Dịch thuật: Tam triêu

TAM TRIÊU

          Em bé sau khi sinh ra được 3 ngày, ngày thứ 3 gia đình sẽ bày một bữa tiệc để chiêu đãi bạn bè hàng xóm, đồng thời cử hành nghi thức cho bú cho ăn tượng trưng. “Tam triêu” 三朝 chính là gọi tắt nghi thức này, nghi thức do một phụ nữ chủ trì. Người phụ nữ vừa dùng tay thoa nước hoàng liên lên miệng em bé, vừa đọc những lời chúc tốt đẹp, sau đó cho em bé bú chút sữa mẹ. Cuối cùng, bà đỡ sẽ tắm cho em bé đó là “Tẩy tam” 洗三, tục gọi là “Tẩy tam đán” 洗三旦. Cách tẩy tam là trước tiên chuẩn bị một chậu nước ấm, cho vào những lá thơm, lấy trứng gà đập vỡ, dùng lòng đỏ bôi lên khắp người em bé, sau khi bôi xong mới cho em bé xuống nước. Tắm xong, dùng khăn quấn em bé lại hướng đến trời cao mà cầu khấn. Những nhà có học thức, người cha vào ngày này đặt tên cho em bé. Một việc không thể quên đó là nấu chín nếp dâng cúng Lâm Thuỷ phu nhân 临水夫人. Em bé sinh ra được 14 ngày gọi là “khai xung” 开冲, phải đến miếu bà đốt “giấy khai xung ” (khai xung chỉ -  开冲纸), trên giấy có đóng dấu 2 chữ “cấm xung” 禁冲.
          Ở nhiều nơi, nhà bà ngoại vào ngày “Tam triêu” cũng tặng cho cháu những món đồ,  còn có trái đào, bánh phúc thọ. Bất luận là sinh bé trai hay bé gái, sau khi sinh, người nhà đều chuẩn bị mì sợi hoặc chè để tặng cho bà con hàng xóm, gọi là “Lạc thân mai” 落身梅, biểu thị ý nghĩa em bé sinh ra được bình an, đồng thời đã được ẵm cho bú. Nhà bà ngoại sau khi biết tin vui, liền sắm sửa nào vải, quần, khăn quấn, tã lót, trứng gà, mì … để tặng. Ngày hôm sau người nhà sẽ mua một ít bánh, thịt heo biếu lại cho bà ngoại, tục gọi là “viên bính” 圆饼. Bà con, bạn bè, hàng xóm cũng đều có tặng phẩm. Có người tặng đường, có người tặng trứng muối, tặng thịt cá, nếp gạo v.v… cũng có người tặng vải, quần áo, mũ … Nếu như sinh được bé trai, thiếp mừng trên lễ vật sẽ ghi “sung lư chi kính” 充闾之敬 (1), hoặc “Lộng chương chi kính” 弄璋之敬. Nếu là bé gái, thiếp mừng trên lễ vật sẽ ghi là “Môn mi chi kính” 门楣之敬, hoặc “Lộng ngoã chi kính” 弄瓦之敬.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- SUNG LƯ CHI KÍNH 充闾之敬: cũng có thể nói “Sung Lư chi khánh” 充闾之庆. Theo Tấn thư – Giả Sung truyện 晋书 - 贾充传, Giả Sung 贾充tự là Công Lư 公闾, người Tương Lăng 襄陵 Bình Dương 平阳, phụ thân là Giả Quỳ 贾逵 làm Thứ sử Dự Châu 豫州. Giả Quỳ khi về già mới sinh được Giả Sung, ông vui mừng nói rằng:
Hậu đương hữu sung lư chi khánh
后当有充闾之庆
(Sau cùng cũng có niềm vui trong nhà rồi)
 nên lấy “Sung” để đặt tên cho con.
          Về sau "sung lư" cũng có nghĩa là làm rạng rỡ phủ đệ.
          Nguồn http://www.dxzw.com/c/c/57071.html
(2)- MÔN MI CHI KÍNH 门楣之敬: cũng có thể nói “Môn mi chi khánh” 门楣之庆. “Môn mi” chính là thanh gỗ ngang có chạm trỗ trên cửa chính. Theo chế độ xây cất thời cổ, chỉ có phủ đệ của quan lại mới có môn mi được chạm trỗ để làm tiêu chí, bách tính không được có môn mi, cho dù là phú hộ đại gia nhưng thân phận không phải là quan lại cũng không được.
          “Môn mi” cũng được dùng để chỉ phủ đệ.
          Trong Tư trị thông giám – Đường Huyền Tông Thiên Bảo ngũ niên 资治通鉴 - 唐玄宗天宝五年 có ghi:
          Dương Quý Phi phương hữu sủng ………. Dân gian ca chi viết:
Sinh nam vật hỉ nữ vật bi
Quân kim khán nữ tác môn mi.
杨贵妃方有宠 ……….民间歌之曰:
生男勿喜女勿悲
君今看女作门楣
          (Dương Quý Phi được sủng ái ………. Trong dân gian có câu ca rằng:
Sinh con trái chớ mừng, sinh con gái chớ buồn
Anh nay thấy được con gái mà làm nên cửa nên nhà)
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/741794.htm

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 1/8/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
TAM TRIÊU
三朝
Trong quyển
TÀI VẬN NHÂN DUYÊN CÁT HUNG HOẠ PHÚC
财运姻缘吉凶祸福
Tác giả: Tôn Bảo Quang 孙保光
Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2007.
Previous Post Next Post