Dịch thuật: Mây Tần khoá kín song the (249) ("Truyện Kiều")


MÂY TẦN KHOÁ KÍN SONG THE (249)
          Theo “Thành ngữ . Điển tích . Danh nhân Từ điển” của Trịnh Vân Thanh, mục “Mây Tần” ghi rằng:
          Dịch chữ “Tần vân”. Trong sách “Tình sử” có câu “Tần vân, Triệu võ” để chỉ chỗ mát mẻ yên lặng, nhưng cũng khó ra vào. Nghĩa bóng, nơi kín cổng cao tường, nơi đàn bà con gái ở. Trong Tấn thư cũng có câu: “Tần yên như mỹ
nhân”, nghĩa là, Mây Tần như người con gái đẹp. Trong Kiều có câu:
Mây Tần khoá kín song thư
Bụi hồng dứt nẻo đi về chiêm bao.
                                                        (Nhà xuất bản Văn học, 2008), trang 589)

Mây Tần khoá kín song the
Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao
(“Truyện Kiều” 249 – 250)
Mây Tần: Bản BKD chú rằng, có câu: “Tần vân như mỹ nhân” nghĩa là “Mây Tần như cô gái đẹp”, vì vậy, mây Tần còn có nghĩa là con gái đẹp.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Tấn thư: Tần vân như mỹ nhân.
          晉書: 秦雲如美人
          (Sách Tấn: mây Tần như con gái đẹp)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Theo ý riêng, “mây Tần” ở đây nếu hiểu theo câu “Tần vân, Triệu võ” trong “Tình sử” ở “Thành ngữ . Điển tích . Danh nhân Từ điển” của Trịnh Vân Thanh, “chỉ chỗ mát mẻ yên lặng, nhưng cũng khó ra vào. Nghĩa bóng, nơi kín cổng cao tường, nơi đàn bà con gái ở”, như vậy phù hợp với cả đoạn., vì hai câu này ở đoạn nói về Kim Trọng đang tưởng nhớ đến Thuý Kiều. Có điều, từ điển không nói xuất xứ và nội dung “Tần vân, Triệu võ” để có ý nghĩa như thế.
          “Mây Tần” ở câu 249 khác với “mây Tần” ở câu 2236 với ý nghĩa là nhớ nhà.
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa (2236)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 19/02/2020
Previous Post Next Post