Dịch thuật: "Văn chương tứ hữu" thời sơ Đường

"VĂN CHƯƠNG TỨ HỮU" THỜI SƠ ĐƯỜNG

          Trên thi đàn thời sơ Đường có 4 người được người thời bấy giờ gọi là “Văn chương tứ hữu” (文章四友), đó là: Thôi Dung (崔融), Lí Kiệu (李峤), Tô Vị Đạo (苏味道), Đỗ Thẩm Ngôn (杜审言). Phong cách tác phẩm của họ tương đối gần giống nhau, từ sau thời Cao Tông lấy thơ văn để kết bạn, nhân đó mà có tên “Văn chương tứ hữu”, trong đó Tô Vị Đạo và Lí Kiệu còn được gọi là Tô Lí.
          Thành tựu của tứ hữu chủ yếu về phương diện thi ca, văn chương của Lí Kiệu và Thôi Dung rất nổi tiếng, họ tích cực lợi dụng hình thức cận thể thi (1) mà người đời coi trọng để sáng tác thi ca, đối với các phương diện như cận thể thi cách luật, đối trượng, họ đã có những nghiên cứu hữu ích.
          Tác phẩm của Thôi Dung hơn một nửa là cận thể thi, cách luật đều rất nghiêm chỉnh, chỉ có một số ít tác phẩm về niêm đối chưa thoả đáng. Trong số tác phẩm của ông có một bộ phận là nhạc phủ cổ thi miêu tả cuộc sống nơi biên tái, cũng là những tác phẩm tương đối đặc sắc thời sơ Đường. Thôi Dung còn biên soạn bộ Đường triều tân định thi thể (唐朝新定诗体), về phương diện đối trượng ở cận thể thi, trong sách đã đề xuất 9 loại đối như thiết đối (切对), thiết trắc đối (切侧对) … về phương diện thi bệnh, từ góc độ hình nghĩa chỉ ra 6 bệnh như tương loại (相类), bất điều (不调) … về sự khu biệt thi thể, nêu ra 10 thể như hình tự (形似), khí chất (气质). Những nghiên cứu này đối với sự hoàn thành cận thể thi cách luật rất có ích.
          Trong 4 người, số lượng thơ hiện tồn của Lí Kiệu chiếm số lượng nhiều nhất. Có Tạp vịnh thi (杂咏诗) 120 bài, đều là những tác phẩm vịnh vật, từ nhật nguyệt phong vân, sơn thạch nguyên dã đến chương phục khí dụng, phi cầm tẩu thú, đều miêu tả sâu sắc, mượn vật gửi hứng. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Lí Kiều phải kể đến bài thất ngôn ca hành Phần Âm hành (汾阴行).
          Tác phẩm của Tô Vị Đạo cũng giống như Thôi Dung, lưu lại rất ít, chỉ có mười mấy bài, đều là cận thể thi, đa phần là ứng chế, vịnh vật, trong đó bài Chinh nguyệt thập ngũ dạ (正月十五夜) là nổi tiếng nhất, được xem là tuyệt xướng lúc bấy giờ.
          Trong "Văn chương tứ hữu", Đỗ Thẩm Ngôn là có thành tựu cao nhất, với 43 bài thơ của ông còn truyền lại, trừ mấy bài ứng chế ra, đa phần đều là vịnh hoài, tả cảnh, kí du. Phong cách thơ của Đỗ Thẩm Ngôn cứng cõi nhưng không mất vẻ tự nhiên, chú trọng màu sắc nhưng ít đẽo gọt. Bài ngũ luật Hoạ Tấn Lăng Lục Thừa tảo xuân du vọng (和晋陵陆丞早春游望) tả cảnh xuân ở Giang Nam đẹp như tranh vẽ, được Hồ Ứng Lân (胡应麟) đời Minh đánh giá là đệ nhất loại ngũ luật thời sơ Đường. Về hình thức cách luật, cận thể thi của Đỗ Thẩm Ngôn rất nghiêm chỉnh, theo sách vở có nói:
Cú luật cực nghiêm, vô nhất thất niêm giả
句律极严, 无一失粘者
(Câu luật cực kì nghiêm chỉnh, không có chỗ nào thất niêm)
          Bài ngũ ngôn bài luật Hoạ Lí đại phu Tự Chân phụng sứ tồn phủ Hà Nam (和李大夫嗣真奉使存抚河南) của ông dài đến 40 vận, là bài trường thiên đầu tiên ở cận thể thi thời sơ Đường; bài thất luật như Xuân nhật kinh trung hữu hoài (春日京中有怀) về thanh luật cũng đã tiếp cận đến chỗ thành thục. Về già ông cùng “Thẩm Tống” cùng nhau xướng hoạ, do bởi sự nỗ lực của họ, cuối cùng đã tác thành sự hoàn thành hình thức cận thể thi cách luật.
          Đỗ Thẩm Ngôn là tổ phụ của Đỗ Phủ, ông đã có tác dụng không thể xem nhẹ đối với sự trưởng thành của Đỗ Phủ. Thành tựu của Đỗ Phủ vượt xa tổ phụ, nhưng trong thơ của ông vẫn còn lưu lại ảnh hưởng của Đỗ Thẩm Ngôn. Nhìn từ tổng thể, một đời Đỗ Phủ dốc sức vào sáng tác cận thể thi, truy cầu cách luật nghiêm chỉnh, khí tượng hùng hồn, đã nhất trí với phương hướng nỗ lực của tổ phụ của mình.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- CẬN THỂ THI (近体诗): còn được gọi là Kim thể thi (今体诗) hoặc Cách luật thi (格律诗) là thể thơ hưng khởi ở thời Đường, chú trọng về luật bằng trắc, đối , niêm cùng hiệp vận. Vì để phân biệt với Cổ thể thi (古体诗) nên có tên gọi như thế. Cận thể thi phân thành 2 loại: đó là Luật thi (律诗) và Tuyệt cú (绝句).
          Với Luật thi:  mỗi bài có 8 câu.
          - Loại 8 câu mỗi câu 5 chữ gọi là Ngũ luật (五律)
          - Loại 8 câu mỗi câu 7 chữ gọi là Thất luật (七律)
Những bài vượt quá 8 câu gọi là Trường luật (长律) hoặc Bài luật (排律)
          Với Tuyệt cú: mỗi bài có 4 câu.
          - Loại 4 câu mỗi câu 5 chữ gọi là Ngũ tuyệt (五绝)
          - Loại 4 câu mỗi câu 7 chữ gọi là Thất tuyệt (七绝)
 Với bài thơ cận thể, số câu, số chữ, luật bằng trắc, áp vận đều phải tuân thủ chuẩn tắc nghiêm nhặt.

                                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn ngày 25 tháng 5 năm 2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
VĂN CHƯƠNG TỨ HỮU
文章四友
Trong quyển
ĐƯỜNG ĐẠI VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
唐代文化大观
Chủ biên: Lí Thiếu Lâm (李少林)
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2006.


Previous Post Next Post