Dịch thuật: Bôi sơn lên người và nuốt than

BÔI SƠN LÊN NGƯỜI VÀ NUỐT THAN (1)

          “Sĩ vị tri kỉ giả tử, nữ vị duyệt kỉ giả dung” 士为知己者死, 女为悦己者容 (Kẻ sĩ có thể vì tri kỉ mà vui lòng chết, thiếu nữ vì người yêu mến mình mà điểm trang). Đây là hai câu danh ngôn lưu truyền mấy ngàn năm nay, đến nay hãy còn có ảnh hưởng nhất định, chỉ có điều là nhân tố tiêu cực nhiều hơn ý nghĩa tích cực. Hai câu này xuất xứ từ miệng Dự Nhượng 豫让 nước Tấn cuối thời Xuân Thu (2).
          Dự Nhượng豫让, lúc trước từng làm gia thần cho Phạm thị 范氏và Trung Hàng 中行氏 thị nước Tấn. Phạm thị 范氏 và Trung Hàng thị中行氏 cùng Trí thị 智氏, Hàn thị 韩氏, Nguỵ thị 魏氏, Triệu thị 赵氏đương thời nắm quyền nước Tấn, xưng là Tấn quốc lục khanh. Nhưng Phạm thị và Trung Hàng thị đều không trọng dụng Dự Nhượng, nhân đó mà không ai biết đến tài năng của ông ta. Dự Nhượng rời bỏ Phạm thị và Trung Hàng thị đến với Trí Bá 智伯. Trí Bá rất tôn trọng và tín nhiệm ông. Về sau, Trí Bá và Triệu Tương Tử 赵襄子nảy sinh xung đột. Triệu Tương Tử liên hiệp với Hàn thị, Nguỵ thị, đánh bại Trí Bá, giết hết cả tộc ông ta, đem đất đai của ông ta chia ba. Triệu Tương Tử hận nhất Trí Bá, bởi có một lần Trí Bá lúc uống rượu cùng Triệu Tương Tử đã ỷ thế khinh người, đè đầu Triệu Tương Tử mà rót rượu. Về sau Trí Bá và Triệu Tương Tử đánh nhau, Trí thị lại tháo nước sông Phần cho chảy vào thành ấp Tấn Dương 晋阳 (Thái Nguyên 太原 Sơn Tây 山西) của Triệu Tương Tử, suýt chút nữa toàn quân của Triệu thị bị tiêu diệt. Do bới tích oán quá sâu, lần này sau khi giết Trí Bá, Triệu Tương Tử đã đem đầu lâu của Trí Bá sơn lên làm chén uống rượu, mỗi khi đại hội tân khách cử hành yến tiệc thì bày ra để biểu thị lòng cừu hận tột cùng đối với Trí Bá. Sau khi Trí Bá thất bại, Dự Nhượng trốn chạy vào trong núi ẩn mình. Dự Nhượng nói rằng:
          - Ôi! Kẻ sĩ có thể vì tri kỉ mà vui lòng chết, thiếu nữ vì người yêu mến mình mà điểm trang. Nay, Trí Bá là tri kỉ của ta, ta nhất định vì ông ấy mà báo thù chẳng tiếc gì cái chết để đáp lại lòng tôn trọng và tín nhiệm của ông ấy đối với ta. Ta có chết đi cũng chẳng ân hận gì.
          Thế là, Dự Nhượng đổi họ, giả trang thành người bị phán xử chịu tội khổ dịch, tiến vào nhà xí đang sửa chửa trong cung Triệu Tương Tử, trong áo giấu con dao ngắn, chuẩn bị thích sát Tương Tử. Tương Tử đi đến nhà xí, thấy có người lạ, trong lòng cảnh giác, vội ra lệnh bắt đem thẩm vấn. Sau khi biết đó là Dự Nhượng, bèn lục soát trong áo, phát hiện trong áo có giấu hung khí. Hỏi nguyên nhân vì sao, Dự Nhượng không né tránh nói thẳng rằng:
          - Tôi muốn thay Trí Bá báo thù.
          Tả hữu của Tương tử muốn giết chết Dự Nhượng, nhưng Triệu Tương Tử nói rằng:
          - Hắn ta là một người có nghĩa khí, ta cẩn thận một chút tránh hắn ta là được. Hơn nữa Trí Bá sau khi chết không có thân thuộc, gia thần của ông ta thay ông ta báo thù, đó là người tốt trong thiên hạ.
          Thế là cho thả Dự Nhượng. Qua một thời gian sau, Dự Nhượng dùng sơn bôi lên khắp người khiến da sưng phồng lên, lông tóc cho rụng hết để thay đổi hình dạng, lại nuốt than làm hỏng cổ họng, khiến tiếng phát ra ú ớ. Như vậy, người bình thường khó mà nhận ra, Dư Nhượng ăn xin ở chợ để ẩn thân, ngay cả vợ con gặp mặt cũng không nhận ra. Một lần nọ, lúc Dự Nhượng đang đi chậm, gặp phải người bạn thân ở phía trước, người nọ cảm thấy hình như là Dự Nhượng, liền đến trước mặt nói rằng:
          - Ông chẳng phải là Dự Nhượng sao?
          Dự Nhượng đáp rằng:
          - Đúng rồi.
          Người bạn nhìn thấy hình dạng của Dự Nhượng như thế rất buồn, nước mắt chực tuôn, liền nói rằng:
          - Với tài năng của ông, gởi thân trung thành  dưới cửa Tương Tử nhất định có được sự tín nhiệm và trọng dụng, như vậy, ông có thể tiếp cận ông ta, nếu muốn báo thù há chẳng dễ hơn sao? Hà tất làm nhục thân thể mình, huỷ hoại dung mạo mình? Dùng cách này để báo thù là rất khó.
          Dự Nhượng nói rằng:
          - Nếu tôi gởi thân trung thành dưới cửa người khác mà sau đó lại nhân cơ hội giết họ, đó là mang trong lòng tư tưởng bất trung để phụng thờ chủ nhân. Tôi dùng cách bôi sơn lên người và nuốt than để tìm cơ hội báo thù, biết rất rõ đó là hành vi cực khó, nhưng sở dĩ tôi làm như thế là để khiến cho sau này những người mang nhị tâm đối với chủ nhân cảm thấy xấu hổ.
          Người bạn của Dự Nhượng đành  buông tiếng thở dài rồi bỏ đi....
                                                                           (còn tiếp)  

Chú của nguyên tác
1- Bài này căn cứ vào tư liệu ở Sử kí – Thích khách liệt truyện 史记 - 刺客列传 có liên quan mà viết thành.
2- Trong Thuyết uyển – Phục ân 说苑 - 复恩 của Lưu Hướng 刘向 thời Tây Hán có đoạn:
          Bảo Thúc tử, Quản Trọng cử thượng nhẫm (y khâm) nhi khốc chi, khấp há như vũ. Tùng giả viết: ‘Phi quân phụ tử dã, thử diệc hữu thuyết hồ?’ Quản Trọng viết: ‘..... Sinh ngã giả phụ mẫu, tri ngã giả Bảo Tử dã. Sĩ vị tri kỉ giả tử, nhi huống vị chi ai hồ!’
          鲍叔死, 管仲举上衽 (衣襟) 而哭之, 泣下如雨. 从者曰: ‘非君父子也, 此亦有说乎?’ 管仲曰: ‘ ..... 生我者父母, 知我者鲍子也. 士为知己者死, 而况为之哀乎!’
          (Bảo Thúc chết, Quản Trọng nâng vạt áo đau buồn khóc, nước mắt như mưa. Tuỳ tùng hỏi rằng: ‘Các ngài chẳng phải là cha con, ngài khóc như thế là có lí do gì chăng?’ Quản Trọng bảo rằng: ‘..... Người sinh ra ta là cha mẹ, người hiểu ta là Bảo Thúc. Kẻ sĩ có thể vì tri kỉ mà vui lòng chết, huống hồ là đau buồn khóc! ...’)
          Quản Trọng là người thời kì đầu thời Xuân Thu, trước Dự Nhượng, chính là nói, “Sĩ vị tri kỉ giả tử, nữ vị duyệt kỉ giả dung” đã là thành ngữ lưu hành đương thời rồi.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 02/7/2020

Nguyên tác Trung văn
TẤT THÂN THÔN THÁN
漆身吞炭
 Trong quyển
SỬ KÍ CỐ SỰ TINH TUÝ
史记故事精粹
Biên soạn: Hoán Quan Sinh 浣官生, Hoán Quyên 浣涓
Bắc Kinh lí công đại học xuất bản xã, 2001
Previous Post Next Post