Dịch thuật: Trần trần một phận ấp cây đã liều (328) ("Truyện Kiều")


TRẦN TRẦN MỘT PHẬN ẤP CÂY ĐÃ LIỀU (328)
          Vĩ Sinh 尾生người nước Lỗ thời Xuân Thu đến sống ở đất Lương , quen với một cô gái xinh đẹp. Hai người yêu mến nhau nhưng cha mẹ cô gái chê Vĩ Sinh nghèo nên không đồng ý. Vì tình yêu và hạnh phúc, cô gái quyết định trốn theo Vĩ Sinh đến quê nhà anh ta tại Khúc Phụ 曲阜. Hai người hẹn gặp nhau dưới chân cầu bên ngoài Hàn thành 韩城. Vào lúc hoàng hôn, Vĩ Sinh đến trước đợi. Chẳng ngờ đột nhiên mây đen kéo đến, cuồng phong nổi lên, sấm chớp đầy trời, mưa như trút nước, chẳng mấy chốc, nước dâng cao. Chưa gặp được cô gái, Vĩ Sinh không chịu rời đi, cứ ôm chặt lấy trụ cầu, cuối cùng bị nước dìm chết. Còn cô gái bị cha mẹ cấm cố trong nhà sau khi phát hiện chuyện bỏ trốn. Đợi lúc đêm tối, cô gái thoát ra được, xông vào cơn mưa chạy đến bên cầu. Lúc bấy giờ nước đã dần rút. Cô gái nhìn thấy Vĩ Sinh ôm trụ cầu chết, bi thương tột độ, liền ôm lấy thi thể Vĩ Sinh gào khóc, rồi cũng nhảy xuống sông tự tận.
          Từ câu chuyện trên, người Trung Quốc có các thành ngữ “Vĩ Sinh bão trụ” 尾生抱柱, “Vĩ Sinh chi tín” 尾生之信, “Vĩ Sinh chi ước” 尾生之约 để ví với việc kiên thủ chữ tín.
          Trong Trang Tử - Đạo Chích 庄子 - 盗跖 có ghi:
          Vĩ Sinh dữ nữ tử kì vu lương hạ, nữ tử bất lai, thuỷ chí bất khứ, bão lương trụ nhi tử.
          尾生与女子期于梁下女子不来水至不去抱梁柱而死
          (Vĩ Sinh cùng cô gái hẹn nhau dưới chân cầu, cô gái không đến, nước dâng lên mà Vĩ Sinh không chịu rời, ôm trụ cầu mà chết).

Tháng tròn như gửi cung mây
 Trần trần một phận ấp cây đã liều.
(“Truyện Kiều” 327- 328)
Ấp cây: Ôm lấy gốc cây, tức ôm cột. Vĩ Sinh người nước Lỗ. hẹn gặp người con gái dưới chân cầu. Người con gái không đến, anh ta cứ ôm chân cầu, nước lên mà chết.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
21/8/2019

Xét: Theo “Thành ngữ - Điển tích – Danh nhân” của Trịnh Vân Thanh, ở mục “Ấp cây” có nói:
          “Ấp cây – Ôm cây. Đời Tống có một người đi cày ruộng, đêm đến thấy một con thỏ chạy hoảng va đầu vào gốc cây mà chết. Từ hôm sau liền bỏ việc cày bừa, cứ ngồi ôm gốc cây mà chờ thỏ để bắt, nhưng chờ ngày này qua ngày nọ vẫn không có một con thỏ nào bén mảng đến. Ý nói sự mơ ước hảo huyền, đứng núi này trông núi nọ, chỉ rước lấy thất bại vào thân. Trong “Kiều” cũng có câu:
Thân tròn như cuội cung mây
Trần trần một phận ấp cây đã liều.”
          Theo ý riêng: nếu điển này gốc ở câu chuyện “Thủ châu đãi thố” trong Hàn Phi Tử là không thoả đáng, vì có chữ “liều” ở câu 2.

Ấp cây một mực trần trần
Nặng tình đành nhẹ đến thân có ngày
(“Hoa tiên” 505 – 506)
Chú rằng:
          “Cả câu cứ khăng khăng ôm lấy mối tình đã hứa hẹn. Sách “Hàn Phi Tử” có chép: một người nước Tống thấy con thỏ chết ở gốc cây; từ đó anh ta bỏ cày bừa cứ đến gốc cây đợi con thỏ khác”.
(“Truyện Hoa tiên” Hoàng Hữu Yên khảo dị chú thích và giới thiệu)
          Theo ý riêng: nếu chỉ riêng câu đầu, điển có thể là có gốc từ sách câu chuyện “Thủ châu đãi thố” trong sách “Hàn Phi Tử”. Nhưng xét cả 2 câu thì là không thoả đáng.
            Như vậy, câu 328 trong "Truyện Kiều" xuất phát từ điển "Vĩ Sinh bão trụ"
Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, thì câu 327 này là:
NĂM tròn như gởi cung mây
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 05/3/2020
Previous Post Next Post