Dịch thuật: "Tì bà" không phải là "Tì bà"

“TÌ BÀ” KHÔNG PHẢI LÀ “TÌ BÀ”

          Triều Minh có một vị quan tên là Viên Thái Xung 袁太冲, vị quan này rất thích ăn trái tì bà 枇杷. Một năm nọ nhân dịp sinh nhật, chàng rễ nịnh ông, tặng ông một giỏ trái tì bà, bên trên viết rằng:
Vô thậm hiếu kính, cẩn phụng tì bà nhất khuông
无甚孝敬, 谨奉琵琶一筐
(Vô cùng hiếu kính, kính dâng một giỏ tì bà)
          Bạn của Viên Thái Xung là Mạc Diên Hàn 莫延韩 tính thích khôi hài, nhìn thấy câu “cẩn phụng tì bà” 谨奉琵琶, tưởng là tặng cây đàn tì bà. Khi mở ra xem hoá ra một giỏ trái tì bà, liền thuận tay viết một bài thơ châm biếm:
Tì bà bất thị giá tì bà
Chỉ nhân chủ nhân thức tự soa
Nhược thị tì bà năng kết quả
Mãn thành huyền quản tận khai hoa
琵琶不是这枇杷
只因主人识字差
若是琵琶能结果
满城弦管尽开花
Tì bà đâu phải trái tì bà
Chỉ tại chủ nhân nhận chẳng ra
Nếu đúng tì bà đơm được trái
Khắp thành đàn sáo sẽ ra hoa
          Chàng rễ của Viên Thái Xung sau khi xem, mặt đỏ bừng, chẳng kịp ăn cơm vội vã trốn về  ngay.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
CÂY TÌ BÀ:
      Tì bà là một cây cho trái ngon, thuốc tốt, tên khoa học Eribotrya japonica (Thunb.) Lindl., thuộc họ hoa Hồng Rosaceae, được sử dụng hàng ngàn năm qua trong đông y.
          Tiểu mộc, cao 4-5mét, nhiều cành nhánh. Lá xoan ngược, dài 20cm, láng ở mặt trên và đầy lông ở mặt dưới. Hoa mọc thành chùm tụ tán phủ đầy lông hoe. Năm cánh hoa trắng, 20 tiểu phì trái tròn, to 3-4cm, chín có màu vàng, vị chua ngọt. Tì bà mọc hoang ở Cao Bằng, Lạng Sơn, trồng được ở Hà Nội, TP.HCM
          Bộ phận dùng: trái chín để ăn tươi, ngon, có tác dụng an thần. Lá, lấy lá bánh tẻ (gần già) lau sạch lông và bụi, phơi khô trong mát, để dành làm thuốc.
          Trích: Cây Tì bà. Báo Khoa học phổ thông.
          Nguồn: khoahocphothong.com.vn – Báo khoa học phổ thông…

CÂY TÌ BÀ
           Tên khoa học Eribotrya japonica, tên tiếng Anh là Loquat.
          Tên gọi cũ là Lô quất 芦橘, Kim hoàn 金丸, Lô chi 芦枝, thuộc họ Tường vi 蔷薇
          Nguồn http://baikebaidu.com/view/1103.html

          Từ điển Trung Việt của NXB Khoa học xã hội – Hà Nội dịch là “Sơn tra”.

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn ngày 31 tháng 5 năm 2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
“TÌ BÀ” BẤT THỊ “TÌ BÀ”
琵琶不是枇杷
Trong quyển
HÁN TỰ ĐÍCH CỐ SỰ
汉字的故事
Tác giả: Úc Nãi Nghiêu 郁乃尧
Quang Minh nhật báo xuất bản xã, 2005
Previous Post Next Post