Dịch thuật: Ví chăng duyên nợ ba sinh (257) ("Truyện Kiều")


VÍ CHĂNG DUYÊN NỢ BA SINH (257)
          Ba sinh: tức “tam sinh” ba kiếp, theo thuyết luân hồi là kiếp trước, kiếp này và kiếp sau. Duyên nợ ba sinh tức có duyên nợ với nhau từ kiếp trước.
          Chùa Huệ Lâm 惠林ở kinh sư Lạc Dương 洛陽, xưa là phủ đệ của Quang lộc khanh Lí Đăng 李登. Khi An Lộc Sơn 安祿山vây hãm Đông đô, Lí Đăng cố thủ mà chết. Con là Lí Nguyên 李源, lúc nhỏ giao du với con nhà giàu có, ca hát tiêu xài nổi tiếng lúc bấy giờ. Khi phụ thân mất, Lí Nguyên đau buồn phát phẫn, thề không làm quan, không lấy vợ, không ăn mặn, hiến gia sản xây chùa Huệ Lâm và ở trú ở đó hơn 50 năm.
          Trụ trì chùa là thiền sư Viên Trạch 圓澤, giỏi kinh doanh lại thông âm hiểu âm nhạc, kết giao với Lí Nguyên rất thân thiết, thường bàn chuyện cả ngày, nhưng không ai biết là chuyện gì.        
 Ngày nọ hai người bàn cùng nhau đến núi Nga Mi 峨嵋, Lí Nguyên muốn đi đường thuỷ từ Hồ Bắc 湖北 theo sông mà lên, còn thiền sư lại đề xuất đi đường bộ, từ Tà Cốc 斜谷 Trường An 長安 mà vào sông. Lí Nguyên không đồng ý, thiền sư đành theo ý kiến của Lí Nguyên, và cảm thán rằng:
- Vận mệnh của một người quả thực không thể do bản thân tự quyết.
Cuối cùng theo ý kiến của Lí Nguyên, cả hai ngồi thuyền đi theo đường thuỷ, thuyền đến Nam Phố 南浦, cập vào bên sông, thấy một phụ nữ mặc váy hoa, đội vò lấy nước bên sông. Thiền sư Viên Trạch nhìn thấy liền rơi nước mắt, nói với Lí Nguyên rằng:
          - Tôi không muốn đi đường thuỷ là sợ gặp người phụ nữ này.
          Lí Nguyên thất kinh hỏi nguyên nhân, thiền sư đáp rằng:
- Người phụ nữ đó họ Vương, số mệnh đã định tôi làm con của bà, nhân vì tôi không chịu đến cho nên bà ta mang thai đã 3 năm mà chưa sinh. Nay đã gặp, không thể nào tránh được, xin ông dùng phù chú giúp tôi nhanh đầu sinh, Ba ngày sau lúc tắm cho bé, mong ông đến, tôi sẽ lấy nụ cười để chứng minh. 13 năm sau, vào đêm Trung thu tháng 8, ông đến bên ngoài chùa Thiên Trúc 天竺 ở Hàng Châu 杭州, tôi nhất định sẽ gặp ông.         
          Lí Nguyên đau buồn hối hận, tắm rửa thay quần áo cho thiền sư. Đến chiều tối, thiền sư Viên Trạch mất, người phụ nữ đó cũng đã sinh. Ba ngày sau Lí Nguyên đi gặp đứa bé, đứa bé nhìn thấy liền cười. Lí Nguyên liền nói cho Vương thị biết mọi việc, Vương gia xuất tiền, táng thiền sư dưới chân núi. Lí Nguyên không còn tâm trí nào mà di du sơn nữa, bèn trở về chùa Huệ Lâm 惠林. Đồ đệ trong chùa cho biết là thiền sư Viên Trạch đã viết di thư từ sớm.
          13 năm sau, Lí Nguyên từ Lạc Dương 洛阳đến chùa Thiên Trúc ở Tây hồ Hàng Châu, theo lời hẹn đi gặp thiền sư Viên Trạch. Khi đến bên ngoài chùa bỗng nhiên nghe tiếng hát của mục đồng gõ sừng trâu từ bờ sông Cát Hồng 葛洪truyền lại:
Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn
Thưởng nguyệt ngâm phong mạc yếu luân
Tàm quý tình nhân viễn tương phỏng
Thử thân tuy dị tính trường tồn
三生石上舊精魂
賞月吟風莫要論
慚愧情人遠相訪
此身雖異性長存
(Ta là linh hồn của người xưa đã qua ba đời
Chuyện cũ thưởng nguyệt ngâm phong qua rồi chớ có bàn đến nữa
Hổ thẹn để cho bạn phải từ xa đến thăm
Thân thể của ta tuy khác nhưng tâm tính vẫn trường tồn)
Lí Nguyên nghe qua biết là người cũ, liền hỏi:
- Trạch công, ông có khoẻ không?
Mục đồng đáp rằng:
- Lí công quả là người giữ chữ tín. Đáng tiếc tục duyên của tôi chưa hết, không thể gần. Chúng ta cố gắng tu hành không trễ nãi, tương lai sẽ có ngày gặp lại.
          Lại hát rằng:
Thân tiền thân hậu sự mang mang
Dục thoại nhân duyên khủng đoạn trường
Ngô Việt sơn xuyên tầm dĩ biến
Khước hồi yên trạo thướng Cù Đường
身前身後事茫茫
欲話因緣恐斷腸
吳越山川尋已遍
卻回煙棹上瞿塘
(Sự việc của thân trước thân sau rất mênh mang
Muốn nói ra nhân duyên nhưng sợ lại đau lòng
Núi sông Ngô Việt ta đã đi khắp
Giờ quay đầu thuyền lại đi đến Cù Đường)
          Mục đồng liền quay đầu đi, từ đó không biết đi đến nơi đâu.
Ba năm sau nữa, đại thần Lí Đức Dụ 李德裕khải tấu hoàng thượng, tiến cử Lí Nguyên là trung thần, lại rất hiếu thuận, xin ban cho chức quan. Thế là hoàng đế phong Lí Nguyên làm Gián nghị đại phu 諫議大夫. Nhưng lúc này Lí Nguyên sớm đã triệt ngộ, nhìn thấy rõ sự tình thế gian nên không chịu đến nhậm chức. Về sau Lí Nguyên mất tại chùa, hưởng thọ 80 tuổi.

Ví chăng duyên nợ ba sinh
Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi
(“Truyện Kiều” 257 – 258)
Mừng thầm chốn ấy chữ bài
Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây
(“Truyện Kiều” 281 – 282)
Nhớ lời nguyện ước ba sinh
Xa xôi, ai có thấu tình chăng ai
(“Truyện Kiều” 1259 – 1260)
Dạy rằng: “Hương lửa ba sinh
Dây loan xin nối cầm lành cho ai”
(“Truyện Kiều” 2581 – 2582)
Ba sinh đã phỉ mười nguyền
Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy
(“Truyện Kiều” 3225 – 3226)
Ba sinh: Dịch chữ Tam sinh của đạo Phật chỉ ba kiếp sống trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Td. Duyên nợ ba sinh.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Cổ thi: Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn.
          古詩: 三生石上舊精魂
          (Thơ Cổ: Tam sinh là cái hồn cũ ở trên hòn đá. Tam sinh thạch ở trong động Kiền khôn (Là chỗ Nguyệt lão giữ sổ giá thú ở dưới nhân gian)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Câu 1260 trong bản “Kim Vân Kiều” của Bùi Khánh Diễn và trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, và cả trong “Từ điển Truyện Kiều” bản in năm 2000 thì câu 1260 này là:
Xa xôi ai có BIẾT tình chăng ai?

                                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                                      Quy Nhơn 20/02/2020
Previous Post Next Post