Dịch thuật: Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh (624) ("Truyện Kiều")


ĐƯA NGƯỜI VIỄN KHÁCH TÌM VÀO VẤN DANH (624)
          Vấn danh: là một trong sáu lễ giá thú truyền thống của Trung Quốc, gồm: nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp trưng, thỉnh kì và thân nghinh.
          Sáu lễ gồm:
          Nạp thái 纳采: tục gọi “nghị hôn” 议婚 hoặc “thuyết môi” 说媒, nhờ người làm mai đến nhà gái để bàn hôn sự. Khi người làm mai đến nhà gái, thường mang theo một con chim nhạn sống làm lễ vật, tượng trưng cho sự trung trinh bất nhị.
          Vấn danh 问名: tục xưng “hợp bát tự” 合八字. Trước tiên nhà trai đặt canh thiếp bên trên có ghi giờ, ngày, tháng, năm sinh của người nam lên án thờ tổ tiên trong nhà, qua mấy ngày sau, để ý trong nhà đều bình an vô sự mới đưa canh thiếp sang nhà gái. Nhà gái sau khi nhận đặt trên bàn thờ thần phật, sớm tối mỗi ngày thắp hương cúng bái. Qua mấy ngày sau, nếu như nhà trai và nhà gái xảy ra việc như trộm cắp, vật phẩm bị tổn hại, hoặc có người đau ốm thì hôn sự bất thành.
          Nạp cát 纳吉: cũng gọi là “tiểu định” 小定 hoặc “văn định” 文定 cũng chính là đính hôn. Sau vấn danh bói được điềm tốt, nhà trai nhờ người làm mai mang tặng lễ vật cho nhà gái, và thông báo quyết định hôn sự, đồng thời nhà trai chọn ngày tốt đến nhà gái tặng vòng vàng cho cô dâu.
          Nạp trưng 纳徵: tục gọi là “đại sính” 大聘 hoặc “hoàn sính” 完聘, nhà trai chọn ngày tốt để nhà gái để cử hành đại lễ đính hôn. Nạp trưng thông thường tiến hành trước hôn lễ 10 ngày hoặc 1 tháng. Ngoài chuẩn bị sính kim ra, còn có 6 kiện hoặc 12 kiện lễ, danh xưng sính lễ phải mang hàm ý cát tường, số lượng phải là số chẵn, mang ý nghĩa thành đôi thành cặp.
          Thỉnh kì 请期: tục xưng “trạch nhật” 择日 do nhà trai chọn ngày đại hỉ, xin sự  đồng ý của nhà gái.
          Thân nghinh 亲迎: chính thức cử hành hôn lễ. Bát tự của cô dâu chú rể viết trên giấy đỏ nhờ thầy bói chọn ngày Hoàng đạo, sau khi người làm mai trình sự đồng ý của hai bên, sẽ chính thức cử hành nghi thức thân nghinh.

Gần miền có một mụ nào
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh
(“Truyện Kiều” 623 – 624)
Định ngày nạp thái vu quy
Tiền lưng đã có, việc gì chẳng xong
(“Truyện Kiều” 651 – 652)
Đủ điều nạp thái vu quy
Đã khi chung chạ, lại khi đứng ngồi
(“Truyện Kiều” 957 – 958)
Vấn danh: Tiết đầu tiên trong hôn lễ, người nhà trai đem lễ vật đến hỏi tên tuổi người con gái.
Nạp thái vu quy: là lễ dẫn của, vu quy là lễ rước dâu.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Nghi lễ: Hôn hữu lục lễ, viết nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp chưng, thỉnh kỳ, thân nghênh.
          儀禮: 婚有六禮曰納采問名納吉納徵請期親迎
         (Sách Nghi lễ: Cưới vợ có sáu lễ là: nói chạm mặt, hỏi tên tuổi, bói được ngày, nộp lụa và của, xin ngày cưới, ngày đón dâu).
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

Xét:Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, câu 652 là:
Tiền lưng đã SẴN, việc gì chẳng xong
Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 651 - 652 là:
Định THỜI nạp thái vu quy
Tiền lưng đã THẤY, việc gì chẳng xong
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 09/5/2020


Previous Post Next Post