一豆羹, 得之则生, 弗得则死; 呼尔而与之, 行道之人弗受; 蹴尔而与之, 乞人不屑也.
          (Một giỏ cơm, một bát canh, có được thì sẽ sống, không có thì sẽ chết đói. Nhưng nếu như la hét mà bố thí thì người qua đường cũng không nhận, lấy chân đá tới mà bố thí thì ngay cả người ăn xin cũng không thèm)
          Trong dân gian Trung Quốc xưa nay vẫn truyền tụng câu:
Ngạ tử sự tiểu, thất tiết sự đại (2)
饿死事小, 七节事大
(Chết đói là việc nhỏ, thất tiết mới là chuyện lớn)
          Để giữ nhân cách và khí tiết, có người nhịn đói chịu chết, có người suốt đời nghèo khổ long đong. Đào Uyên Minh 陶渊明 không vì năm đấu gạo mà khom lưng chính là điển hình cho loại người sau.
          Đào Uyên Minh là thi nhân cuối thời Đông Tấn. Tổ phụ của ông là Đại tư mã nổi tiếng thời Đông Tấn. Nhưng Đào Uyên Minh sống một cuộc sống rất đạm bạc, gia cảnh nghèo khổ vẫn uống rượu, đọc sách, làm thơ. Để sinh tồn, Đào Uyên Minh làm qua một chức quan nhỏ, nhưng do bởi nhìn không quen tác phong tồi tệ chốn quan trường, chẳng bao lâu ông từ chức. Về sau ông vẫn làm qua một số chức quan nhỏ, trải qua cuộc sống lúc làm quan lúc ở ẩn. Lần cuối cùng Đào Uyên Minh làm quan đó là vào năm Nghĩa Hi 义熙 thứ nhất (năm 405). Năm đó, ông đã qua tuổi “bất hoặc” (40 tuổi), theo lời khuyên của bạn bè ông ra làm huyện lệnh Bành Trạch 彭泽. Có một lần trên quận phái tên đốc bưu xuống xem xét tình hình, có người bảo ông đó là người của trên phái xuống, phải ăn mặc chỉnh tề cung kính mà nghinh tiếp. Đào Uyên Minh qua than dài và nói rằng:
Ta không vì bổng lộc 5 đấu gạo của huyện nhỏ này mà khom lưng khúm núm phục vụ cho những người ấy.
          Nói xong liền từ quan về nhà. Đào Uyên Minh làm huyện lệnh Bành Trạch chỉ hơn 80 ngày. Lần từ quan này ông vĩnh viễn rời khỏi chốn quan trường. Từ đó trở đi ông vừa đọc sách làm văn, vừa tham gia cày cấy. Về sau do bởi nông điền luôn gặp phải thiên tai, nhà lại bị cháy, gia cảnh ngày càng túng bấn, nhưng trước sau ông vẫn không ra làm quan để cầu bổng lộc, thậm chí ngay cả Thứ sử Giang châu tặng đến gạo và thịt ông cũng kiên quyết không nhận. Triều đình từng cho mời ông làm Trứ tác lang cũng bị ông từ chối.
          Đào Uyên Minh qua đời trong cảnh bần hàn bệnh tật. Ông vốn có thể sống một cuộc sống thong thả, chí ít cũng không phải lo cái ăn cái mặc, nhưng ông đã lấy nhân cách và khí tiết để đánh đổi; nên ông đã chọn lấy cuộc sống nghèo khổ thiếu ăn thiếu mặc. Nhưng có mất thì cũng có được, Đào Uyên Minh đã có được sự tự do của tâm hồn, có được sự tôn nghiêm của nhân cách, đã viết ra những bài thơ bài văn lưu phương bách thế. Ông lưu lại cho đời sau một gia tài văn học quý báu và cũng để lại một tài sản tinh thần vô giá. Khí tiết cao thượng trong sáng “không vì năm đấu gạo mà khom lưng” của ông đã trở thành tấm gương cho văn nhân đời sau thậm chí cho cả người Trung Quốc.
          Nếu như nói việc không ăn “ta lai chi thực” 嗟来之食 (3) và “không vì 5 đấu gạo mà khom lưng” là thể hiện tiết tháo và nhân cách của người xưa, thế thì câu chuyện “Lỗ tướng thị ngư” 鲁相嗜鱼và câu chuyện “Phong trả trách thư” 封鮓责书 của mẹ Đào Khản 陶侃lại thể hiện sự chính trực và liêm khiết của quan lại thời xưa cùng người nhà của họ.
          Theo Sử kí 史记, Công Nghi Hưu 公仪休 làm Tể tướng nước Lỗ, ông có tật là thích ăn cá. Nhiều người tranh nhau mua cá đến biếu, ông lại từ chối không nhận. Học trò hỏi ông:
Thầy thích ăn cá mà tại sao lại không nhận?
          Công Nghi Hưu trả lời dõng dạc:
Bởi vì thích ăn cá cho nên mới không nhận
          Ông giải thích rằng:
          Nếu nhận, tất sẽ nể nang; đã nể nang tất sẽ uốn cong pháp luật; đã uốn cong pháp luật tất bị mất chức.
          Công Nghi Hưu là một viên quan phong kiến, vì “thích cá nên không nhận cá” đã thể hiện sự liêm khiết của mình.
          Câu chuyện chuyện “Phong trả trách thư” 封鮓责书, gắn với mẹ Đào Khản 陶侃. Đào Khản (259 – 334) nhậm chức huyện lại ở Tầm Dương 寻阳 (nay là Cửu Giang 九江 Giang Tây 江西). Tầm Dương kề Trường giang, thuỷ sản phong phú, Đào Khản lại quản về ngư nghiệp. Là một người con có hiếu, Đào Khản luôn nhớ đến mẹ ở quê nhà sống một cuộc sống thanh bần. Một lần nọ, nhân thuộc hạ thuận đường công tác, Đào Khản liền nhờ đem cho mẹ một vò cá trả. Cá trả chính là cá muối, không phải là vật trân quý gì, chỉ xuất phát từ lòng hiếu thảo, muốn mẹ nếm qua đặc sản của Tầm Dương. Nhưng sau khi người mẹ biết là của Đào Khản, đã đổi mừng thành lo, liền lấy giấy bút viết chữ “phong” phong kín vò, lại viết cho Đào Khản mấy dòng:
          Con là quan, lấy đồ của nhà nước tặng cho mẹ, không những không mang lại cho mẹ niềm vui mà ngược lại làm cho mẹ thêm lo sầu.
          Đào Khản nhận được “Phong trách thư” 封责书 của mẹ, hối hận muôn phần. Đào mẫu thâm minh đại nghĩa, không ăn cá trả trở thành giai thoại trong lịch sử về phong tục ẩm thực Trung Quốc.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Câu này trong Mạnh Tử - Cáo tử thượng 孟子 - 告子上
(2)- Câu này trong Trình thị di thư 程氏遗书, quyển 22
(3)- TA LAI CHI THỰC 嗟来之食: tức câu chuyện về Kiềm Ngao nói ở trên.
          Trong Lễ kí – Đàn Cung hạ 礼记 - 檀弓 ghi rằng:
          Tề đại cơ, Kiềm Ngao vi thực ư lộ dĩ đãi ngạ giả nhi tự chi. Hữu ngạ giả mông duệ tập lũ, mậu mậu nhiên lai. Kiềm Ngao tả phụng thực, hữu chấp ẩm, viết: “Ta lai thực!” Dương kì mục nhi thị chi, viết: “Dư duy bất thực ta lai chi thực, dĩ chí ư tư dã”. Tùng nhi tạ yên. Chung bất thực nhi tử.
          齊大饑, 黔敖為食於路, 以待餓者而食之. 有餓者蒙袂輯屨, 貿貿然來. 黔敖左奉食, 右執飲, : “嗟來食!” 揚其目而視之, : “予唯不食嗟來之食, 以至於斯也”. 從而謝焉. 終不食而死.
          (Nước Tề gặp năm mất mùa nghiêm trọng, Kiềm Ngao chuẩn bị thức ăn nước uông bên đường để cho những người bị đói đi qua ăn. Có một người đói lấy tay áo che mặt, lê dép thất thểu đi tới. Kiềm Ngao tay trái bưng cơm, tay phải bưng nước nói rằng: “Này lại ăn!” Người nọ ngước mặt nhìn Kiềm Ngao và nói: “Ta cũng vì không ăn cơm của loại người có giọng điệu như ông mà mới như thế này”. Kiềm Ngao vội theo sau xin lỗi. Người ấy vẫn không ăn về sau chết đói)
          Nguồn: Lễ kí dịch giải 禮記譯解, quyển thượng. Vương Văn Cẩm 王文錦 dịch giải. Trung Hoa thư cục, 2007.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 4/9/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
ĐÀO UYÊN MINH
“BẤT VỊ NGŨ ĐẨU MỄ CHIẾT YÊU”
陶渊明
不为五斗米折腰
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
ẨM THỰC
中国民俗文化
饮食
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
Previous Post Next Post