Dịch thuật: Tại sao Tào Tháo cho đến lúc mất vẫn không xưng đế

TẠI SAO TÀO THÁO
CHO ĐẾN LÚC MẤT VẪN KHÔNG XƯNG ĐẾ

          Tháng 8 năm Kiến An 建安 thứ nhất (1), Tào Tháo 曹操 (2) đến Lạc Dương 洛阳 triều kiến Hán Hiến Đế, ép Hiến Đế dời đô đến Hứa Xương 许昌, biến Hiến Đế thành bù nhìn trong tay mình, đoạt ưu thế “hiệp thiên tử nhi lệnh chư hầu” 挟天子而令诸侯. Hiến Đế cho Tào Tháo giữ chức Đại tướng quân, phong tước Vũ Bình Hầu 武平侯, về sau nhân vì Viên Thiệu 袁绍 bất mãn, Tào Tháo mới đem chức Đại tướng quân nhường cho Viên Thiệu, tự mình nhậm chức Tư không kiêm Xa kị tướng quân, từ đó bắt đầu chủ trì  triều chính.
          Với thực lực ngày càng mạnh, Tào Tháo khống chế triều chính ngày càng nghiêm nhặt, và mức độ bù nhìn hoá của Hiến Đế ngày càng sâu.
          Tháng 4 năm Kiến An thứ 22 (năm 217), Hiến Đế xuống chiếu cho Tào Tháo mỗi khi ra ngoài được sử dụng cờ xí của thiên tử giống như hoàng đế, có tả hữu cảnh giới nghiêm mật. Tháng 5, Tào Tháo cho xây học cung Phong cung 沣宫 mà chư hầu được quyền hưởng dụng. Tháng 6, Tào Tháo nhậm mệnh quân sư Hoa Hâm 华歆 làm Ngự sử đại phu. Tháng 10, Hiến Đế xuống chiếu cho Tào Tháo được đội mũ lễ có 12 tua ngọc rủ xuống giống hoàng đế, ngồi xe kim ngân 6 ngựa. Đồng thời phong con trưởng Tào Tháo là Ngũ quan trung lang tướng Tào Phi 曹丕 làm Nguỵ quốc Thái tử.
          Như vậy, Tào Tháo đã hoàn thành việc chuẩn bị đoạt lấy đế vị và quyền lực thế tập, con đường hướng đến đế vương dường như đã đi đến điểm cuối cùng. Tào Tháo không những sự thực đã khống chế đại quyền của triều đình, khiến bản thân trở thành một vị hoàng đế trên thực tế, mà về mặt hình thức, Tào Tháo và hoàng đế chẳng có gì khác nhau. Điều duy nhất mà chưa đến tay Tào Tháo chẳng qua chỉ là danh hiệu hoàng đế mà thôi.
          Sự thực, ý đồ thay thế nhà Hán của Tào Tháo sớm đã lộ rõ, nhưng cho đến lúc mất Tào Tháo không đi đến bước cuối cùng. Ông đã để bước cuối cùng nhường cho con mình hoàn thành. Tại sao Tào Tháo không xưng đế? Chủ yếu có mấy phương diện sau:
          - Thứ 1: Tôn Quyền 孙权 khuyên Tào Tháo xưng đế là xuất phát từ lợi ích của mình. Đầu tiên, Tôn Quyền cho rằng làm như thế có thể có được sự tín nhiệm của Tào Tháo, từ đó thực hiện sự hoà giải giữa Ngô và Nguỵ, để mình có thể chuyên tâm đối phó với Thục Hán. Trong trận Tương Phàn 襄樊, nhằm đoạt lấy Kinh Châu 荆州 từ tay Lưu Bị 刘备, tập kích Quan Vũ 关羽 từ phía sau, Tôn Quyền đã giúp Tào Tháo, nhưng lại đắc tội với Lưu Bị. Mối quan hệ liên minh hơn 10 năm giữa Ngô và Thục đến đây là kết thúc, lúc này Tôn Quyền cần hoà hoãn mâu thuẫn với Tào Nguỵ, nếu không sẽ rơi vào hoàn cảnh bất lợi trước mặt sau lưng đều có địch. Kì thực, Tôn Quyền cho rằng nếu Tào Tháo quả thực xưng đế, phái ủng hộ nhà Hán sẽ kịch liệt phản đối, Tào Tháo lâm vào thế khó, sẽ giảm bớt sự uy hiếp đối với nước Ngô. Vì thế, Tôn Quyền ngoài mặt thì phục tùng nhưng bên trong ngầm chống lại, Tào Tháo thấy rõ ý đồ của Tôn Quyền không chịu dễ dàng mắc bẫy.
          - Thứ 2: Nhìn từ hình thế lúc bấy giờ, nếu tuỳ tiện xưng đế, quả thực sẽ tạo cớ cho thế lực chống lại và phái ủng hộ nhà Hán, bản thân mình sẽ rơi vào thế bị động trên trường chính trị. Tổng quan cuộc đời của Tào Tháo, sự phản đối trong nội bộ và cả sự phản bội đa phần đều phát sinh sau khi Tào Tháo được phong Nguỵ Công, Nguỵ Vương, chính là minh chứng tốt nhất. Vì thế, tiếp tục chiêu bài ủng hộ Hiến Đế, vỗ yên phái ủng hộ nhà Hán, củng cố nội bộ, những điều đó vẫn có tác dụng không thể xem nhẹ.
          - Thứ 3: Chí ít từ năm Kiến An thứ 15 (năm 210) trở đi, Tào Tháo nhiều lần “tự minh bản chí” 自明本志 (tự làm rõ chí hướng), nói rằng mình tuyệt đối không có ý đồ tự lập thay thế nhà Hán, ngôn từ khẩn thiết, lời nói đó mới khoảng hơn 10 năm, nếu giờ đột nhiên thay đổi chủ ý , phủ định lại mình, tất sẽ tạo nên ảnh hưởng bất lợi cho thanh danh của mình, chi bằng kiên trì tiếp tục diễn kịch.
          - Thứ 4: Quan trọng hơn cả là Tào Tháo là một người coi trọng thực tế, chỉ cần nắm được thực quyền, hư danh không quan trọng, câu “Thi ư hữu chính, thị diệc vi chính” 施於有政, 是亦为政 (3) chính là sự khắc hoạ chân thực cách nghĩ nội tâm của Tào Tháo.
          Ngoài ra, năm Kiến An thứ 24 (năm 219), Tào Tháo đã 65 tuổi, tuổi tác đã cao, tính ra cũng sắp rời bỏ thế gian, đây cũng có thể là một nguyên nhân khiến Tào Tháo không muốn xưng đế.
          Tóm lại, Tào Tháo không làm hoàng đế là sự quyết định sau khi cân nhắc được mất về sách lược, đó cũng là sự suy tính chu đáo và sáng suốt. Tào Tháo tự ví mình với Chu Văn Vương “tam phân thiên hạ hữu kì nhị” 三分天下有其二, đó là sự đánh giá của mình đối với mình.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- KIẾN AN 建安: là niên hiệu của Hán Hiến Đế cuối thời Đông Hán. Niên hiệu này kéo dài 25 năm, bắt đầu từ năm 196 đến năm 220.
(2)- TÀO THÁO 曹操 (155 – 220): tự Mạnh Đức 孟德, tiểu danh Cát Lợi 吉利, tiểu tự A Man 阿瞒, người huyện Tiều nước Bái (nay là thành phố Bạc Châu 亳州 tỉnh An Huy 安徽), nhà chính trị, nhà quân sự và là nhà thơ nổi tiếng cuối thời Đông Hán. Ông là người đặt nền móng cho nước Nguỵ thời Tam quốc. Về sau được phong là Nguỵ Vương, khi mất có tên thuỵ là Vũ Vương 武王. Sau khi Tào Phi 曹丕 lên ngôi truy tôn ông là Vũ Hoàng Đế 武皇帝, miếu hiệu là Thái Tổ 太祖.
          Nguồn http://zh.wikipedia.org/wiki
(3)- Câu này ở thiên Vi chính 为政 trong Luận ngữ 论语:
          Hoặc vị Khổng Tử viết: “Tử hề bất vi chính?” Tử viết: “ ‘Thư’ vân: ‘Hiếu hồ duy hiếu, hữu vu huynh đệ.’ Thi ư hữu chính, thị diệc vi chính, hề kì vi vi chính?”
          或谓孔子曰: “子奚不为政?” 子曰: “ ‘: ‘孝乎惟孝, 友于兄弟.’ 施於有政, 是亦为政, 奚其为为政?”
          (Có người hỏi Khổng Tử rằng: “Sao ông không ra làm quan để làm chính trị?” Khổng Tử đáp rằng: “ ‘Kinh Thư’ có nói: ‘Hiếu, chính là hiếu kính với cha mẹ, thân ái với anh em.’ Đem tinh thần đó mà áp dụng vào chính trị thì đó cũng là làm chính trị rồi đấy, sao cứ phải ra làm quan mới gọi là làm chính trị.”)

                                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn ngày 25 tháng 6 năm 2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
TÀO THÁO VI HÀ CHÍ TỬ BẤT XƯNG ĐẾ
曹操为何至死不称帝
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009.
Previous Post Next Post